Bên nhau là Tết
Truyện ngắn 28/01/2024 11:43
Dạ. Cháu cảm ơn ông Tính. Giàng hớn hở chạy ra ngõ, hai tay nhận lấy lá thư ông trưởng bản trao cho, miệng tíu tít cảm ơn rồi lại chạy một mạch vào nhà. “Chắc nó vui lắm!”. Ông Tính khẽ lắc đầu, mỉm cười, hai tay bắt chéo sau lưng, thủng thẳng bước về thì gặp bà Xê cũng vừa đi đâu về. Ông báo tin vui cho bà biết và còn hỏi chuyện về Nhâm (con gái bà). Bà Xê cảm ơn ông rồi thành thực:
- Không giấu gì ông, cháu nhà tôi nó bảo muốn ở rốn thêm một, hai năm nữa ở dưới xuôi, có thêm chút vốn liếng rồi mới về. Chứ ở bản mình thì nghèo mãi bác ạ!
- Bà nói cũng phải. Bản mình nghèo nên ai nấy rủ nhau xuống dưới xuôi làm ăn hết cả. Một số nhờ thế mà trở nên khấm khá. Nhưng nghe bảo… kiếm được đồng tiền dưới đó cũng chẳng dễ dàng đâu bà ạ. Bản mình nghèo thật đấy, nhưng được cái ai nấy đều đề cao cái nghĩa cái tình! Ông Tính khen Giàng, mới 8 tuổi mà ngoan ngoãn, lễ phép, biết điều. Có điều, thấy thằng bé thiếu vắng tình cảm của mẹ, ông thương lắm. Ông nói thêm dăm câu rồi chào bà Xê đi về. Bà Xê đứng nhìn theo bóng lưng của ông trưởng bản, lòng cũng đâm ra nghĩ ngợi.
Minh họa Lão Trần |
- Bà ngoại ơi, mẹ con nói là mẹ vẫn khỏe. Mẹ hỏi thăm sức khỏe của ngoại và việc học của con đây này. Giàng ríu rít khoe với bà của nó. Bà Xê ngồi bên, tay vuốt ve mớ tóc rối của cháu, đong đầy yêu thương. Mắt bà nhìn ra phía con ngõ hun hút, nơi những bụi cỏ lau trổ hoa trắng xóa đang phất phơ trong gió rét, lòng bà miên man về những điều đã qua.
Bà Xê góa chồng từ khi Nhâm vừa tròn một tuổi. Thương con, bà không đi bước nữa. Cuộc đời bà làm bạn với nương rẫy. Quanh năm suốt tháng dầm mưa dãi nắng cũng chỉ đủ ngô, lúa ăn qua mùa giáp hạt. Thế mà trộm vía, Nhâm khỏe mạnh và lớn phăng phăng. Bà vì thế cũng an lòng.
Thấm thoắt Nhâm đã trưởng thành. Vì không muốn sống cuộc sống khốn khó mãi, Nhâm xin mẹ xuống dưới xuôi đi làm kiếm tiền với hi vọng vùng đất mới sẽ được như chị mơ ước. Nào ngờ mới gần một năm, Nhâm trở về với cái bụng thù lù. Hỏi ra mới biết, cũng vì cả tin nên chị đã yêu thương một gã đã có gia đình. Đến khi biết chị có thai, gã khuyên chị đi bỏ, nếu không thì… cắt đứt duyên tình. Dù gã có nói thế nào, chị vẫn quyết không bỏ cái thai, vì đứa con trong bụng dù sao cũng là cốt nhục của chị, nó lại chẳng có tội tình gì. Chị nghĩ đến lời mẹ từng nói “Hổ báo còn không nỡ ăn thịt con. Ai lại nhẫn tâm bỏ đi đứa con còn chưa đủ hình hài”.
Nhâm không hận gã người yêu, cũng chẳng cần gã phải có trách nhiệm với cái thai trong bụng mình. Trước khi dứt tình với chị, gã vứt lại cho chị một cục tiền, coi như là trách nhiệm. Chị xoay xở một mình chẳng đặng nên quyết định về lại bản. Bà Xê ngạc nhiên đến sửng sốt, ngất xỉu khi thấy con gái vác bụng to lè lè đứng trước mặt mình. Bình tĩnh nghe con gái kể lại đầu đuôi câu chuyện, bà giận con phần ít mà trách mình phần nhiều. Con dại cái mang. Bà nghĩ vậy rồi lo cho con gái được mẹ tròn con vuông.
Chị Nhâm ở nhà với con được tròn năm thì lại xin mẹ xuống phố. Chị bảo, nhà có thêm người, không thể cứ sống quẩn quanh thế này. Mặt khác, chị muốn rằng sau này thằng Giàng được học hành tử tế, nên người, để đời nó không phải khổ như đời bà, đời mẹ nó. Thế nên, dù biết mẹ vất vả, biết con tủi thân, chị Nhâm vẫn dứt áo ra đi.
Sáu, bảy năm trời chị Nhâm đi làm ăn xa, thằng Giàng một tay bà Xê chăm sóc. Tuổi thơ nó vì thế thiệt thòi so với chúng bạn. Không chỉ bị chúng bạn trêu chọc, miệt thị vì “không có bố”, bị bạn bè xa lánh, bỏ chơi, Giàng còn buồn và tủi thân hơn khi thấy các bạn được bố dắt tay đến trường, được mẹ cho đi chợ, mua cho áo mới, được ríu rít nói cười, thoải mái vui đùa bên anh, chị em và bạn bè.
Bà Xê không biết chữ. Một năm, có khi hai năm, chị Nhâm mới về thăm nhà một lần. Ngày Giàng còn nhỏ, mỗi khi chị Nhâm gửi thư về, bà Xê thường đem thư sang nhờ ông Tính, cán bộ bản đọc hộ rồi viết thư trả lời giúp. Nhưng kể từ khi Giàng biết cái chữ, nó là người đọc thư mẹ gửi cho bà nghe, cũng là người thay bà viết thư trả lời mẹ. Nhiều lá thư, chữ này chữ kia nhoẹt nhòe, bà nó thấy vậy liền hỏi, nó gượng cười: “Tại cháu nhớ mẹ quá nên vừa viết vừa khóc”. Nghe vậy, bà Xê chỉ biết ôm cháu vào lòng.
Giàng sung sướng cầm lá thư chạy đi tìm bà ngoại của nó. Nó muốn khoe với ngoại điều mà bấy lâu nay nó vẫn hằng ao ước, vẫn thường trực trong những giấc mơ, sắp sửa đã trở thành hiện thực.
- Bà ngoại ơi, mẹ con bảo Tết này sẽ về…! Nó chạy đến ôm chầm lấy bà, hai mắt ngân ngấn nước rồi sụt sùi khóc vì sung sướng.
Mùa Xuân bắt đầu về trên mấy cành đào phai trước sân nhà. Vài búp non vẫn còn ngủ vùi dưới lớp sương mỏng manh những ngày cuối Đông, tuy nhiên đâu đó trên cành đã có vài ba chiếc nụ căng tròn he hé đôi mắt xanh non biếc rờn xôn xao đợi Xuân về. Ngoài đầu ngõ, chiếc lá bàng màu đỏ đồng cuối cùng trên cây bàng già cũng nhẹ nhàng về với cội. Trên mấy cành bàng khẳng khiu bắt đầu bật lên những chồi non màu xanh ngọc tràn trề hi vọng. Khắp thôn bản, đâu đâu vạn vật cũng cựa mình, chộn rộn chuẩn bị thay màu áo mới.
Bà Xê ngồi bên bục cửa khâu chiếc áo bông cũ, trong khi Giàng thì thấp thỏm, ra ngõ vào sân. Bà biết cháu bà đang háo hức chờ mẹ nó về. Bà cũng có khác gì nó. Lòng bà cũng đang ngóng trông con gái từng khắc từng giờ. Tết nhất, nhà cửa có bà có cháu, có mẹ có con thì chẳng niềm vui nào bằng. Bà nghĩ vậy và luôn ao ước được vậy. Bà hiểu con gái cũng chẳng vui gì khi phải cô đơn một mình nơi đất khách quê người. Thương con, xót cháu ngoại, bà tính chuyến này Nhâm về, nhất định sẽ khuyên con ở nhà, không đi làm ăn xa nữa.
Những ngày cận Tết, hai bà cháu Giàng cũng rộn ràng chuẩn bị gói bánh chưng. Nhà neo người, thế nhưng Tết năm nào bà Xê cũng vẫn giữ thói quen gói bánh. Phần vì Giàng rất thích ăn. Phần vì muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Rồi thì bà cũng muốn dạy cho cháu biết cách gói bánh, sau này lớn lên còn biết quý trọng và gìn giữ nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh, tinh hoa ẩm thực, trí tuệ của dân tộc. Vừa gói bánh, bà vừa kể chuyện “Sự tích bánh chưng bánh dày” cho Giàng nghe.
Bà tuy không được học chữ nhưng những câu ca, chuyện cổ ngày xưa (bà được bố mẹ kể lại) thì bà cũng có chút vốn liếng. Bà tóm tém cười, đọc mấy câu thơ đã dạy cho Giàng, hai bà cháu cùng hòa nhịp đồng thanh: Bên ngoài xanh lá dong xanh/ Bên trong nếp mỡ, đỗ hành hạt tiêu/ Gói nghĩa tình, gói yêu thương/ Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ. Bà dạy cho Giàng biết từng khâu để có được chiếc bánh chưng vuông vức, đẹp đẽ. Ngồi bên bà, Giàng chăm chú nghe, chăm chú xem bà ngoại gói bánh rồi cũng tập tành xin gói thử chiếc bánh nho nhỏ. Dẫu còn vụng về nhưng được bà khích lệ, nó cảm thấy trong lòng vô cùng hân hoan, phấn khởi. Nó cười rôm rả khoe với bà khi gói được một cái bánh chưng của riêng mình. Nó ngỏ ý muốn xin bà ngoại cho gói thêm một cái cho ngoại, một cái cho mẹ nữa. Biết được niềm vui của cháu, bà Xê vui vẻ gật đầu. Hai bà cháu tiếp tục gói bánh và trò chuyện vui vẻ. Bỗng giọng ông trưởng bản Tính gọi đầu ngõ:
- Giàng ơi, ra lấy thư mẹ cháu gửi về này! Giàng nhìn bà ngoại rồi đứng sững trong giây lát. Mặt nó đương vui tức thì sụ lại. Bà Xê cũng lộ vẻ băn khoăn, lo lắng.
- Có khi nào… Giàng ngập ngừng, giọng nó nghẹn bứ, hỏi bà rồi ủ rũ bước ra nhận thư của ông Tính trao. Thằng bé cầm trên tay lá thư của mẹ, đôi chân díu lại không muốn bước đi, còn trong lòng thì lo sợ quẩn quanh.
- Bà ơi… Tết này mẹ cháu… không về. Giàng nhìn bà Xê, mặt ỉu xìu trông thật đáng thương. Bà Xê nhổm dậy, bước lại ôm lấy đứa cháu tội nghiệp. Cùng lúc đó, ngoài cổng ngõ, giọng chị Nhâm bỗng gọi với vào sân:
- Giàng…! Giàng ơi…!
- A! Mẹ… Mẹ ơi…! Mẹ về rồi. Mẹ về thật rồi. Tay vẫn khư khư nắm lá thư của mẹ, Giàng chạy một mạch về phía mẹ nó, khóc nức nở trong vòng tay ấm áp của mẹ. Nước mắt Giàng chảy ròng trên má, thấm cả vào vai áo chị Nhâm. Ôm con trong lòng, chị Nhâm cũng rưng rưng không nói nên lời. Thì ra lá thư bà cháu Giàng vừa nhận được là thư chị Nhâm gửi trước đó hai, ba tháng, vì bị thất lạc nên mới về muộn. Bà Xê thở phào nhẹ nhõm, nhìn mẹ con Giàng tay trong tay yêu thương mà không kìm được xúc động, vội kéo vạt áo lên lau vội những giọt nước mắt hạnh phúc.
Vậy là Tết này, Giàng được ở bên mẹ của nó! Tết này, mẹ con, bà cháu bà Xê được sum vầy, đoàn viên. Bên nhau như thế này mới là Tết trọn vẹn nhất!.