Trung thu của Rơi
Quốc tế 16/09/2024 15:47
- Chắc thằng bé bị bỏ rơi cũng nên. Trời se lạnh thế này mà ăn mặc phong phanh quá.
Người đi đường tò mò đứng lại nhìn thằng bé. Người hiếu kì, người thương cảm, người trách móc bậc làm cha làm mẹ vô tâm. Họ muốn biết nhiều hơn về cậu bé nên đã bước lại gần hỏi về nơi ở, ba mẹ và tên tuổi của nó. Nhìn những cặp mắt đang chằm chằm hướng về phía mình, nó vô tư trả lời:
- Cháu tên là Rơi. Cháu 8 tuổi. Cháu không có ba mẹ. Cháu ở với bà. Chỗ cháu ở không có điện. Cháu muốn học nên đem sách vở ra đây... Nghe thằng bé nói, ai cũng nghẹn lòng, họ nhìn nhau. Mỗi người tự rút trong ví, trong túi áo, túi quần của mình vài tờ tiền lẻ cho nó. Người chép miệng, người lắc đầu, người xoa đầu thằng bé. Họ lại nhìn nhau, lại thầm thì “Tội nghiệp! Tội nghiệp quá!”.
- Rơi ơi, về thôi cháu. Sương xuống sẽ lạnh và cảm mất, bà Giàng đã ngoài 70 tuổi, tập tễnh bước từ trong khoảng tối phía ngôi nhà bỏ hoang đến bên thằng bé giục giã. Thấy có nhiều người đứng nhìn, bà không khỏi ngạc nhiên nhưng bà có thể hiểu điều họ đang nghĩ. Bà gượng mỉm cười. Những người đứng quanh cũng nhìn bà gượng cười. Hình như họ biết bà chính là bà của thằng bé. Rơi khó nhọc gấp sách vở rồi đứng dậy. Nó băn khoăn không biết làm thế nào với những tờ tiền mà mọi người cho nó. Nó nhìn về phía bà như muốn hỏi. Bà Giàng hiểu nên nhẹ nhàng nói:
Minh họa Lão Trần |
- Cảm ơn mọi người... Nhưng… bà cháu tôi tuy nghèo cũng không dám lấy tiền của mọi người.
- Bà cầm lấy mua đồ cho thằng bé. Cứ coi như đây là tấm lòng của những người qua đường chúng tôi. Bà Giàng nấn ná, không dám nhận. Họ nói mãi, bà mới miễn cưỡng cầm rồi nói lời cảm ơn họ lần nữa. Bà bảo sẽ dành số tiền này để mua đồ dùng cho thằng bé vào đầu năm học mới. Hai bà cháu dìu nhau đi vào khoảng tối phía con đường rẽ vào ngôi nhà bỏ hoang. Đám người đứng dưới đèn đường cũng tản dần.
- Bà ơi, cháu lạnh! Rơi nằm trên tấm chiếu cũ đã mục, gãy lia chia từng đoạn, chỉ có tấm áo mỏng của bà nó quàng qua người. Mấy bữa nay, trời chuyển mùa, sương xuống nhiều nên đêm trở lạnh, Rơi cựa mình liên tục.
- Để bà ôm cháu! Bà Giàng vòng tay ôm lấy thằng bé, vỗ nhẹ vào lưng nó. Phải một lúc lâu sau, Rơi mới thiu thiu ngủ. Bà Giàng nằm mãi vẫn không thể chợp mắt. Đêm Thu. ánh đèn đường vàng vọt lấp lóa, trăng trong vắt hắt vào bức tường loang lổ của khu nhà, chiếu thẳng vào nơi hai bà cháu đang nằm, mấy chùm hoa sữa thoảng hương nồng nàn trong gió. Cạnh hai bà cháu nằm còn có mấy người cũng cùng hoàn cảnh. Họ đang ngủ say sau một ngày vất vả mưu sinh khắp các ngả đường của thành phố với đủ nghề, đủ việc. Ngoài đường lớn, tiếng còi xe thi thoảng lại bíp bíp, inh ỏi. Rơi thỉnh thoảng giật mình. Bà Giàng lại phải đưa tay vỗ vỗ vào lưng nó, nó mới yên tâm ngủ. Nhìn nó ngủ, bà càng thương.
Ngày xưa bà Giàng cũng từng có một gia đình, nhưng chồng bà vì nghiện ngập nên sớm bỏ bà đi, hai vợ chồng bà vẫn chưa có con. Sau này, bà cũng không tính đến việc đi bước nữa. Bà nghèo nhất nhì làng, ai mà gắn bó với bà là sẽ khổ cả đời, lấy bà về, chỉ tội người ta. Thì thôi, bà ở vậy. Hồi còn trẻ, bà đi mò cua, bắt ốc nuôi thân. Có tuổi, lưng đau, không cúi được lâu, bà chuyển sang nhặt ve chai, cả ngày rong ruổi từ xóm ra bãi rác của làng để nhặt nhạnh những thứ còn bán được để lấy tiền mua gạo.
Một buổi sáng ra bãi rác sớm hơn thường ngày, bà bỗng nghe tiếng trẻ con khóc từ phía xa vọng lại, bà tìm đến tận nơi. Bà sững người khi thấy đứa trẻ không một manh áo che thân còn chưa cắt dây rốn nằm trần trụi trên đống rác bẩn thỉu, đầy ruồi và kiến. Bà hô hoán mọi người, họ chạy ra giúp bà đem thằng bé về, cho nó áo mặc, cho nó sữa uống. Suốt một tuần cả làng loan tin báo về đứa trẻ cũng chẳng có ai đến nhận. Người làng không ai muốn nuôi nó, phần vì họ nghèo, họ cũng phải chật vật lắm để nuôi con cái họ, phần nữa, thằng bé bị khoèo cả hai tay. Chắc vậy mà người ta nhẫn tâm bỏ rơi nó. Thương nó, bà nhận nó về nuôi, bà đặt tên nó là Rơi, như chính số phận nó từ lúc mới sinh ra. Suốt 8 năm qua, bà và Rơi vui buồn có nhau. Chẳng kể hết những vất vả, khó nhọc của bà để nuôi thằng bé lớn đến chừng này; cũng chẳng thể đếm xuể niềm vui, niềm an ủi mà thằng bé mang đến cho bà.
Bà Giàng và thằng cu Rơi rời quê lên phố nhặt ve chai cũng được hơn hai tháng. Ban ngày, hai bà cháu đi khắp phố để nhặt nhạnh ve chai đem bán mua cơm, mua nước uống. Tối về lại mượn một góc khu nhà hoang để làm nơi nghỉ ngơi. Ban đầu cũng sờ sợ, sau đâm quen. Bà Giàng đã già, mắt không còn tỏ như trước. Bà đưa Rơi lên phố cũng một phần vì muốn tìm ba mẹ cho nó. Biết đâu trong số những người qua đường, những người gặp nó lại nhận ra nó thì sao. Bà không phải không muốn nuôi no, mà bởi bà nghĩ cho tương lai của nó. Bà đã gần đất xa trời, bà muốn mọi điều tốt đẹp cho nó sau này. Nhiều người bảo bà hãy gửi nó vào trại trẻ mồ côi, mấy đứa trẻ bị bỏ rơi vẫn thường ở chung trong ngôi nhà ấy. Nhưng rồi bà lại nghĩ bụng, chùng chình. Dù sao bà và nó cũng đã có gần cả chục năm bên nhau. Bà lại chăm bẵm nó từ ngày còn đỏ hỏn. Bà thương nó như con như cháu bà, sao nói gửi vào trại mồ côi là gửi cho được. Thương và tội lắm.
- Em không lạnh à? Sao vẫn ngồi đây học bài?
- Em tập viết thêm chút nữa anh ạ. Bữa nay trời không mưa. Mấy hôm vừa rồi trời mưa, em không có đèn sáng để học bài.
- Anh rất vui vì em thích học?
- Vâng ạ. Em thích học nhất. Hôm bữa đi nhặt ve chai, người ta có bỏ đi bộ sách lớp 3. Thế là bà đem về cho em. Thật là may, em đã có bộ sách cho năm học mới. Bà mua thêm cho em tập vở này nữa, anh xem này. Em viết không đẹp, nhưng em sẽ cố gắng. Sắp vào năm học mới rồi, em sẽ lại về quê để đi học. Thằng bé Rơi tỏ ra rất hào hứng và xởi lời khi trò chuyện với Pha. Pha là anh chàng chạy xe ôm. Anh đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học thành phố. Nhà nghèo, vì muốn đỡ đần cho ba mẹ bớt vất vả, Pha tranh thủ chạy xe ôm buổi tối.
Pha gặp Rơi từ khi thằng bé và bà nó chân ướt chân ráo lên phố, cũng ở dưới trụ đèn này. Hai anh em vẫn thường nói chuyện và kể cho nhau nghe về cuộc sống của mỗi người những khi rảnh rỗi. Những lúc không có khách, Pha chỉ cho Rơi học bài. Hai anh em quý nhau như anh em ruột.
- Sao mấy bữa nay phố treo nhiều đèn lồng, đèn ông sao và nhiều bánh trái thế anh nhỉ?
- Ơ, thế em không biết à? Sắp tới Tết Trung thu rồi.
- Tết Trung thu là gì hả anh? Có giống ngày Tết năm mới không? Nghe thằng bé hỏi, Pha ngẩn người. Hình như nó chưa bao giờ biết đến Tết Trung thu thì phải. Pha nghĩ, rồi Pha kể, giải thích về nguồn gốc Tết Trung thu để nó hiểu. Sợ nó còn mơ hồ, Pha kể luôn cả mấy cái sự tích về chú Cuội, chị Hằng cho nó nghe. Rơi tỏ ra thích thú. Nó ngây thơ ao ước:
- Em ước được ăn bánh Trung thu, nhưng chắc nó đắt lắm anh nhỉ? Mặt Rơi đượm buồn. Pha xoa đầu thằng bé, lặng cười.
- Anh ơi, ngày mai em và bà phải về quê rồi. Mấy hôm nữa là đến năm học mới, giọng Rơi buồn buồn nói với Pha.
- Ừ! Em về để kịp đi học. Đến trường gặp thầy cô, bạn bè, chắc sẽ vui lắm.
- Vâng! Nhưng em cũng rất nhớ anh!
- Không sao. Anh biết địa chỉ nhà bà ở dưới quê rồi. Khi nào có dịp, anh sẽ xuống thăm em và bà.
- Có thật không anh? Rơi vui sướng.
- Đây là quà anh tặng em. Hai bữa nữa đến Trung thu, em hãy mở quà ra! Thằng bé tò mò nhưng nghe lời Pha, nó khẽ gật đầu.
- Nhưng anh lấy tiền đâu ra mua cho em, nhà anh cũng nghèo mà.
- Không sao. Đây là món quà anh tặng em vì em hiếu học và ngoan ngoãn. Em xứng đáng được như thế.
- Ôi, một cái bánh Trung thu. Đúng là chiếc bánh cháu đã nhìn thấy người ta bán trên phố. Anh Pha đã mua nó cho cháu bà ạ! Rơi nâng niu món quà Pha tặng. Chiếc bánh Trung thu đầu tiên trong đời nó nhìn thấy và được cầm trên tay. Nó sung sướng ôm lấy bà khiến bà Giàng cũng xúc động rơm rớm. Rồi Rơi nhìn lên bầu trời, ánh trăng như dát bạc làm khuôn mặt nó càng trở nên rạng rỡ. Nó sẽ chia chiếc bánh Trung thu làm hai phần, cho bà và cho nó. Hai bà cháu sẽ cùng ăn bánh, ngắm trăng, nhìn chú Cuội ngồi gốc cây đa... Nó miên man nghĩ rồi cười hạnh phúc!.