Nỗi mất mát không thể nói lên lời ở bản Làng Nủ
Tin tức 16/09/2024 07:53
Công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở kinh hoàng vẫn được các lực lượng chức năng khẩn trương tiến hành trên diện rộng. |
Lũ quét vùi lấp cả một thôn
Cả Làng Nủ có 40 ngôi nhà sàn nằm dưới chân núi Con Voi, là ngôi làng nổi tiếng đẹp và thanh bình, với 168 nhân khẩu. Đến sáng 10/9, một cơn lũ bất ngờ quét qua thôn Làng Nủ làm nhiều người thương vong và mất tích; trong đó, có 3 hội viên NCT.
Theo người dân địa phương, khu vực thôn Làng Nủ xưa nay chưa bao giờ xảy ra thiên tai nên khi vụ sạt lở núi xảy ra khiến tất cả đều hoàn toàn bất ngờ, không trở tay kịp. Khu vực thôn Làng Nủ nằm xa trung tâm, giao thông bị chia cắt, hoàn toàn mất thông tin liên lạc nên việc cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Hiện huyện Bảo Yên đang tranh thủ thời gian, gấp rút huy động lực lượng tiếp cận khu vực sạt lở, tìm kiếm người mất tích.
Ngay sau thảm họa, lực lượng cứu hộ nhanh chóng có mặt để tìm kiếm những người mất tích và cứu trợ. Hàng trăm người từ lực lượng quân đội, công an, cùng với các tình nguyện viên đã lao vào cuộc chiến với thiên nhiên để cứu giúp những người bị mắc kẹt và tìm kiếm các nạn nhân. Dù địa hình hiểm trở và thời tiết bất lợi, họ không ngừng nghỉ làm việc, đào bới từng lớp bùn đất dày để tìm kiếm các thi thể. Mồ hôi, nước mắt hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh bi tráng của sự nỗ lực và tinh thần kiên cường.
Bên cạnh đó, còn có đông đảo lực lượng cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 316 (Quân khu 2), Tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động số 4 (Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Bắc) và công an, quân sự, lực lượng “4 tại chỗ” địa phương tiếp tục chạy đua với thời gian, nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích, bảo đảm tìm đến đâu gọn đến đó, vừa an toàn, vừa hiệu quả.
Điều kiện thời tiết nắng nóng trong 2 ngày qua gây khó khăn cho các lực lượng tìm kiếm. |
Trung tá Phạm Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 quân khu 2 cho biết: “Chúng tôi cơ động lên đây 300 đồng chí. Chúng tôi đã lên sơ đồ, giao nhiệm vụ cụ thể tại từng khu vực và tổ chức rà soát chặt chẽ, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là nhân dân khu vực này để tìm kiếm các nạn nhân.”
Các mũi tìm kiếm được phân bổ chủ yếu dọc hai bờ suối từ Làng Nủ đến cửa suối đổ ra sông Chảy, sử dụng mọi phương tiện, thiết bị từ cơ giới đến thô sơ, lật từng gốc cây, tảng đá, dùng cả sào để thăm dò độ sâu và tìm thi thể các nạn nhân dưới lớp bùn lầy.
Ông Hoàng Quốc Bảo, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên thông tin: Đây là trận lũ quét nghiêm trọng, gây ra mất mát, thương vong, tổn thất rất lớn về cả người và tài sản trên địa bàn huyện. Công tác hậu cần, hỗ trợ cho các lực lượng tìm kiếm cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên hàng đầu, trên tinh thần huy động mọi nguồn lực, tất cả vì nhân dân. Gần tuần qua, chúng tôi cũng đã cắt cử lực lượng địa phương gồm dân quân tự vệ, đội ngũ an ninh cơ sở và bà con bản địa am hiểu về địa hình, địa vật cũng như các hố sạt trượt và những khu vực nghi vấn còn nhiều bà con nằm ở dưới để hỗ trợ lực lượng chuyên trách tìm kiếm nhanh chóng, thuận lợi.
Những người may mắn thoát nạn
Hiện toàn thôn có 11 trường hợp ở Làng Nủ nghi mất tích đã thoát chết trong lũ dữ. Cụ thể: hộ ông Hoàng Văn Duân, hai vợ chồng cùng hai con sang chăm bố cách khu vực bị lũ quét khoảng 200 mét về phía bên kia sườn đồi; chị Nguyễn Thị Hồng (sinh 1991) cùng hai con là Hoàng Thị Hiểm (sinh 2008), Hoàng Trung Huyên (sinh năm 2010) đi làm ăn ở Yên Bái, bị lũ cô lập mất liên lạc, nay đã trở về an toàn.Bà Hồng chia sẻ, bản thân không hề hay biết gì về vụ sạt lở đất xảy ra tại quê nhà Làng Nủ mấy ngày trước do ở Yên Bái cũng xảy ra ngập lụt, bị cô lập 5 ngày, mất điện, không có sóng điện thoại nên không liên lạc được với người thân. Sau khi nước rút, bà Hồng mới liên lạc được với một đoàn từ thiện và theo xe về quê Làng Nủ để trình báo. Chị Hồng về một mình, đi thẳng lên Sở chỉ huy cứu hộ đặt tại Nhà văn hóa cộng đồng Làng Nủ, xã Phúc Khánh để báo tin với chính quyền. Chị cho biết, con gái Hoàng Thị Hiệp, 16 tuổi, hiện ở Bảo Yên; con trai Hoàng Trung Nguyên, 14 tuổi, gửi lại chỗ làm ở Yên Bái.
Sớm hoàn thành xây dựng lại bản Làng Nủ
Trước đó, chiều 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp tới khu vực hiện trường vụ sạt lở thôn Làng Nủ để thị sát tình hình, kiểm tra và động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân tại đây. Trên đường vào nhà văn hóa, Thủ tướng đã dừng xe lội xuống thăm hỏi lực lượng tìm kiếm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn mất tích do sạt lở đất tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. |
Con đường từ huyện Bảo Yên vào thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh) khoảng 12km nhưng đường nhỏ khó đi, nhiều đất đá do hậu quả của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão. Cùng với việc nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân, hiện các lực lượng chức năng cố gắng khắc phục các đoạn đường bị ảnh hưởng sau bão.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc tới những gia đình, người thân có người tử vong tại đây. Thủ tướng đề nghị tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, ông đề nghị các lực lượng tập trung tìm kiếm người mất tích. Ông đề nghị thay đổi phương thức tìm kiếm để đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với những người bị thương phải tập trung cứu chữa, chăm sóc y tế đầy đủ. Cùng với đó phải dọn vệ sinh môi trường. Ông nói khi đi ở hiện trường thấy vấn đề vệ sinh và phải đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Về giao thông, ông đề nghị cần khắc phục sớm và ngành giáo dục - đào tạo nhanh chóng khôi phục lại cơ sở, đảm bảo cho các cháu trở lại trường học sớm nhất có thể.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc cần phải khôi phục lại sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó phải động viên, chia sẻ, nắm tình hình xem còn gì người dân khó khăn để hỗ trợ. Ông yêu cầu khảo sát, quy hoạch địa điểm an toàn với sự tham gia ý kiến khoa học của các cơ quan chuyên môn để xây dựng lại, khôi phục bản Làng Nủ, bảo đảm các hộ dân có nơi ở an toàn với hạ tầng phù hợp.
Chậm nhất 31/12/2024 phải hoàn thành. Trong đó, tỉnh Lào Cai chủ trì triển khai, nếu thiếu gì thì báo cáo Chính phủ; vận dụng cơ chế trong trường hợp đặc biệt để xử lí các vấn đề liên quan như huy động lực lượng công binh xây dựng lại bản làng.
“Đến ngày 31/12, tất cả người còn sống và các hộ phải có chỗ ở, nơi sinh sống ổn định, có điện nước, nơi vui chơi, cây xanh, đảm bảo môi trường sống an toàn, lành mạnh”, Thủ tướng nêu rõ./.