Sống lại kí ức
Truyện ngắn 31/08/2024 09:09
- Sau thời gian hai bạn tìm hiểu, từ đó báo cáo với tổ chức hai cơ quan, được sự đồng ý nhất trí của chính quyền địa phương, hôm nay chúng ta tập hợp nơi đây để chứng kiến lễ thành hôn của hai bạn Trần Trung Lai và Đặng Thị Xuân. Thay mặt hai bên gia đình và hai cơ quan của cô dâu, chú rể, tôi tuyên bố khai mạc hôn lễ. Chúc cô dâu, chú rể trăm năm hạnh phúc, vui duyên mới không được quên nhiệm vụ đâu nhé!
Xuân thấy trong người cứ lâng lâng, cảm giác hồi hộp xâm chiếm tâm trí. Chẳng hiểu sau buổi lễ này, đêm tân hôn sẽ diễn ra như thế nào? Xuân vừa có cảm giác chờ đợi, vừa có cảm giác lo sợ, không hiểu cô với chồng sẽ thực hiện nghi thức chồng - vợ ra sao? Thôi kệ, đến đâu thì đến. Chẳng là loài người vẫn thực hiện cái nghi thức ấy để duy trì nòi giống cả nghìn, cả vạn năm nay sao? Tiệc cưới toàn nước trà, vậy mà ai cũng đến chúc tụng cô dâu, chú rể thật là vui.
Minh họa Lão Trần |
Ngày đó chiến tranh đang vào thời kì ác liệt, nên Xuân và Lai cưới nhau không hề có lấy một ngày trăng mật. Sau đám cưới cả hai người phải lập tức đi làm nhiệm vụ tổ chức giao. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, cưới nhau được một tuần thì Lai phải lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên. Xuân phải vò võ một mình với bao nỗi nhớ nhung anh chồng vừa mới cưới. Được cái nhiệm vụ trên giao cũng nhiều, nên cô lao vào công việc cũng vợi đi không ít nỗi buồn.
Hơn tháng sau ngày cưới, Xuân mừng vui khi biết mình có em bé, cô ước gì có anh bên cạnh, để cô lao đến thông báo cho anh tin mừng này. Chồng Xuân hiện ở đâu, cô không hề biết rõ, chỉ biết anh đang tập trung huấn luyện ở Thanh Hóa. Xuân tìm đến các cơ quan tuyển quân để dò hỏi, cũng chỉ biết đơn vị anh đang huấn luyện ở xã, huyện nào của Thanh Hóa mà thôi. Xin cơ quan được nghỉ một tuần, Xuân chuẩn bị một ít đồ ăn, thức uống, mượn được cô Luyến chiếc xe đạp Thống Nhất nam, Xuân quyết tâm một chuyến tìm chồng, phần vì quá nhớ nhung, phần muốn báo cho anh biết tin mừng vợ chồng sắp có con, để anh yên tâm. Con anh được bốn tháng rồi, nó đang lớn dần từng ngày trong bụng Xuân.
Đường đi thời điểm đó quá gian nan vì đang thời chiến, nhiều chỗ Xuân phải dắt xe băng rừng, lội suối. Cô cứ đi như vậy, vừa đi vừa hỏi, nhưng không ai có thể chỉ cho cô, vì khi đó nguyên tắc bảo mật, nên hỏi ai cũng nhận được “ba không”, không biết, không nghe, không trông thấy gì. Cứ đi như vậy, trời tối sập xuống lúc nào không hay. Ánh trăng suông trải xuống con đường trước mặt một màu trắng đục nhờ nhờ. Xuân vẫn cố đạp xe bon trên đường, vì nhìn xung quanh chẳng có ngôi nhà nào mà ghé vào nhờ tá túc. Con đường vẫn trải rộng trước mặt, chiếc xe vẫn bon bon vì hình như xuống dốc. Bỗng ùm một cái, Xuân hoảng hốt tưởng tim cô rơi khỏi lồng ngực. Cô cảm giác người cô ướt nhoét. Cô đưa tay quờ quạng xung quanh, không thấy nước mà chỉ thấy cái gì đó nhun nhũn, mềm oặt. Cô bốc một nắm đưa lên nhìn thử. Ôi, hóa ra là bùn. Người Xuân cứ theo đà chìm dần xuống, cảm giác bùn đã lên đến ngực rồi. Ý nghĩ thoáng qua, cô đoán mình đã rơi xuống đầm lầy, chắc phải bỏ xác chìm xuống ở đây mất.
Thai nhi trong bụng động cựa dữ dội, bản năng người mẹ trỗi dậy mách bảo, bằng mọi giá phải thoát ra khỏi nơi này, không được chết. Xuân vớ lấy chiếc xe đạp, ôm chặt lấy để người không chìm xuống thêm nữa, lấy sức hô kêu cứu vang cả một vùng. Nhưng thời gian cứ như vô tình trôi qua, mà khu vực này vẫn hoang sơ không một bóng người. Xuân cảm thấy tuyệt vọng, không còn lấy đâu ra dũng khí để tiếp tục kêu cứu, cô gục xuống khung chiếc xe đạp, hai hàng nước mắt cứ như vậy tuôn ra ào ạt.
Bỗng có tiếng huýt sáo vang lên trên đường. Thực hay là mơ đây? Xuân lấy lại bình tĩnh, dỏng tai lên nghe ngóng. Đúng có tiếng huýt sáo, một bài ca quen thuộc, nhưng không nhìn thấy người, chắc ở dưới này thấp tầm nhìn bị che khuất. Xuân lấy hết sức bình sinh, lại hét lên:
- Có ai đó không? Cứu với, cứu tôi với… Tôi đang bị chìm ở dưới đầm này…
Tiếng huýt sáo chợt im, có tiếng thanh niên cất lên:
- Ai đó, có ai bị rớt xuống đầm lầy hả?- Tôi đây! Tôi bị rơi xuống đầm lầy không sao lên được. Tôi đang bị chìm dần xuống, đến cổ rồi.
Ánh đèn pin lóe lên, quét đi quét lại trên khu đầm lầy. Người thanh niên xác nhận đã nhìn thấy có người dưới đầm lầy, anh nói vọng xuống:
- Chịu khó chờ, để tôi đi kiếm cây kéo lên nhé.
Một cây gỗ nhỏ được đưa xuống gần chỗ Xuân, cô buông chiếc xe đạp vớ lấy đầu cây gỗ, nắm chặt. Người thanh niên trên bờ lấy hết sức bình sinh kéo Xuân lên bờ, còn chiếc xe đạp anh nói để về nhà lấy câu liêm kéo lên. Thì ra đó là một cậu thanh niên nom khá bảnh trai, chạc khoảng mười lăm, mười sáu tuổi. Cậu thanh niên nói:
- Cháu đi họp chi đoàn thanh niên, về qua đây thì nghe tiếng kêu cứu. Cô về nhà cháu tắm rửa, rồi nghỉ lại có gì để mai tính. Nhà cháu cũng gần đây thôi, đi chừng hai mươi phút đến nơi.
Xuân theo cậu thanh niên về nhà cậu ấy. Hỏi ra mới biết, cậu tên là Lâm, năm nay lên mười sáu tuổi. Cha cậu cũng đã tham gia quân đội, đi miết tận chiến trường B. Mẹ cậu tham gia lực lượng thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ mở và bảo vệ các con đường ở Trường Sơn. Cậu sống với bà nội, một cụ già nhà quê hiền lành, chất phác.
Xuân tắm rửa rồi ăn bữa cơm đạm bạc, mà thật ngon như cả đời chỉ được một lần thưởng thức. Qua cơn hoạn nạn, Xuân ngủ một giấc li bì đến sáng muộn hôm sau mới tỉnh dậy. Mở mắt ra Xuân đã thấy chiếc xe đạp được Lâm đưa về rửa sạch sẽ, dựng ở ngoài sân. Xuân mỉm cười mãn nguyện, thời chiến khó khăn, vất vả, thiếu thốn đủ điều nhưng tình người thì luôn tràn ngập, ăm ắp khiến cuộc sống thấy đáng sống hơn. Hỏi chuyện, Lâm cho biết anh có biết đơn vị đó, nghỉ ngơi ăn bát cơm buổi sáng rồi anh đèo Xuân đến.
Tới nơi, tìm gặp được chồng, nhưng niềm vui tao ngộ chỉ được tính bằng giờ, vì đơn vị Lai phải hành quân vào chiến trường B. Vợ chồng Xuân cứ thế quấn quýt với nhau, nghẹn ngào không nói được một lời. Xuân chỉ kịp báo cho chồng biết, một mầm sống đã hình thành và đang lớn dần từng ngày trong người cô. Không thể tả được Lai mừng đến cỡ nào, khuôn mặt anh rạng rỡ, sáng bừng lên, mọi nhớ nhung, tình cảm ngày gặp mặt dường như tan biến hết, nhường chỗ cho niềm vui sắp có đứa con chào đời. Lai ôm chặt Xuân vào lòng, đoạn nhắc nhở vợ:
- Anh đi vào chiến trường chiến đấu chắc phải lâu lắm mới về. Cuộc chiến này không biết đến khi nào mới kết thúc. Em ở nhà cố gắng chăm lo sức khỏe, cố gắng mẹ tròn con vuông, nuôi dạy con khỏe mạnh, nên người chờ anh về em nhé!
Xuân chẳng thể nói gì, chỉ gật đầu lia lịa. Giờ chia tay rồi cũng đến, khi tiếng kẻng báo hiệu tập trung trong đơn vị vang lên, Xuân nắm chặt tay chồng, nghẹn ngào nói:
- Anh cứ yên tâm chiến đấu gặt hái được nhiều chiến công. Cầu mong cho anh chân cứng đá mềm, giữ được bình an mà về với mẹ con em nhé! Em sẽ nghe lời anh, hẹn anh ngày chiến thắng trở về.
Hai vợ chồng bịn rịn chia tay, Lai vào đơn vị cùng đồng đội đi miết vào phía Nam, Xuân quay trở lại quê hương, tiếp tục với những công việc, nhiệm vụ trên giao và chờ ngày khai hoa kết trái. Rồi ngày đó cũng đến, Xuân sinh hạ được một bé trai nặng bốn cân, nom kháu khỉnh, bầu bĩnh. Mặt thằng bé giống hệt Lai, mỗi lần nhìn con Xuân lại nghĩ đến Lai, mà lòng xốn xang đầy nhung nhớ. Phần Lai, từ khi chia tay với vợ tại đơn vị, anh đi tuốt luốt vào phía trong, không tin tức, không thư từ gì về cho vợ.
Hằng ngày ngoài giờ làm việc ở cơ quan, Xuân lại lặng lẽ chọn góc khuất trong nhà ngồi giở những kỉ vật ra xem, rồi nhớ chồng da diết. Được cái thằng bé dễ nuôi, ít ốm đau, sài đẹn và ăn uống rất tốt. Nhìn con lớn nhanh như thổi, lòng Xuân vợi đi đáng kể nỗi nhớ chồng. Dạo này đài phát thanh liên tục loan tin thắng trận trên các mặt trận phía Nam, lòng Xuân rộn lên niềm vui, cũng như nỗi nhớ chồng lẫn lộn. Không biết chồng cô hiện đang chiến đấu ở đâu? Có gian khổ lắm không, có an toàn để trở về với mẹ con cô?
Thấm thoắt đã bảy năm trôi qua, đất nước thống nhất đã một năm trời, mà Xuân vẫn chưa thấy tin tức gì của chồng. Bặt vô âm tín, một dòng thư cũng không trở về với Xuân. Được cái không có tin báo Lai hi sinh, thì vẫn còn đó nguyên vẹn niềm hi vọng. Một hôm trời trong xanh ngăn ngắt, chiếu xuống mặt đất những tia nắng vàng rộm. Đang chơi ở đầu ngõ, thằng bé chạy về khoe với mẹ:
- Mẹ ơi! Con thấy có chú bộ đội đang đi về phía nhà mình.
Linh tính mách bảo, Xuân đinh ninh nghĩ, vậy là anh đã trở về với mẹ con cô. Và Lai về thật, về vẫn vẹn nguyên không một vết thương. Hàn huyên rồi, Lai mới giải thích với vợ, thì ra đơn vị anh được trên điều làm nhiệm vụ nằm vùng tận Tây Ninh, nên phải tuyệt mật, không ai được biên thư về gia đình. Miền Nam giải phóng rồi, nhưng Lai lại được điều đi nhận nhiệm vụ mới, lu bu mất hơn năm trời mới được ra quân về địa phương.
Bà Xuân không hiểu vì sao những kí ức mấy chục năm qua hôm nay lại ùa về. Một thời chiến tranh, một thời gian khó vẫn cất giấu đâu đó trong lòng bà. Bà Xuân ngồi trên bậu cửa ngóng ra đầu ngõ. Mùa Thu trời xanh lồng lộng không một gợn mây. Ông Lai đi họp tổ dân phố đã về, ông đến bên bà Xuân dắt tay bà ra sân ngắm những bông hoa cúc vàng rực trong nắng...