Bí ẩn đôi rồng đá mất đầu ở Thành nhà Hồ
Du lịch 30/08/2024 07:43
Thành nhà Hồ nằm trên địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397. Trải qua hơn 600 năm, hầu hết công trình kiến trúc bên trong hoàng thành đã bị phá hủy, nhưng hệ thống thành quách vẫn gần như còn khá nguyên vẹn. Ngày 27/6/2011, thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Đôi rồng đá mất đầu trong nội thành di sản Thành nhà Hồ |
Ở Di sản Thành nhà Hồ hiện lưu giữ cặp rồng đá mất đầu, nằm song song trên cung đường chính đi xuyên nội thành từ cổng Nam lên cổng Bắc. Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, tượng rồng đá được người dân phát hiện khi cày ruộng trong nội thành vào năm 1938.
Đôi rồng đá có chiều dài khoảng 3,4 m, được chạm khắc tinh xảo bằng đá xanh nguyên khối. Theo các nhà nghiên cứu, đôi rồng đá mang đặc trưng của rồng thời Trần - Hồ, thân khỏe khoắn thon dần về phía đuôi, uốn bảy khúc và có vảy phủ kín thân. Tượng rồng có bốn chân, mỗi chân có ba móng. Khoảng trống dưới bụng và ô tam giác ghép thành bậc đều được chạm hoa cúc, móc hoa lượn mềm. Tuy nhiên, cả hai tượng rồng đều bị mất đầu và cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn.
Có nhiều truyền thuyết được lưu truyền liên quan đến việc đôi rồng đá bị mất đầu. Theo một số vị cao niên làng Xuân Giai (nằm ở cổng Nam, xã Vĩnh Tiến), có thời kỳ ngôi làng thường xuyên bị cháy nhà, cho rằng rồng quay đầu về làng phun lửa gây cháy nên người dân đã chặt đầu rồng.
Lý do đôi rồng đá bị mất đầu đến nay vẫn còn là bí ẩn. |
Lại có một truyền thuyết khác cho rằng, trong đầu tượng rồng đá được yểm nhiều vàng ngọc, châu báu. Vì vậy, lợi dụng lúc trời mưa lớn, kẻ gian bí mật chặt đầu đôi rồng mang đi xa đập nát để tìm ngọc. Còn có một giả thuyết khác lại cho rằng, đôi rồng đá bị chặt đầu sau khi triều đại nhà Hồ bị sụp đổ. Có thể một số người bất đồng chính kiến với triều Hồ đã thẳng tay chặt đầu linh vật - biểu tượng của một vương triều.
Ngoài ra, người dân quanh Thành nhà Hồ còn truyền tai câu chuyện cặp rồng đá mất đầu là do quân Minh trong lúc bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây trong thành đã tức giận đập phá đồ đạc, chặt đứt đầu rồng. Đây là giả thuyết được xem là có phần thuyết phục hơn. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu hay sử liệu nào khẳng định chính xác lập luận này.
Giáo viên và học sinh nghe hướng dẫn viên giới thiệu về tượng rồng đá ở Thành nhà Hồ. |
Ngoài đôi rồng đá bị mất đầu, trong quá trình khai quật cũng như sưu tầm, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cũng phát hiện một số cổ vật khác bị mất đầu như nghê đá, sấu đá... Hiện Trung tâm đang bảo quản, hệ thống lại các cổ vật được tìm thấy qua các đợt khai quật, trong đó có pho tượng linh vật đá bị mất đầu để trưng bày, phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử.