Mùa Xuân hành trình về Việt Bắc
Nhịp sống văn hóa 27/03/2024 10:45
Hòa vào tiết trời ấm áp của mùa Xuân ở Việt Bắc, chúng tôi tìm về những chiến khu AKT và các tỉnh trong lòng Việt Bắc. Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến, thủ đô gió ngàn, là cội nguồn cách mạng, “địa chỉ đỏ” để mỗi người dân Việt Nam hướng về trong niềm tự hào dân tộc.
Trong không khí rộn ràng của mùa Xuân, sắc Xuân đang vẫy gọi, giữa bốn bề rừng núi làng bản, ruộng đồng, chúng tôi tìm về những bảo tàng, những nhà bia, những hiện vật, những minh chứng sống về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và hình ảnh Bác Hồ những ngày tháng ở chiến khu. Những tên gọi địa danh nơi chiến khu Việt Bắc đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc như Pác Bó, Tân Trào, ATK Định Hóa, suối Lê Nin, núi Các Mác, cây đa Tân Trào, sông Lô, đèo De, núi Hồng, Điện Biên…Ở những địa danh này, trở về Tổ quốc sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, từ nơi suối nguồn Pác Bó, Bác Hồ đã trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cùng với Trung ương Đảng chuẩn bị những điều kiện quan trọng cho cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám và tiến hành lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kì.
Nhà trưng bày tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. |
Bên suối Lê Nin, núi Các Mác và trước hang Pác Bó (Cao Bằng), chúng tôi xúc động và cảm phục trước sự giản dị mà vĩ đại của Bác Hồ trong những tháng ngày Người lãnh đạo cách mạng ở nơi núi rừng Pác Bó. Hang đá sâu thẳm, cây lá um tùm đã che chở, bao bọc Người trong những ngày kháng chiến đầy cam go, gian khổ. Tuy thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng tinh thần của Bác luôn lạc quan, luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cách mạng. Trong bài thơ Pác Bó hùng vĩ, Người đã ghi lại khung cảnh nơi đây: “Non xa xa, nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lênin, kia núi Mác/Hai tay gây dựng một sơn hà”.
Tân Trào (Tuyên Quang) là nơi Bác Hồ dừng chân, chọn làm địa điểm để lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kì của dân tộc sau địa điểm Pác Bó mà Người từng ở sau khi trở về Tổ quốc. Tại đình Tân Trào, vào sáng 17/8/1945, thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ trong lễ ra mắt Quốc dân. Những địa danh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào đã trở thành những địa danh lịch sử cách mạng, nơi khắc ghi đậm nét hình ảnh Bác Hồ trong những năm tháng lãnh đạo cách mạng Việt Nam như cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái, lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cụm di tích trụ sở phân khu Nguyễn Huệ...
Suối Lê Nin, núi Các Mác. |
Trên đỉnh đồi Khau Tý thuộc ATK Định Hóa, trong những ngày tháng kháng chiến, Bác Hồ đã sáng tác bài thơ Cảnh khuya: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ/Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Lắng nghe bài thơ và những câu chuyện kể về Bác Hồ, chúng tôi cảm nhận được đâu đây tiếng nói ấm áp của Người và hình ảnh Bác in đậm trong trái tim mỗi người. Di tích lịch sử lán Tỉn Keo nằm trên đồi Tỉn Keo thuộc thôn Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa cũng gắn với hình ảnh Bác Hồ. Căn lán đơn sơ, mộc mạc được đồng bào nơi đây coi là “Phủ Chủ tịch của lòng dân”.
Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ và đầy cam go, Bác Hồ có nhiều lần đến thăm và làm việc tại vùng đất Tổ Phú Thọ. Những địa danh như Chiến khu X Đại Phạm, Chu Hoá, Yên Kiện, Cổ Tiết, đền Hùng… còn lưu dấu chân Bác và vang vọng lời dạy của Người với Nhân dân, chiến sĩ Phú Thọ. Theo tư liệu lịch sử ghi trong sách “Bác Hồ với Phú Thọ, Phú Thọ làm theo lời Bác”, đầu năm 1951, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch ở hướng Đông Bắc (đường số 18), lấy tên là chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Đại đoàn 312 được Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cùng Đại đoàn 308 tham gia chiến đấu ở chiến trường chính, làm nhiệm vụ đánh viện binh địch. Tháng 3/1951, Đại đoàn 312 mở hội nghị ở xóm Cúng, xã Đại Phạm, huyện Hạ Hoà (thuộc Chiến khu X) quán triệt nhiệm vụ trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Một vinh dự đã đến với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm đơn vị. Nói chuyện thân mật với cán bộ Đại đoàn 312, Người căn dặn: “Muốn đánh thắng, trước hết phải đoàn kết chặt chẽ và có quyết tâm cao”.
Mỗi khi đến thăm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, mỗi người dân Việt Nam không khỏi bồi hồi với Bác và lời dạy vang vọng, ấm áp của Người còn khắc ghi trong tâm trí. Ngày 19/9/1954, Bác đã gặp các cán bộ, chiến sĩ Đại Đoàn quân tiên phong tại đền Giếng. Trong khi nói chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong khi vào thành phố, phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỉ luật, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân. Người đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Trong những ngày mùa Xuân trở về những “địa chỉ đỏ” tại Thủ đô kháng chiến và các chiến khu cách mạng tại nhiều vùng đất khác nhau. Đồng thời, rộng hơn là thăm những địa danh gắn với hình ảnh Bác Hồ trong quá trình Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ở mỗi địa danh, thế hệ hôm nay như cảm nhận hình ảnh Bác Hồ cùng những lời dạy ấm áp của Người. Những câu chuyện kể về Bác ở các chiến khu đã thấm sâu vào tâm hồn mỗi người dân Việt Nam những bài học vô cùng ý nghĩa và giá trị trong cuộc sống hôm nay và mai sau.