Mang hồn dân tộc vào tranh
Nhịp sống văn hóa 12/11/2019 10:46
Năm 1987 bà được nhà nước cử đi nghiên cứu tại Pari (Pháp). Tháng 6/1988 bà mở triển lãm cá nhân tại Chatelat Paris I và tháng 8/1988 lại có phòng trưng bày tại Paris V, từ đó, tiếng tăm của họa sĩ Sơn Trúc nổi lên trong ngành hội họa thế giới.
Trở về nước sau 2 cuộc triển lãm tại Pháp, tháng 11/1991 bà mở triển lãm cá nhân tại Hà Nội. Tranh của bà hiện đại, pha lẫn tính dân tộc, luôn có sự phát hiện tươi sáng và bất ngờ, mở ra những sáng tạo mạnh mẽ, giàu về màu sắc, phong phú về hình thể.
Tháng 9/1993, họa sĩ Sơn Trúc lại sang Pháp mở triển lãm tranh tại Paris V. Báo Bông Sen Paris 1993 khẳng định, tranh sơn mài của bà đã và đang tiếp nối tinh hoa di sản của lớp người đi trước, như Nguyễn Gia Trí nhưng còn kiếm tìm thể hiện màu sắc mới, những hình thể trừu tượng bằng nghệ thuật sơn ta (Việt Nam) cổ truyền. Còn Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Paris Henri - Thommen thì ca ngợi: “Thật hiếm khi được xem họa sĩ Sơn Trúc vẽ tranh sơn mài dưới những hình thức và chất liệu như thế. Tranh “Đầu sư tử”, “Tết Trung thu” thật tuyệt vời”.
Giáo sư Trường Đại học Sorbonne Nguyễn Thanh Nhã nhận xét: “Họa sĩ Sơn Trúc là một bậc thầy”. Jean Vincent - Họa sĩ - Huân chương kị sĩ nghệ thuật và văn chương Paris sau khi xem triển lãm thốt lên: “Rất thích, cảm ơn, tranh của em đẹp quá”.
Từ năm 1988, họa sĩ Sơn Trúc đã rút ra từ những nguyên tố phương Tây, sự khuyến khích cho những biểu hiện Á Đông của mình, tranh sơn mài của bà mang nét kĩ thuật quý phái của Việt Nam.
Khoảng 10 năm trở lại đây họa sĩ Sơn Trúc về Hải Phòng, ở tại số 49 phố Lạch Tray (nơi ở trước của gia đình), tham gia Hội Mỹ thuật thuộc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố. Tôi và nhà thư pháp Lê Đức Đôn đến thăm bà vào một sáng cuối Thu. Bước vào cửa chính thấy ngay ban thờ cụ Nguyễn Sơn Hà, tôi và ông Đôn kính cẩn thắp nén nhang. Dưới chân dung cụ đặt ngay ngắn tấm bằng chứng nhận Di tích lịch sử cấp thành phố. Bà Sơn Trúc xúc động nói: “Cha tôi đã cống hiến đất đai, tiền của cho cách mạng và được nhà nước ghi nhận. Đó là vinh dự của gia đình chúng tôi”.
Phía tay phải là ban thờ liệt sĩ Nguyễn Sơn Lâm con trai trưởng của cụ Nguyễn Sơn Hà, hi sinh năm 1946 tại Hải Phòng. Gian trong là phòng tiếp khách. Tranh của họa sĩ Sơn Trúc xuất hiện từ cầu thang lên đến tầng lầu, cả tường nhà cũng phủ kín tranh. Tôi phải 3 lần dừng chân để xem ngỡ như được thưởng thức 3 phòng triển lãm. Một khối lượng tranh khổng lồ, bức nào cũng lộng lẫy và hấp dẫn bởi sự phong phú về đường nét, màu sắc, bố cục. Sự đối lập của những mảng màu, ánh sáng, bóng tối, hình ảnh bên ngoài, cảm xúc tinh thần bên trong, kể cả sự khác biệt cao độ của các phong cách khác nhau, nhưng cùng tồn tại trong sự thống nhất lớn của nhịp điệu cuộc sống.
Bà Sơn Trúc thấy tôi chăm chú vào bức tranh sơn dầu có 4 câu thơ của nhà thơ Huy Cận, bèn giải thích: Thiếu nữ trong tranh tượng trưng cho người vợ chờ chồng (Huy Cận viết tặng vợ khi đang đi kháng chiến). Cái lạ với tôi là tranh phổ thơ, đây cũng là sự đặc biệt.
Gần 2 giờ đồng hồ ngắm tranh, tôi thấy thiếu tranh kí họa, hỏi bà. Họa sĩ lặng lẽ mở tủ kính lấy ra một bức họa bà vẽ bằng bút chì đen đưa cho tôi xem và hỏi: Ông có nhận ra chân dung ai đây không? Tôi trả lời ngay là họa sĩ Văn Cao. Bà như biết trước câu trả lời của tôi. Tôi thú nhận: “Trong kháng chiến chống Pháp, Văn Cao từng ở nhà bố mẹ tôi”.
Trước khi ra về bà tặng tôi và ông Đôn mỗi người một quyển sách in một số tranh được giải thưởng và đang được trưng bày ở bảo tàng trong và ngoài nước. Tôi thực sự khâm phục những bức tranh của bà luôn có hồn dân tộc trong đón