Thi sĩ - chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ
Nhịp sống văn hóa 15/08/2024 15:24
Giai đoạn 1936 - 1939, ông tham gia phong trào Đông Dương Đại hội ở Sở Hỏa xa Sài Gòn; năm 1940 tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ. Cuộc khởi nghĩa thất bại, quân Pháp điên cuồng đàn áp, một số đồng chí rút về rừng Tân Uyên hoạt động, ông được giao nhiệm vụ tiếp tế đạn dược, thuốc men. Năm 1942, bị giặc phát hiện, ông trốn sang Thái Lan và hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước. Tại đây, ông tổ chức xuất bản tờ báo “Hồn cố hương”, kêu gọi kiều bào hướng về Tổ quốc, ủng hộ cách mạng. Về nước năm 1944, ông liên lạc với cách mạng và được Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu phân công lập căn cứ Đất Cuốc tại Tân Uyên. Ông được kết nạp Đảng, lập Đoàn Cựu binh sĩ và tham gia tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, chỉ huy giành chính quyền ở Biên Hòa.
Thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ |
Tại đây, Huỳnh Văn Nghệ làm Chỉ huy trưởng Căn cứ Tân Uyên, phòng ngự vững chắc, bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang theo lệnh của Khu trưởng Nguyễn Bình. Đồng thời, ông còn làm nhiệm vụ bảo vệ Khu bộ, tích cực tham gia xây dựng cơ quan quân, dân, chính Đảng của tỉnh - một trong những căn cứ kháng chiến vững mạnh nhất ở Nam Bộ.
Ngày 1/3/1948, ông tham gia trận La Ngà - trận giao thông chiến lớn nhất ở Nam Bộ, kể từ ngày Pháp tái chiếm nước ta. Sau trận này, Trung đoàn 310 được Bác Hồ khen thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai, Trung đoàn trưởng Huỳnh Văn Nghệ được Bác Hồ tặng thưởng chiếc áo trấn thủ. Năm 1948, ông làm Khu bộ phó Khu 7, kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 310.
Thi hành lệnh của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, Huỳnh Văn Nghệ một mình đến căn cứ Bình Xuyên, dùng lí lẽ và tình cảm thuyết phục được thủ lĩnh Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) về dự hội nghị, giúp tổ chức giải quyết được “vấn đề Bình Xuyên” gay go của hiện tại. Sau đó, ông xây dựng căn cứ mới, thành lập Bộ đội chủ lực 303, tìm ra cách đánh tháp canh.
Năm 1950, Huỳnh Văn Nghệ giữ chức Phó Tư lệnh Khu 7. Năm 1951, khi 2 tỉnh Thủ Dầu Một - Biên Hòa sáp nhập, ông là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, kiêm Tỉnh đội trưởng Thủ Biên, chỉ huy đánh lớn nhiều trận bảo vệ Bộ Tư lệnh Nam Bộ đóng ở Chiến khu Đ. Năm 1952, trong trận lũ lụt “thế kỉ”, ông xông pha chỉ huy chống lụt ở Thủ Biên, bảo vệ bộ đội và Nhân dân. Lợi dụng tình thế, địch huy động 11 tiểu đoàn tiến công Chiến khu Đ. Qua công kích nhu - cương, tiểu đoàn của Huỳnh Văn Nghệ anh dũng chiến đấu 52 ngày đêm, tiêu diệt gần 1 tiểu đoàn của địch.
Viếng khu tưởng niệm thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ. |
Sau đó, ông làm Cục phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu; rồi Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp; Trưởng ban, Phó Bí thư Đảng ủy căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Phó ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam. Sau năm 1975, ông làm Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp.
Nói đến Chiến khu Đ, khó ai quên cái tên Huỳnh Văn Nghệ - người gắn bó thời gây dựng và phát triển ở đây, cũng là một chiến sĩ, một nhà thơ đầy nhiệt huyết. Ông đánh giặc bằng cả gươm và bút, được đồng đội và Nhân dân gọi là “Thi tướng rừng xanh”. Một buổi chiều tiêu thổ, một trận công đồn, một chiến sĩ hi sinh hay một trận bão lụt... tất cả ùa vào thơ ông. Ở Huỳnh Văn Nghệ, nhiệm vụ của chiến sĩ và sứ mệnh thi sĩ đã hòa quyện, như chính thơ ông đã viết: Không phân biệt lúc mài gươm múa bút/ Đời chiến sĩ máu hòa lệ, mực/ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi/ Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi/ Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác.
Thơ Huỳnh Văn Nghệ dường như chỉ nói về Chiến khu Đ. Để giải đáp Chiến khu Đ có trước hay sau ngày Nam Bộ kháng chiến, thơ trả lời cho người đọc: Chiến khu Đ có từ thuở ấy/ Có một anh đồng chí/ Sau Nam Kỳ khởi nghĩa năm bốn mươi/ Đưa chi bộ về rừng Đồng Nai/ Lập chiến khu nuôi chí lớn (Du kích Đồng Nai).
Với ông, Chiến khu Đ là những vần thơ da diết, nhớ một thời kháng chiến bất khuất, oai hùng, hoặc xót xa với cảnh rừng bị địch tàn phá đến hoang trụi: Đất rừng còn nhức nhối/ Hố bom khoét thân mình/ Cây dầu còn rỉ máu/ Vết đạn vẫn chưa lành (Cây thông già và anh thợ rừng).
Nếu nói đến một dòng thơ kháng chiến Nam Bộ thì chắc chắn có đóng góp không nhỏ của Huỳnh Văn Nghệ. Thơ của ông giản dị mà gần gũi, đầy cảm hứng mà sâu sắc, hồn nhiên mà xúc động. Bài thơ “Nhớ Bắc” của ông là một ví dụ: Ai về Bắc, ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…?. Thơ thể hiện hào khí thiêng liêng của dân tộc; hào khí Nam Bộ xuất phát từ hào khí Thăng Long nghìn năm văn hiến. Trong khi, Huỳnh Văn Nghệ chưa một lần đặt chân đến đất Thăng Long!
Gia đình ông kể, nhân sự kiện thông tuyến đường sắt Bắc - Nam, Sở Hỏa xa Sài Gòn được Nhà nước bảo hộ ưu tiên một số vé cho nhân viên đi tham quan Hà Nội. Số lượng ghế ngồi hạn chế, phải bốc thăm. Huỳnh Văn Nghệ là người duy nhất của Văn phòng Sở Hỏa xa may mắn bốc trúng vé. Nhưng khi ông hăm hở chuẩn bị cho chuyến đi bao nhiêu, thì người bạn tâm giao miền Bắc cùng phòng càng buồn nhớ quê hương bấy nhiêu. Hiểu được tâm trạng này, 2 ngày trước khi lên đường, ông quyết định nhường vé cho bạn.
Buổi chiều tà luyến lưu tiễn bạn, khi đoàn tàu dần khuất bóng cuối sân ga, một cảm xúc man mác buồn tràn ngập tâm trí người ở lại. Hình ảnh về một chốn kinh kì đô hội, hình ảnh Tháp Rùa nghiêng bóng nước hồ Gươm... và nhiều câu chuyện của người bạn kể lại ùa về. Và rồi, Huỳnh Văn Nghệ phóng bút viết nên những “thần thi”: Ai đi về Bắc xin thăm hỏi/ Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa/ Hoàn Kiếm hồn xưa Linh Quy hỡi/ Bao giờ mang kiếm trả dân ta?