Níu giữ hồn quê
Truyện ngắn 23/09/2024 09:45
Người tiếp tôi là một thiếu phụ khoảng 60 tuổi, nhưng trông bà trẻ trung, nhanh nhẹn, giọng nói dịu dàng, êm ái, dễ nghe, dễ hiểu. Ngay mới tiếp xúc đã khiến tôi có ấn tượng đẹp về bà. Mời tôi vào phòng khách, rót nước mời, bà tươi cười nói:
- Mời ông xơi nước đi, tôi có thể giúp gì được cho ông, hay ông muốn mua một vài phong bỏng chủ về làm quà kỉ niệm, còn nếu muốn dùng nhiều thì phải đặt hàng hẹn ngày về nhận.
Sau khi nghe ý định về gặp bà hôm nay, bà nhìn tôi với giọng xởi lởi:
- Vậy là ông đã gặp đúng người rồi, bà Nhiên làm bỏng chủ là tôi đây. Nói đoạn, bà chỉ vào cái biển treo khiêm tốn bên cổng: “Bà Nhiên chuyên làm bỏng chủ, oản đường”, thôn Dõng Hạ.
*
* *
Sinh ra và lớn lên trong những tiếng nổ lép bép của thóc nếp hoa vàng mà bà mẹ cần cù đang luôn tay đảo thóc trên bếp củi, cùng hương thơm mùi bỏng nếp toả ra khắp căn nhà. Là con gái, trong một gia đình thuần nông, trừ những ngày nông nhàn, ngày 3, tháng 8 hoặc có khách đặt hàng mới tập trung làm bỏng. Ngay khi 10 tuổi, cô bé Nhiên đã được mẹ truyền dạy cho nghề này, tính đến nay, tôi nhẩm: Thì ra bà đã có 50 năm trong nghề rồi. Với nơi đây người có tay nghề như bà quả là hiếm. Qua trò chuyện, tôi được biết, bà quê gốc ở thôn Chùa (cùng xã), mẹ bà, cụ Nguyễn Thị Học, người lưu giữ nhiều kinh nghiệm về nghề, năm nay đã 82 tuổi, cụ đã truyền toàn bộ kinh nghiệm, kĩ thuật, cách chọn thóc, cách rang, cách trộn bỏng… cho con gái nên bà Nhiên đã kế thừa mọi kĩ thuật của mẹ để đưa vào phong bỏng mang nặng, thấm đẫm món quà quê giản dị mộc mạc “bỏng chủ”. Năm 1983, bà xây dựng gia đình với ông Thắng ở Dõng Hạ, cũng từ đó bà đã mang nghề về đây để sản xuất trong những ngày nông nhàn hoặc có người tìm đến đặt hàng. Chồng bà, ông Thắng có nghề thợ mộc, song thấy vợ yêu nghề bỏng nên rất đồng tình và ủng hộ, lúc ít việc đều sắn tay vào giúp vợ. Ông bà có 2 con gái, đều đã trưởng thành có việc làm và thu nhập chính đáng song cũng như mẹ, đều chịu khó học và làm nghề được mẹ truyền dạy nhằm giữ nghề mai sau.
Minh họa Lão Trần |
- Để lưu giữ nghề làm bỏng chủ, như bà, ở quê nhà có nhiều không? Tôi lựa lời hỏi.
Không trả lời vào câu hỏi của tôi, bà nói:
- Sản phẩm làm ra, không tiêu thụ được nhanh, mùa Hè để bỏng lâu sẽ bị chua, mùa đông khô cứng, nói chung không ngon, không thơm, cùng lúc đó do không hoặc ít khi quảng cáo sản phẩm nên nhiều người, nhiều địa phương không biết sản phẩm này. Do đó ít người làm, ít người giữ nghề như gia đình tôi. Cả xã Cổ Loa - bà Nhiên nói với giọng buồn và như nuối tiếc điều gì đó day dứt trong lòng - hiện chỉ có 2 người đó là: Cô Lan ở thôn Vang; ông Được ở Dõng Thượng. Cả 2 gia đình đều làm hàng chợ để bán lẻ ở thôn xóm, cho nên ít khách tìm đến. Lo nghề mai một nên tôi bằng mọi giá phải giữ và truyền nghề cho con cháu mai sau…
- Sản phẩm tiêu thụ chậm, vậy sao bà vẫn giữ nghề, lấy gì để nuôi mình, nuôi nghề?
- Chính điều đó đã khiến tôi trăn trở ngày đêm, tìm cách tháo gỡ, dù đói, túng cũng không chịu bỏ nghề truyền thống này, còn một lí do quan trọng hơn cả là hồn cốt của quê hương mặc dù trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn không bị mai một. Để lưu giữ, duy trì, tôi làm thêm nghề oản đường để cúng ngày Rằm, mùng Một hằng tháng, oản có nhiều nơi trong huyện đặt hàng nhất là các hàng mã, kể trên kể cả các lễ hội cũng về hợp đồng lấy hàng. Riêng bỏng gia đình tôi tập trung vào 3 tháng Xuân hằng năm nhộn nhịp tấp nập.
Rồi đột nhiên như nhớ ra điều gì đó bà nói tiếp:
- Sản phẩm của tôi đã có mặt tại Hàn Quốc, Nhật Bản do khách về đặt hàng, ngoài ra còn đến tận Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Xuân Hoà và Hà Giang, bình thường họ đặt tới 20 khuôn và ít cũng khoảng 10 khuôn. Sau lễ hội, ba tháng Xuân thì hàng bán chậm, đôi khi khách về tham quan, trước khi ra về họ tìm đến mua vài ba phong làm quà… Nhờ năng nổ, linh hoạt, nhanh nhạy nên dù tiêu thụ chậm cũng không ảnh hưởng nhiều. Vì lẽ bỏng chủ của mình làm ra là bằng cái tâm, giữ uy tín và chất lượng sản phẩm. Bà nghĩ vậy nên năm 2007 bà đã đầu tư 15 triệu đồng mua máy nén bỏng thay cho khuôn nén thủ công bằng gỗ vừa mất thời gian, sức lao động và khâu vệ sinh cho sản phẩm. Làm máy nén nhanh hơn gấp đôi, ba lần làm khuôn gỗ. Bảo đảm có sản phẩm kịp cho khách, chỉ 15 phút đã có 1 phong; 1 giờ làm được 4 phong. Bỏng chủ nhà bà Nhiên chủ yếu là phục vụ cho 3 tháng Xuân, trong đó ngày 6 tháng Giêng là ngày lễ hội, mặc dù chưa có giấy chứng nhận là nghệ nhân, song mẹ con cụ Học đều tận tâm lưu giữ nghề và làm nghề với cái tâm và giữ chữ tín.
- Vậy nghề làm bỏng chủ có khó không mà ít người làm vậy thưa bà?
- Chủ yếu là nếp hoa vàng, rang đúng thời gian bằng kinh nghiệm nghề nghiệp kể cả khâu pha trộn đường, vừng, lạc… nén kĩ chặt chẽ, khi thưởng thức bỏng thơm, hương vị đặc trưng của bỏng, sản phẩm không có trấu, ngọt thơm xốp, muốn vậy khi rang thóc chú ý phải nở ra nụ trắng bong và không còn sót thóc chưa nổ. Đường cũng phải chọn, trước kia dùng đường cát xanh (Thái Nguyên) bây giờ tôi dùng đường Sơn La, đặt hàng người ta chuyển về. Chính vì lí do đó nên sản phẩm của tôi về mùa Hè có thể để được 7 ngày, mùa Đông được 15 ngày, chất lượng vẫn bảo đảm, không thay đổi.
Nói chung để hành nghề, vốn đầu tư không nhỏ, trong nhà lúc nào cũng phải sẵn có dăm tạ thóc nếp hoa vàng, vài chục cân bỏng đã rang đóng gói, đường cũng phải tạ hơn tạ ngót để khỏi lo khi có khách đặt nhiều, vừng lạc, thảo quả… thường trực hàng yến, mua sắm nong, chậu… để thuận tiện khi thao tác… Thực lòng mà nói chấp nhận khó khăn, song cái được lớn nhất đó là giữ được nghề của gia đình lấy công làm lãi thôi, có nhiều tháng không có khách, nhưng trong nhà vẫn phải thường trực ít nhất 5 phong sẵn ở khay, khi có khách chỉ việc bao gói. Lời lãi chẳng được là bao vì giá cả thị trường cứ lên vùn vụt, chẳng hạn thóc nếp hoa vàng giá 2 triệu/tạ.
Với bà Nhiên cùng với việc lo lưu giữ và truyền nghề cho 2 con gái, bà luôn chăm lo cho gia đình vì ông Thắng chồng bà đã tạ thế hơn chục năm nay, mẹ con bà luôn luôn chăm sóc các con, cháu để chúng an tâm công tác và học tập. Tuy là hội viên NCT của chi hội, song do hoàn cảnh gia đình neo nên bà chưa có ý định tham gia tập luyện dưỡng sinh hoặc văn nghệ vì ngại làm phiền cho tập thể. Tuy vậy, gia đình bà hằng năm đều được bình xét là “Gia đình văn hoá”, tuy làm hàng nhưng nhà cửa sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng, dễ tìm, dễ thấy.
Với bà cái được lớn nhất là làm theo lời truyền dạy của mẹ, lưu giữ nghề truyền thống, dù khó khăn mấy cũng phải giữ không để thất truyền, mai một. Tính đến nay, bà Nhiên đã có 50 năm theo nghề. Trò truyện với bà còn được biết, bà chưa học xong lớp 10, phải nghỉ học vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ở nhà phụ giúp gia đình làm ruộng và làm nghề để thêm thu nhập.
Nắng đã sang chiều, giờ phút chia tay với bà chủ làm bỏng đã đến, bà Nhiên liền kéo tôi ra cổng chỉ lên tường tấm biển đề: “Bà Nhiên chuyên bỏng chủ, oản đường” đoạn bà nói: “Để thực hiện lòng yêu quê hương có khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, tôi nguyện một lòng một dạ, gìn giữ nghề, làm nghề, mong sao có nhiều du khách tới tham quan di tích lịch sử, khi ra về mua theo phong bỏng chủ làm quà cho người thân”.