Người cao tuổi kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 25/09/2024 11:27
Bà Phạm Thị Nhu trình bày sự việc với phóng viên. |
Theo bà Nhu: Năm 1983, Nhà nước giao cho ông Trần Thế Chương, là chồng bà Phạm Thị Nhu diện tích đất. Gia đình đã thực hiện nộp tiền hoa lợi, lí do thu lệ phí đất bằng các chứng từ: Phiếu thu số 10 ngày 15/5/1983 số tiền 1.000 đồng lệ phí đất; ngày 12/9/1987 gia đình nộp 6.500 đồng vào ngân sách xã Ninh Phong (cũ), nội dung ghi: “Nhận tiền lệ phí đất của gia đình chị Phạm Thị Nhu trong 4 năm, nộp đợt 2, diện tích đất ở 102m2, diện tích đất lưu không 120m2; ngày 25/1/1992, ông Trần Thế Chương nộp tiền thuê đất lưu không mở dịch vụ (5 năm), với số tiền 170.000 đồng”.
Ngày 26/8/1992, UBND xã Ninh Phong tiến hành lập Biên bản về việc “giao đất xây dựng nhà ở” cho gia đình ông Chương, bà Nhu trong đó có nội dung: “Phần diện tích thừa như đã nêu trong biên bản… đoàn đã nhất trí thu gia đình anh Chương 1,5 triệu đồng tiền hoa lợi và lập hợp đồng cho phép gia đình anh Chương được sử dụng phần đất trên lâu dài để sản xuất, kinh doanh…”. Biên bản này ghi nhận phần đất tăng thêm so với quyết định cũ 2,1m kéo dài theo thửa đất gia đình đang sử dụng 37m, tổng diện tích tăng thêm 77m2, gia đình đã nộp tiền hoa lợi cho UBND xã tổng cộng 3 triệu đồng, thể hiện ở các chứng từ số 113, 117, 346.
Khu đất gia đình bà Nhu sử dụng hợp pháp bị thu hồi, đang thi công cầu vượt sông Vân |
Để được sử dụng 77m2 này, gia đình bà Nhu đã trải qua quá trình thủ tục đầy đủ với UBND xã Ninh Phong. Biên bản làm việc ngày 18/1/1992 thể hiện nội dung: “Trường hợp gia đình có nhu cầu sử dụng tạm thời diện tích đất lưu không của xã quản lí, gia đình phải lập đơn xin phép, đồng thời phải nộp đền bù hoa lợi đất và phúc lợi địa phương theo quy định…”. Và thực tế gia đình đã thực hiện đúng như yêu cầu của chính quyền xã, nên ngày 26/8/1992 mới được chính quyền xã giao 77m2 đất sử dụng lâu dài.
Điểm g, Khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 quy định về một trong các loại giấy tờ để được công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, được cấp Giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất có ghi: “Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ”. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể về các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ, được hướng dẫn tại Khoản 16, Điều 2 như sau: “d-Giấy tờ về việc chứng nhận đã đăng kí quyền sử dụng đất của UBND cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh cấp cho người sử dụng đất”.
Có thể thấy, diện tích 77m2 đất của gia đình bà hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ, hoặc được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Trong trường hợp cho rằng, UBND xã Ninh Phong ban hành các biên bản cấp đất cho gia đình bà Nhu là trái thẩm quyền, thì đó là những tài liệu chứng minh nguồn gốc sử dụng đất có mốc thời gian trước ngày 15/10/1993, được pháp luật công nhận tại Khoản 4, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, hoặc Điều 101 Luật Đất đai năm 2013. Ngoài 2 diện tích đất gồm 26,2m2 có sổ đỏ và 77m2 chính quyền xã Ninh Phong giao năm 1992, gia đình bà Nhu còn khai khẩn, bồi trúc thêm một diện tích đất nữa, khiến thửa đất có tổng diện tích 220,9m2.
Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm tại TAND tỉnh Ninh Bình. |
Tuy nhiên, tại Quyết định thu hồi đất số: 4361/QĐ-UBND ngày 19/10/2023 lại thể hiện thu hồi diện tích 156,1m2 đất của hộ gia đình bà Nhu, trong đó diện tích sử dụng hợp pháp 26,2m2, diện tích sử dụng không hợp pháp 129,9m2. Do đó, Quyết định thu hồi đất này không chỉ xác định “nhầm” tính pháp lí của thửa đất, mà còn thiếu của gia đình bà Nhu 64,8m2. Tại phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, diện tích đất ở được bồi thường là 26,2m2. Không chấp nhận quyết định này của UBND TP Ninh Bình, bà Nhu khởi kiện vụ án hành chính ra TAND tỉnh Ninh Bình, yêu cầu Tòa án hủy các quyết định của UBND TP Ninh Bình số: 4361/QĐ-UBND ngày 19/10/2023, về việc thu hồi đất; số 4363/QĐ-UBND ngày 19/10/2023, về việc phê duyệt dự toán, phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; số 7900/QĐ-UBND ngày 11/12/2023, về việc cưỡng chế thu hồi đất. Buộc UBND TP Ninh Bình công nhận toàn bộ diện tích đất thực tế thuộc thửa số 244, tờ bản đồ số 1 là hợp pháp và bồi thường toàn bộ là đất ở theo quy định của pháp luật.
Ngày 17/9/2024, TAND tỉnh Ninh Bình đưa vụ án ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Tham dự phiên tòa này mới thấy có nhiều điều đáng nói. Biểu hiện rõ nét nhất là sự vắng mặt người đại diện theo pháp luật của phía bị kiện, UBND TP Ninh Bình và Chủ tịch UBND TP Ninh Bình. Ngay người đại diện theo pháp luật của bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, là UBND phường Ninh Phong cũng không đến tham gia phiên tòa. Mặc dù Hội đồng xét xử tuyên bố người bị kiện có đơn xin xét xử vắng mặt, nhưng như vậy làm mất đi cơ hội tranh tụng làm rõ đúng - sai. Mặc dù vậy các luật sư Trần Văn Việt và Chu Quỳnh Vương, thuộc Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng đưa ra luận cứ chứng minh, việc sử dụng đất của gia đình bà Nhu là phù hợp với pháp luật, đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ, hoặc được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, chứng minh quyết định thu hồi đất có nội dung không đúng, kéo theo quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và quyết định cưỡng chế thu hồi đất sai theo.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử không xem xét tính pháp lí việc sử dụng đất của gia đình bà Nhu, mà chỉ xem xét việc ban hành các quyết định, từ đó tuyên bác toàn bộ nội dung khởi kiện của bà Nhu. Sau khi kết thúc phiên tòa, bà Phạm Thị Nhu buồn bã cho biết: “Tòa xử như vậy tôi không phục, gián tiếp xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi”. Bà Nhu cho biết, bà sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm lên cấp phúc thẩm. Hi vọng cấp phúc thẩm sẽ xét xử công tâm, ban hành bản án đúng thực tế, đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho công dân là người cao tuổi.