Công ty Ngọc Thảo đề nghị được xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 13/09/2024 09:19
Ai tác động vào công tơ điện?
Ngày 26/7/2023, TAND tỉnh Hòa Bình đã tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án “tranh chấp bồi thường hợp đồng mua bán điện” giữa đại diện nguyên đơn là Công ty Điện lực Hoà Bình và bị đơn là Công ty Ngọc Thảo, có địa chỉ tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. HĐXX đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty Ngọc Thảo phải trả cho Công ty Điện lực Hòa Bình tiền điện theo Biên nhận thanh toán số ID 18477365 ngày 9/6/2015, số tiền là 1,254 tỉ đồng (làm tròn) và biên nhận thanh toán tiền điện số ID 18477365 ngày 9/6/2015 số tiền là 663,8 triệu đồng (làm tròn). Lãi suất chậm trả đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 12/05/2023 ) là 1.135 triệu đồng (làm tròn). Tổng cộng số tiền Công ty Ngọc Thảo phải trả là: 3,054 triệu đồng(làm tròn).
Theo hồ sơ tài liệu có trong vụ án, ngày 24/7/2017, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hòa Bình đã có Văn bản số: 477/CSĐT - PC46 gửi Điện lực Hòa Bình, có nội dung “Việc thất thoát điện năng xảy ra tại 2 trạm biến áp 1000 KVA và 1800 KVA của Công ty TNHH MTV Ngọc Thảo Hòa Bình là có thật. Tuy nhiên đến nay cơ quan điều tra chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm”.
Ông Nguyễn Văn Dương cho biết, chưa có bất kì một văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền, hoặc HĐXX của cả 2 cấp Tòa kết luận, nhận định, việc đặt “sợi dây đồng xuyên qua mạch nhị thứ” là do nhân viên hoặc cán bộ của Công ty Ngọc Thảo thực hiện. |
Còn ngay sau khi phiên tòa xét xử sơ thẩm (ngày 12/5/2023), Viện KSND huyện Lương Sơn đã quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án số: 01/2023 /KDTM ngày 12/5/2023 của TAND huyện Lương Sơn. Quyết định kháng nghị số: 01/QĐ -VKS - DS ngày 26/5/2023 có nội dung “Tòa án căn cứ vào Điều 7 của Hợp đồng mua bán điện số 14/000042 giữa Công ty Ngọc Thảo và Công ty Điện lực Hòa Bình để buộc Công ty Ngọc Thảo bồi thường thiệt hại trong trường hợp trộm cắp điện và phương pháp xác định điện năng bồi thường đối với hành vi gian lận theo điều 32 của Thông tư số: 27/2023/TT - BCT là không có cơ sở”.
Căn cứ để Viện KSND huyện Lương Sơn kháng nghị là nội dung Văn bản số: 477/CSĐT - PC46 và Thông báo số: 333 của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hòa Bình, nêu: “Không đủ căn cứ để xác minh đối tượng thực hiện hành vi vi phạm và không xác định được chính xác giá trị và sản lượng điện năng thực tế để mất” .
Từ các viện dẫn nêu trên, Viện KSND huyện Lương Sơn cho rằng: “Không thể buộc Công ty Ngọc Thảo phải bồi thường trong trường hợp trộm cắp điện…” và “không có cơ sở để buộc Công ty Ngọc Thảo phải bồi thường sản lượng điện năng trong 37 ngày, với số điện năng thất thoát là 260,663kWh”.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm Viện KSND tỉnh Hòa Bình đã rút toàn bộ quyết định kháng nghị của Viện KSND huyện Lương Sơn, nên HĐXX cấp phúc thẩm đã chấp nhận và đình chỉ xét xử phần kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND huyện Lương Sơn.
“Thỏa thuận” đền bù hay “độc quyền”?
Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Điều hành Công ty Ngọc Thảo, người trực tiếp làm việc với Công an tỉnh Hoà Bình và cũng là người có mặt ở hai phiên tòa xét xử (đại diện cho bị đơn) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại chưa có bất kì một văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền, hoặc HĐXX của cả 2 cấp, kết luận, nhận định, việc đặt “sợi dây đồng xuyên qua mạch nhị thứ” là do nhân viên hoặc cán bộ của Công ty Ngọc Thảo thực hiện.
Còn theo hồ sơ vụ án, ngoài việc căn cứ các quy định của pháp luật, Hợp đồng mua bán điện, điện lực Hòa Bình còn căn cứ vào các bản cam kết của Công ty Ngọc Thảo số: 019/2015 ngày 04/06/2015 về việc chấp nhận bồi thường và bản cam kết số: 19/2015 ngày 5/6/2015 về xác nhận thời gian vi phạm để yêu cầu Tòa án buộc Công ty Ngọc Thảo phải đền bù lượng điện năng thất thoát là 260,663kWh và số ngày thất thoát là 37 ngày. Tại các văn bản này, Công ty Ngọc Thảo cũng ghi rõ: “Thực hiện đầy đủ các yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định, phát sinh từ việc gây thất thoát điện năng tại mỏ đá của công ty sau khi có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng về vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hòa Bình kết luận: “Không đủ căn cứ để xác minh đối tượng thực hiện hành vi vi phạm và không xác định được chính xác giá trị và sản lượng điện năng thực tế để mất”.
Điều khiến dư luận đang quan tâm và đặt câu hỏi là tại sao Công ty Ngọc Thảo lại “tự nguyện” kí các bản cam kết ngày 4/5/2015 và ngày 5/6/2015 gây bất lợi cho chính họ?
Trước đó ngày 21/5/2015, tại trụ sở của Công ty Điện lực Hòa Bình, Công ty Ngọc Thảo cũng kí vào 2 biên bản số: 01/ BBTTBT/LgS và số 02/ BBTTBT/LgS thỏa thuận tiền bồi thường do vi phạm trộm cắp điện, biên bản với số tiền bồi thường hơn 13,3 tỉ đồng và thời gian được tính toán đền bù là 1 năm (từ ngày 20/5/2014 đến ngày vi phạm là 20/5/2015).
Liên quan đến vụ việc, luật sư Hoàng Doanh Trung, Công ty Luật PSSLAWYERS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: “Các căn cứ pháp lí được điện lực Hòa Bình viện dẫn để buộc Công ty Ngọc Thảo kí biên bản (01/ BBTTBT/LgS và số 02// BBTTBT/LgS ngày 21/05/2015) là chưa có cơ sở pháp lí, trái với các quy định của pháp luật. Bởi lẽ Hợp đồng mua bán điện giữa hai bên, Luật Điện lực năm 2004 cũng như Thông tư số: 27/2013/TT-BCT mà Điện lực Hòa Bình đã viện dẫn không có bất kì điều, khoản nào quy định khi xảy ra thất thoát điện năng, các cán bộ điện lực có quyền yêu cầu người sử dụng điện thỏa thuận tính toán đền bù thất thoát điện năng trong vòng 1 năm. Tại thời điểm Điện lực Hòa Bình lập biên bản thỏa thuận (số: 01/ BBTTBT/LgS và số 02// BBTTBT/LgS) cũng chưa có bất kì một văn bản nào của điện lực cũng như của cơ quan chức năng có thẩm quyền kết luận về thời gian thất thoát điện năng, lượng điện năng thất thoát cũng như “đối tượng” gây thất thoát. Nội dung của 2 biên bản này không những đã hé lộ “quyền lực độc quyền” mà còn có dấu hiệu vi phạm Khoản 10, Điều 7 Luật Điện lực năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2012”, luật sư Hoàng Danh Trung nhấn mạnh.