Người mẹ già đi “gõ cửa” các cơ quan để tìm “sự thật” có con trai là bị cáo
Pháp luật - Bạn đọc 28/08/2024 17:33
Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Lương Sơn, sáng 8/8/2018, Lê Tiến Hai điều khiển xe mô tô BKS số: 29L2-6782 đi từ nhà đến khu vực đầu đê thuộc huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội mua 1 gói ma túy để dùng. Sau khi mua được ma túy, Hai đã sử dụng một phần, phần còn lại Hai cầm ở tay trái rồi đi về khu vực Chợ Bến, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Khoảng 10 giờ cùng ngày, tại khu vực Chợ Bến, Hai bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an huyện Lương Sơn bắt quả tang khi đang tàng trữ trái phép chất ma túy 0,14gram, loại heroin. Lê Tiến Hai bị khởi tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” quy định tại Khoản 1, Điều 249 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ngườm không tin con bà phạm tội, vì thời điểm đó Hai đang uống thuốc Methanol cai nghiện và không có tiền. Do đó, bà Ngườm đã đến nhà Bùi Tuấn Đạt (anh em họ của Hai) để xác minh. Tại đây, Đạt nói lại toàn bộ quá trình mua bán và sử dụng chất ma tuý với Hai. Bà Ngườm đã giao nộp toàn bộ ghi âm lời của Đạt cho TAND huyện Lương Sơn. Trước chứng cứ trên, Thẩm phán Nguyễn Văn Khiêm đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm ngày 12/8/2024 tại TAND huyện Lương Sơn. |
Ngày 4/3/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn mới có Kết luận số: 22 đề nghị truy tố Bùi Tuấn Đạt về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” quy định tại Khoản 1, Điều 249 BLHS. Tuy nhiên, ngày 20/6/2024, Viện KSND huyện Lương Sơn ban hành Cáo trạng số: 47/CT-VKSLS xác định và truy tố Bùi Tuấn Đạt về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” quy định tại điểm o, Khoản 2, Điều 249 BLHS năm 2015.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 12/8/2024, TAND huyện Lương Sơn tuyên bị cáo Lê Tiến Hai 20 tháng tù và Bùi Tuấn Đạt 5 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Tại phiên tòa, Hai khai nhận: Đạt gọi điện cho Hai khoảng 6 giờ ngày 8/8/2018 để vào nhà Đạt nói “nhờ chút việc”. Đạt và Hai là anh em họ biết nhau từ nhỏ nên Hai đã đến nhà Đạt. Đạt ra ngoài gọi điện cho người nào đó, rồi chở Hai đi đến ngã 3 khu vực Chợ Bến. Đạt dừng xe bảo Hai đợi và phóng xe đi. Một lúc sau, Đạt điều khiển xe đi về phía huyện Ứng Hòa, cùng tuyến đường đi mà Hai đang uống Methanol. Đến khu vực đầu đê, Đạt dừng xe lại một mình đi vào nhà người quen, một lúc sau Đạt đưa Hai vào chỗ vắng bảo Hai: “Có tí hàng, em dùng đi”. Đạt và Hai cùng sử dụng. Sau đó, Đạt nhờ Hai đưa về, đến Chợ Bến thì Đạt đi vào ngõ cụt và dừng lại gọi điện thoại cho ai đó. Đạt để xe máy và Hai ở ngoài, chạy vào hẻm trong nhà dân thì bị Công an huyện đến bắt Hai và lại có gói thuốc nằm dưới đất (Biên bản khám nghiệm hiện trường).
Theo luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Thứ nhất, về quy trình tố tụng, đánh giá chứng cứ khách quan. Trong vụ án, có nhiều vi phạm trong quá trình thu thập tài liệu chứng cứ, lấy lời khai, biên bản hiện trường… Cụ thể:
Biên bản khám nghiệm hiện trường lập ngày 8/8/2018 (BL94) gạch 3 dòng, sơ đồ hiện trường (BL: 96) có gạch 2 chữ, không có chữ kí xác nhận của những người tham gia. Đặc biệt, Biên bản khám nghiệm hiện trường không có sự tham gia của Kiểm sát viên vi phạm quy định Khoản 2, Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cũng bị gạch chữ, chỉnh sửa nội dung không đúng quy định của pháp luật (BL 48,49 Biên bản lấy lời khai bị can Lê Tiến Hai; BL 51, 54, 56, 71; Biên bản hỏi cung bị can Lê Tiến Hai). Toàn bộ các chỗ chỉnh sửa, gạch chữ trên đều không có chữ kí của người khai là vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 184 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “Trường hợp bổ sung, sửa chữa biên bản thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra và bị can cùng kí xác nhận”.
Mặt khác, điều tra viên đến tận ngày 17/8/2018 mới có quyết định phân công, nhưng ngày 8/8/2018 không được phân công nhưng vẫn tiếp tục tiến hành lấy lời khai, chủ trì khám nghiệm hiện trường và nhiều hoạt động khác. Ngoài ra, Quyết định phục hồi điều tra vụ án và Quyết định phục hồi điều tra bị can đều trùng số 03, Quyết định phục hồi điều tra số 05 (BL 380) ngày 7/11/2023, đã phân công lại toàn bộ điều tra viên và Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra. Tuy nhiên, tại thời điểm đó quyết định phân công Phó thủ trưởng và điều tra viên cũ vẫn còn hiệu lực mà chưa bị quyết định nào hủy đi (BL 13,14).
Biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện gói ma túy không nằm trên người bị cáo Lê Tiến Hai. |
Bởi thế có thể xác định rằng, toàn bộ chứng cứ như Biên bản khám nghiệm hiện trường (BL94), các biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung bị can có vi phạm nêu trên đều không thể được coi là chứng cứ để buộc tội bị cáo Lê Tiến Hai.
Thứ hai, trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng bỏ lọt nhiều nội dung khiến nội dung vụ án không thể làm sáng tỏ. Ngay tại thời điểm bị bắt người phạm tội quả tang, bị cáo Lê Tiến Hai đã khai nhận Đạt rủ đi uống nước, rồi cho Hai sử dụng và Đạt cũng sử dụng. Tuy nhiên, ngay tại Biên bản lấy lời khai vào hồi 15 giờ 15 phút ngày 8/8/2018 đối với Đạt không thừa nhận đi cùng Hai, không thừa nhận sử dụng ma túy, nhưng Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn lại không tiến hành test ma túy trong cơ thể Đạt, mặc dù điều này được làm ngay khi bắt giữ Hai. Nếu tại thời điểm đó test ma túy đối với Đạt thì có thể chứng minh ngay lời khai của Đạt là không đúng sự thật. Tiếp đến, cả biên bản bắt người phạm tội quả tang và biên bản khám nghiệm hiện trường đều thể hiện gói ma túy đang nằm ở dưới đất chứ không phải trên tay của bị cáo Hai, không có người làm chứng, chỉ có người chứng kiến thực hiện quy trình tố tụng. Việc gói ma túy trên tay của Hai chỉ có duy nhất lời khai của Hai, mà hiện nay Hai đã thay đổi lời khai. Điều đó có thể nhận định rằng tại hiện trường xảy ra vụ việc không có bất kì tài liệu vững chắc nào để khẳng định Bị cáo Hai đang giữ ma túy trong tay.
Hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy thể hiện ở hai hành vi là cất giữ và cất giấu. Nếu như cất giữ là sử dụng cơ thể để giữ ma túy ở bên mình thì cất giấu chính là để ở một nơi kín đáo khiến người khác không hoặc khó phát hiện ra.
Từ đó nếu cơ quan tố tụng không chứng minh được tại thời điểm bị bắt quả tang, bị cáo Hai không nắm giữ ma túy trên tay thì không thể có đầy đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự bị cáo về tội tàng trữ trái phép chất ma túy được bởi muốn chứng minh một người phạm tội này phải chứng minh người này đang cất, giữ, giấu ma túy. Nếu gói ma túy đó ở ngoài đường công khai thì không thể gọi là cất, giấu, giữ được.
Trong gần 7 năm qua, các cơ quan tố tụng chưa tiến hành làm việc này cho dù đây là một việc tối quan trọng khi hiện nay bị cáo không thừa nhận có nắm giữ gói ma túy trên tay như lời khai ban đầu.
Không những thế, tại lời khai của bị cáo Hai thể hiện rõ trước khi sự việc xảy ra bị cáo Đạt đã dùng điện thoại để liên hệ với bị cáo và còn gọi điện nhiều lần đến cho những người không rõ thông tin. Bị cáo Hai cho rằng Đạt có sử dụng số 0987500813, việc này được bị cáo Đạt thừa nhận tại biên bản hỏi cung bị can ngày 19/05/2024 (BL 487). Trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã xác nhận vợ bị cáo Đạt sử dụng số điện thoại 09872224241, điều này là bình thường khi kiểm tra lịch sử cuộc gọi thì thấy hai số điện thoại này thường xuyên liên hệ với nhau. Bởi vậy lời khai của Hai cho rằng Đạt dùng số 0987500813 là có căn cứ. Ngày 7/8/2018, ông H, cán bộ công an huyện Lương Sơn gọi cho Đạt 5 cuộc, ngày hôm sau trước khi bắt Hai là 5 cuộc, chiều cùng ngày gọi 30 cuộc… Tuy nhiên, cơ quan tố tụng chưa làm rõ Đạt dùng số nào trong hai số trên để gọi cho Hai. Tại bản trích xuất cuộc gọi hai số điện thoại nêu trên lịch sử cuộc gọi nhiều đến những số máy lạ tại thời điểm chuẩn bị Hai bị bắt, tôi cho rằng cần phải làm rõ những người liên hệ với Đạt tại thời điểm này để làm rõ có liên quan đến vụ án hay không? Nếu có liên quan đến vụ án thì phải chăng Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn lại lặp lại những sai sót đã mắc phải tại vụ án này.
Đặc biệt lưu ý, trước khi bị bắt lúc 9 giờ 30 ngày 08/08/2018, có 5 cuộc gọi giữa số điện thoại 0987500813 và số 0982970785 (BL143). Mà bà Ngườm có cung cấp cho Công an huyện Lương Sơn tên Hoàng đã dùng số điện thoại 0982970785 để liên hệ với bà, như vậy câu hỏi là nếu Hoàng liên hệ với Đạt thì tại sao lại liên hệ 5 cuộc gọi trước khi Hai bị bắt? liên hệ làm gì?
Bên cạnh đó, có những người làm chứng từ những phiên tòa trước nhưng đến nay lại không còn là người làm chứng nữa, lí do gì lại có sự thay đổi những nhân chứng này?
Liên quan đến vụ án, luật sư Nguyễn Hồng Tâm đề nghị TAND tỉnh Hòa Bình xem xét: Điều tra, xác minh, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Lê Tiến Hai; Giám định vân tay trên gói ma túy tang vật thu giữ trong vụ án để xác định vân tay của bị cáo Lê Tiến Hai có hay không dùng tay trái giữ gói ma túy; xác minh chủ nhân các số điện thoại liên hệ với bị cáo Đạt tại thời điểm có hành vi phạm tội nhằm làm rõ nội dung lên hệ, mục đích liên lạc; tiến hành thực nghiệm điều tra bằng biện pháp dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi phạm tội.