“Cơm nhà bữa cuối” của nhà văn Vương Đình Trung: Góp tiếng cười nhân văn cho cuộc sống
Nhịp sống văn hóa 24/09/2024 11:33
“Cơm nhà bữa cuối” là tuyển tập truyện châm biếm của nhà văn Vương Đình Trung, vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tuyển tập với gần 100 tác phẩm, mang đến tiếng cười nhân văn cho bạn đọc, đồng thời phê phán những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong xã hội…
“Cơm nhà bữa cuối” là một tác phẩm trong tuyển tập, cũng là chủ đề của toàn tập. Tác giả kể câu chuyện liên quan đến hiện tượng hối lộ tình dục, một hiện tượng có thật xảy ra trong xã hội. Chuyện kể rằng, có ông lấy vợ là cấp dưới của mình. Cuộc tình của đôi vợ chồng ví như cuộc tình “sét đánh”, cô vợ nói rằng bị “sét đánh” vì “Anh không là sếp thì còn lâu em mới bị “sét đánh” nhé”. Thế rồi cô vợ cứ thăng tiến vù vù, trở thành cấp trên của anh chồng, lại là nhờ vào những cú “sét đánh” với các sếp bề trên.
Nhà văn Vương Đình Trung |
Như lẽ tự nhiên, “cơm nhà” là từ lóng mà đôi vợ chồng này nói với nhau mỗi khi muốn sinh hoạt vợ chồng. Và đôi vợ chồng này chỉ “cơm nhà” mỗi tháng một lần vào cuối tháng, nhưng bỗng dưng cô vợ muốn “cơm nhà” vào giữa tháng. “Cơm nhà bữa cuối” là câu cô vợ nói với chồng mình, vì “sếp lớn cứ muốn “ăn” em một mình, không muốn cho anh “ăn” chung nữa”…
Tuyển tập còn nhiều tiểu phẩm khiến người đọc “cười ra nước mắt” nữa. Chuyện nhà Cả Đẩu tổ chức tiệc linh đình, nhưng không mời hàng xóm, đi ngược lại truyền thống “tối lửa tắt đèn có nhau”, đánh mất “tình làng nghĩa xóm”. Mọi truyền thống xưa của tình làng nghĩa xóm cứ mai một dần, thay vào đó là cách ứng xử thị trường. Thế nhưng “còn cái khoản vào nhầm giường nhà hàng xóm, hoặc bà hàng xóm đẻ thì bên này ông hàng xóm ôm bụng đau quằn quại thì vẫn được duy trì” (Hàng xóm).
Chuyện tên kẻ cướp gây ra bao nỗi bất an, hoang mang, khổ cực cho mọi người bị truy lùng, nhưng trốn thoát với của cướp được nhiều không kể xiết. Hắn nảy ra ý tưởng “rửa tay gác kiếm”, bỏ tiền ra làm từ thiện, xây dựng cầu, xây trường học, bệnh viện ở những vùng khó khăn. Thế nhưng cuối cùng hắn vẫn bị kết án với hình phạt thích đáng nhất. Hắn kể lể công lao “từ thiện” để xin được lượng khoan hồng, xin được coi như con người mà xét xử và “nhận được hình phạt của con người có tội: Tù đến chết vẫn chưa hết hạn”…
Một tay thợ giỏi nhờ tấm bằng tại chức mà được cất nhắc lên làm quản đốc phân xưởng, nhưng chẳng biết chỉ huy, chỉ đạo là gì. Do “ngứa nghề”, hắn luôn đến khu sản xuất, vẫn chân tay lấm lem dầu mỡ. Hắn bị giám đốc nhiều lần nhắc nhở, cảnh cáo. Hắn vẫn giữ được nhân cách của người thợ, chỉ đạo sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, không được thay đổi chủng loại vật tư, đánh cắp công đoạn thi công… Cuối cùng hắn bị cách chức quản đốc, cho về lại khu sản xuất và bị người ta rủa “không khá lên được” (Không khá lên được).
Đôi vợ chồng Dư, Ba sau đám cưới soạn phong bì mừng, phát hiện phong bì từ người yêu cũ của Dư, với món tiền mừng khá to, kèm theo một lá thư, có nội dung muốn Ba chăm sóc Dư cho tốt, hẹn gặp nhau trong ngày đặc biệt. Kết câu chuyện là cuộc gặp gỡ giữa Tư (cô người yêu cũ) và vợ chồng Dư, Ba; là cuộc Tư cùng con trai ra mắt nhà gái, vì con trai Tư là vị hôn phu của con gái Dư, Ba. Chuyện bà vợ “giăng một cái bẫy”, nhằm buộc chồng phải công nhận có con rơi. Thế nhưng cái cô bé luôn gọi chồng bà là bố, lại là cô gái kết bạn với ông chồng qua phây búc, bị bà vợ nghi ngờ nên mới “giăng bẫy”. Cuối cùng chính bà vợ mắc bẫy, khi tuyên bố với chồng “… bố chúng nó đòi đón lâu rồi…” (Tự sập bẫy).
Một ông quan về hưu “hạ cánh an toàn”, nhưng chẳng có ai bén mảng đến nhà thăm hỏi, khác với khi ông ta tại chức nườm nượp người đến quà cáp, thăm hỏi, ngay cả người ông ta cất nhắc thay ông ta ngồi vào ghế lãnh đạo cũng không thấy mặt. Bà vợ truy vấn ông chồng “… nó lễ ông bằng cách dâng vợ nó cho ông, như ông dâng tôi cho sếp của ông chứ gì”. Ông chồng nói thẳng, ông biết đứa con gọi ông là bố đích thị là con của ông sếp. Cuối cùng hai vợ chồng cùng ngóng lên ti vi, mới biết tay thay chức ông chồng vừa bị bắt. Ông chồng buồn bã kết luận: “Hạ cánh bây giờ cũng không còn là hạ cánh an toàn nữa đâu” (Không còn hạ cánh an toàn).
Một ô sin làm cho gia đình giàu có nhưng tử tế. Ô sin này có rất nhiều chiêu vừa trốn được trách nhiệm lại vừa không bị chủ nhà rầy la, ngược lại được chủ nhà đãi ngộ. Ví như khi cụ chủ phải nằm viện, ô sin bảo trách nhiệm chăm sóc cụ trong viện là các bác sĩ, nếu ô sin vào chăm sóc thì phải thêm thù lao… Ô sin này còn thường xuyên xà xẻo tiền chi tiêu, tiền đi chợ hằng ngày của chủ. Mấu chốt câu chuyện là ô sin bị lừa, bọn lừa giả danh công an bắt phải nộp hơn trăm tỉ đồng. Biết bị lừa nhưng khi ô sin báo công an xong mới tá hỏa là mình ngu, vì ô sin làm gì mà có ngần ấy tiền? Vậy là ô sin đó xin nghỉ việc về quê để tìm cách trả lời về nguồn gốc số tiền bị mất đó (Nghĩ cách giải trình).
Nhìn chung cách viết của nhà văn Vương Đình Trung có phong thái nhẹ nhàng, dễ đọc, có logic và những cái kết bất ngờ, gây tiếng cười nhẹ nhõm, rất nhân văn. Ngay cả nội dung phê phán, đả kích các tật xấu, hiện tượng xấu trong xã hội, thì từ câu văn, đến kết cấu câu chuyện cũng rất bình dị, nhẹ nhõm.
Nhà văn Vương Đình Trung sinh năm 1953, nay bước sang tuổi bảy mốt, nhưng sức viết, lực sáng tạo của ông vẫn dồi dào. Ngoài viết những truyện châm biếm, đả kích, ông còn làm thơ. “Cơm nhà bữa cuối” là tập sách thứ 5 của ông được xuất bản, trong đó có 3 tập truyện cười và 2 tập thơ. Chúc mừng nhà văn Vương Đình Trung! Chắc chắn bạn đọc sẽ nhận được thêm các tác phẩm hài hước của ông, góp tiếng cười nhân văn cho cuộc sốngn