Chèo quê xưa và nay
Nhịp sống văn hóa 28/03/2024 15:37
Mới chập tối, ông Hịnh đã hối con dâu, con gái hái chè, nấu một ấm nước chè thật đặc, mang một chồng bát ra để trên cái chõng tre ở hiên nhà, diễn viên, nhạc công và cả những người đến xem đội chèo tập vở, khát thì uống, uống cho thoải mái. Bát nước chè xanh đặc quánh làm ngọt giọng các cô đào trẻ, làm mềm tay lứu, tay nhị của các vị nhạc công và ấm lòng tình người thôn xóm. Đêm nào cũng chật kín sân người đến xem và rộn ràng tiếng đàn, tiếng phách, tiếng hát chèo bay bổng giữa không trung. Đội chèo làng tôi sưu tầm và luyện tập rất nhiều tích chèo truyền thống, những vở chèo cổ được nhiều người ưa thích; như “Lên tháp bạc lấy hạt minh châu”, “Lã Bố hý Điêu Thuyền”, “Quan Âm Thị Kính”, “Kim Vân Kiều”, “Trưng nữ Vương”,…
Múa Đài sen dâng Bác. |
Đội chèo làng toàn là những người nông dân chân lấm tay bùn, mà tập được, diễn được những vở chèo như thế, thật là kì công, thật đáng ngưỡng mộ. Đang cày dưới ruộng hoặc đang cấy lúa trên đồng, nghe ông trùm thông báo: “Tối nay diễn ở làng bên”, thế là tháo ách trâu, xách nón lên bờ, về nhà húp vội bát cháo loãng, khoác cái quần dài lên vai, thay cái áo mới, rồi cùng mọi người gánh hòm đồ đi diễn. Trang phục, đạo cụ đều do diễn viên tự mua sắm, tự làm và tự quản. Cái tâm của người yêu nghệ thuật chèo của làng tôi sao mà đáng yêu đến thế. Ai cũng bảo: “Quê mình là một trong ba cái nôi của nghệ thuật chèo, phải cố mà duy trì, đừng để nó mai một mất”. Chiếu chèo làng tôi nổi tiếng đến nỗi có nhà báo, nhà thơ đã phải thốt lên rằng: Muốn nghe tiếng hát trong ngần/ Mời về thăm xã Tự Tân xem chèo.
Chiến tranh ập đến, chiếu chèo làng tôi tan, mỗi người phiêu bạt theo một hướng. Người thì ra trận, tham gia chiến dịch Điện Biên; người vào du kích đánh giặc giữ làng. Cũng có người tham gia lực lượng địch vận, bộ đội R10 của huyện Thư Trì, dùng tiếng hát để vận động lính Bảo Hoàng bỏ hàng ngũ địch, về với Nhân dân.
Ngay sau ngày giải phóng Điện Biên, một nửa đất nước được hòa bình, cánh nam nữ thanh niên làng tôi, có cả những diễn viên, nhạc công của chiếu chèo ông Trần Hịnh lên đường Nam tiến, xẻ dọc Trường Sơn đi giải phóng miền Nam. Rất nhiều người muốn dựng lại chiếu chèo truyền thống, nhưng lực bất tòng tâm, công việc bộn bề mà sao nhãng…
Đến đận “chuyển xóm thành thôn” thì làng tôi có 4 xóm thành 4 thôn, xã tôi từ 4 thôn thành 9 thôn. Theo chủ trương, mỗi thôn có ít nhất một CLB văn nghệ. Phần lớn các CLB đều do Hội Phụ nữ dóng dựng. Vì vậy diễn viên toàn là nữ, mỗi khi dựng một tiết mục, đạo diễn phải yêu cầu gái đóng giả trai. Cái khó nữa là chẳng CLB nào có nhạc công, mỗi khi biểu diễn đều phải nhờ trung tâm văn hóa huyện thu băng, diễn viên “hát nhép” và múa theo lời hát đã được ghi âm từ trước. Các tiết mục chủ yếu là khúc ca chèo, ca cảnh chèo ngắn gọn 5-10 phút. Một đêm diễn có tới vài chục tiết mục. Không nơi nào dựng được vở dài như chiếu chèo xưa đã làm. Đã có năm, Trung tâm văn hóa huyện cùng xã Song An khôi phục lại chiếng chèo Sáo Đền, nhưng chỉ tồn tại một thời gian rất ngắn.
Mới đây, nghe đài tỉnh, được biết huyện Thái Thụy đang đưa nghệ thuật chèo vào sân khấu học đường, đấy là một biện pháp thiết thực để duy trì nghệ thuật chèo truyền thống. Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình cũng đã duy trì chuyên mục dạy hát chèo trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, cần có thêm chương trình dạy sử dụng các nhạc cụ dân tộc, phục vụ bộ môn chèo thì rất đúng và rất trúng nhu cầu của chương trình phát triển nghệ thuật chèo của tỉnh.