Nón ngựa miền di sản
Du lịch 09/05/2024 12:52
Người khâu nón giữa làng
Tỉ mẩn từng mũi kim đường chỉ, nhẹ nhàng với từng lớp lá và nan nón, cẩn trọng với từng màu sắc của quai nón, ông lão Đỗ Văn Lan ở cái tuổi ngoài thất thập đã có gần 60 năm cặm cụi như thế. Nghề đan nón ngựa ở làng Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) có truyền thống gần 400 năm. Những chiếc nón độc đáo này sản phẩm thủ công mĩ nghệ mang đậm bản sắc văn hóa của người dân xứ Nẫu.
Vừa khâu nón vừa thầm thì như kể chuyện với tiền nhân, ông Lan kể ngày xưa, nón ngựa được làm ra chủ yếu để phục vụ cho vua, quan. Đặc biệt vào thời vua Quang Trung, nón ngựa Phú Gia đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn. Các họa tiết thêu trên mỗi chiếc nón cũng khác nhau, tương ứng với chức vụ, phẩm hàm của người đội nón. Mỗi mẫu hoa văn trên nón sẽ thể hiện thứ bậc của người đội trong xã hội thời bấy giờ. Ở Phú Gia thời trước, ngày cưới, nhà giàu rước dâu bằng kiệu, chàng rể đội nón đi ngựa, còn nhà nghèo cũng cố sắm vài đôi nón ngựa cho cô dâu, chú rể đội trong ngày trọng đại này.
Gắn bó với nghề khi chỉ mới 12 tuổi, nghệ nhân Đỗ Văn Lan được xem là “cao thủ” trong nghề làm nón ngựa xứ này. Gia đình ông đã trải qua 5 đời làm nghề nón ngựa. Đã 72 tuổi mà ông còn tinh tường lắm. Có vậy ông mới đảm nhiệm được vai trò “người giữ lửa” cho làng nghề nón ngựa Phú Gia đã có gần 400 năm tuổi này.
Gần 400 năm suy thịnh của nón ngựa, chưa bao giờ người làng ngơi nghỉ một ngày đan nón. |
Gần 400 năm suy thịnh của nón ngựa, chưa bao giờ người làng ngơi nghỉ một ngày đan nón. Ở đâu trong làng cũng bắt gặp người đan nón, từng công đoạn này tới công đoạn kia, từ người trẻ tới người già đều biết làm. Có lẽ, hiếm có một làng nghề nào mà người làng phấn khởi đến như thế khi không cần phải đau đáu đi tìm truyền nhân. Những người như ông Lan, bà Kéo, bà Nguyễn Thị Tâm với kinh nghiệm hơn nửa thế kỉ đan nón, đã nắm giữ được hết bí quyết của nghề, và truyền lại cho lớp sau. “Nghề làm nón tuy không vất vả nhưng phải biết được cái tinh anh, phải có đôi tay khéo léo và sự nhiệt thành học hỏi mới có thể làm được!”, ông Lan bộc bạch khi khoe chiếc nón “gia bảo” là kỉ vật của người mẹ để lại cho ông Lan, cũng chính là những “khuôn mẫu” để ông Lan bắt tay làm những chiếc nón ngựa. Chiếc nón này có tuổi đời hơn một thế kỉ và được sử dụng liên tục 45 năm. Chiếc nón không chỉ đẹp vì đường nét, mà còn vì ánh lên từ đó màu thời gian của đời người.
Để làm được những chiếc nón ngựa truyền thống rất lắm công phu, người thợ thủ công phải dụng công từ 3 đến 5 ngày hoặc nếu làm những mẫu phức tạp phải mất cả tháng để hoàn thành. Nguyên liệu chính là lá cọ, cây giang và rễ dứa. Nón ngựa không giống nón lá thông thường bởi kết cấu đặc biệt, quá trình để làm ra một chiếc nón ngựa sẽ rơi vào khoảng 10 công đoạn chính, trong đó công đoạn như tạo sườn mê, thắt nan sườn, lợp lá, thêu hoa văn là khó nhất.
Điều đặc biệt hơn đó là thường việc thêu sẽ do những nghệ nhận lớn tuổi, lành nghề thực hiện. Đối với loại nón ngựa làm bắt mắt hơn thì trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ Long, Lân, Quy, Phụng. Quai nón được làm bằng những dải lụa đỏ hoặc xanh, chỗ dưới cằm có chỏm tua. Bước cuối cùng là bước quyết định tính thẩm mĩ của chiếc nón. Các nghệ nhân thêu họa tiết, từng nét vẽ như chứa đựng cả tấm lòng, niềm tự hào của họ, thể hiện qua sự tỉ mỉ và tinh tế. Đây cũng chính là điểm đặc biệt của chiếc nón làng nghề nón ngựa Phú Gia mà không nơi nào có được.
Sức sống trăm năm
Thịnh suy của một làng nghề truyền thống là điều khó tránh khỏi, nhất là trong thời đại kinh tế thị trường. Mấy trăm năm qua, người làng Phú Gia vẫn giữ nghề với từng công đoạn làm nón khắt khe và chặt chẽ. Để làm xong chiếc nón tốn rất nhiều thời gian, tâm sức của người nghệ nhân. Chính vì vậy, giá bán của nón ngựa cũng cao hơn các loại nón khác, từ vài trăm ngàn đồng tới vài chục triệu đồng một chiếc, cá biệt có những chiếc nón được đặt riêng, làm công phu và thời gian lên tới cả tháng trời, giá trị lên tới hơn 50 triệu đồng.
Khách du lịch về Bình Định thường tìm đến làng Phú Gia mua nón ngựa như mua một tác phẩm nghệ thuật độc đáo để làm kỉ niệm. Cũng như nhiều hộ gia đình khác, gia đình ông Lan với 6 thợ là người trong nhà và 14 lao động thuê làm thường xuyên mỗi năm sản xuất khoảng 500 chiếc nón ngựa có giá từ 300 nghìn đồng đến 3 triệu đồng mỗi chiếc. Nón của gia đình ông Lan làm ra chủ yếu cung ứng cho khách hàng trong nước đặt mua để phục vụ khách du lịch.
Làng nghề nón ngựa Phú Gia là niềm tự hào của người dân đất võ Bình Định cũng như dân tộc Việt Nam, hình ảnh chiếc nón mang bao ý nghĩa về một thời đại lịch sử hào hùng và thăng trầm phát triển văn hóa mĩ nghệ của dân tộc. Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là Làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và được chọn xây dựng mô hình Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam. Mỗi tuần có gần 1.000 chiếc nón ngựa Phú Gia được xuất đi các tỉnh, thành cả nước để phục vụ đời sống hoặc bán cho khách du lịch làm quà lưu niệm.
Để phát triển làng nghề, trong 5 năm qua, xã Cát Tường đã đầu tư làm đường bê tông vào đến tận làng nón, xây dựng nhà trưng bày sản phẩm nón ngựa. Ngoài ra, xã cũng đã lập dự án hỗ trợ các hộ đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch. Và trước sức sống trăm năm ấy, mới đây ngày 9/4/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định đưa nghề thủ công truyền thống - nghề chằm nón ngựa Phú Gia vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Ông Đỗ Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết, thời gian qua chính quyền các cấp đã hỗ trợ bà con lập nhiều dự án vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mở rộng quy mô sản xuất; tìm cách kết nối với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học để hỗ trợ bà con về ứng dụng kĩ thuật mới, kể cả cách thức bán hàng. Với việc được chọn đầu tư làm làng văn hóa du lịch của tỉnh cùng với việc nghề làm nón ngựa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, người dân có thêm cơ hội lớn. Các cấp chính quyền luôn tìm mọi cách để hút các nguồn vốn, tìm cơ hội quảng bá cho làng nón. Quan trọng hơn, các thế hệ nghệ nhân đã tạo nên sức sống bền bỉ cho làng nghề Phú Gia.