Xây dựng Đề án phát triển du lịch giai đọan 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030
Du lịch 19/04/2024 16:01
Chùa Cao xã Hà Lĩnh |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hà Trung có các lợi thế để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch như du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Đối với du lịch văn hóa lịch sử, điểm nhấn là di tích cấp Quốc gia định hướng các cụm trọng điểm phát triển du lịch như: Cụm trọng điểm số 01: Các di tích lịch sử, văn hoá tại xã Hà Long: Miếu Triệu Tường, lăng Trường Nguyên, đình Gia Miêu, đền Đức Ông, nhà thờ Nguyễn Hữu… gắn với trục giao thông Quốc lộ 217B và kết nối với đường 522B. Hoạt động du lịch chủ yếu: Du lịch tâm linh cùng các sản phẩm du lịch bổ trợ: Lễ hội Gia Miêu - Triệu Tường (xã Hà Long); du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng gắn với dự án khu nông nghiệp công nghệ cao và tổ hợp sân golf kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hoá dân tộc Mường tại xã Hà Long.
Cụm trọng điểm số 02: Các di tích lịch sử, văn hoá tại xã Hà Sơn: Đền Cô Bơ, đền Hàn Sơn… gắn với trục giao thông Tỉnh lộ 508B, kết nối với Quốc lộ 217 (con đường di sản Thanh Hoá). Hoạt động du lịch chủ yếu: Du lịch tâm linh gắn với lễ hội truyền thống và kết nối tuyến du lịch Sông Mã, Sông Lèn và Sông Hoạt (xã Hà Sơn, Hà Ngọc, thị trấn Hà Trung, Lĩnh Toại, Hà Hải).
Cụm trọng điểm số 03. Các di tích lịch sử, văn hoá tại xã Hà Ngọc: Đền thờ Lý Thường Kiệt, chùa Linh Xứng, chùa Trần, đền Chầu Đệ Tứ, gắn với trục giao thông Tỉnh lộ 508B. Hoạt động du lịch chủ yếu: Du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử, cách mạng; hoạt động du lịch bổ trợ: Tìm hiểu, thưởng thức hò sông Mã (hiện đang lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia), tuyến du lịch đường thuỷ sông Hoạt và Sông Lèn (xã Hà Sơn, xã Hà Ngọc, thị trấn Hà Trung).
Cụm trọng điểm số 04: Các di tích lịch sử, văn hoá tại xã Hà Lĩnh: Di chỉ khảo cổ học cồn Cổ Ngựa, chùa Cao, gắn với trục giao thông Quốc lộ 217 nối Tỉnh lộ 508B. Hoạt động du lịch chủ yếu: Nghiên cứu khảo cổ, du lịch văn hoá. Hoạt động du lịch bổ trợ: Du lịch sông Lèn (xã Hà Sơn, Hà Ngọc,Thị trấn Hà Trung); hoạt động du lịch bổ trợ: Du lịch đường Sông Lèn (xã Hà Sơn, Hà Ngọc).
Cụm trọng điểm số 05: Các di tích lịch sử, văn hoá tại xã Yên Dương, xã Hà Tân và thị trấn Hà Trung: Đền thờ Trần Hưng Đạo, rừng Sến Tam Quy, chùa Vĩnh Phúc, gắn với trục giao thông Quốc lộ 1A kết nối Quốc lộ 217, 217B. Hoạt động du lịch chủ yếu: Du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, sinh thái; hoạt động du lịch bổ trợ: Lễ hội khai ấn đền Trần (xã Yên Dương), tuyến du lịch sông Hoạt (xã Lĩnh Toại, Hà Hải).
Cụm trọng điểm số 06: Các di tích lịch sử, văn hoá tại xã Hà Long: Đền Rồng, đền Nước, gắn với trục giao thông Quốc lộ 1A kết nối với đường Tỉnh lộ 522B. Hoạt động du lịch chính: Du lịch tâm linh, du lịch sinh thái; hoạt động du lịch bổ trợ: Du lịch lễ hội truyền thống, trải nghiệm văn hoá địa phương (xã Hà Long và xã Yên Dương).
Làng cổ Tiên Hòa (Ảnh: Trịnh Xuân Lục) |
Dự kiến về khách du lịch đến năm 2025, đón được 300.000 lượt khách, trong đó có khoảng 500 lượt khách quốc tế và 299.500 lượt khách nội địa. Tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 32,3%/năm. Đến năm 2030, đón được 520.000 lượt khách, trong đó có khoảng 1.500 lượt khách du lịch quốc tế và 518.500 lượt khách du lịch nội địa. Tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 11,6%/năm. Về tổng thu từ du lịch đến năm 2025, tổng thu từ du lịch đạt 498.750 triệu đồng. Đến năm 2030, tổng thu từ du lịch đạt 1.257.984 triệu đồng. Về số lượng cơ sở dịch vụ lưu trú đến năm 2025, có 32 cơ sở lưu trú với khoảng 500 phòng. Đến năm 2030, có 40 cơ sở lưu trú với khoảng 700 phòng. Về lao động đến năm 2025, có khoảng 300 lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 185 lao động qua đào tạo. Đến năm 2030, có khoảng 650 lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 455 lao động qua đào tạo. Phát triển du lịch “xanh”, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch gắn với giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường.
Rừng sến Tam Quy |
Tuy nhiên, phát triển du lịch huyện Hà Trung trong thời gian qua còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức như: công tác quy hoạch, cơ sở hạ tầng, nhất là hệ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế,,, những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản từ nhận thức về tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, giải pháp thực hiện nhằm phát triển du lịch địa phương còn chưa toàn diện.
Giếng làng Tiên Hòa ( Ảnh: trịnh Xuân Lục} |
Để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, tài nguyên du lịch, tận dụng các cơ hội sẵn có của địa phương, tạo bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch huyện nhà nói riêng trong tương lai đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống. Qua đó UBND huyện Hà Trung ban hành “ Đề án phát triển du lịch huyện Hà Trung giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Phát triển du lịch theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn toàn huyện. Cần có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội; phát huy mạnh mẽ vai trò, động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, trở thành điểm đến mới hấp dẫn của huyện Hà Trung và tỉnh Thanh Hóa.