Hơn cả một tấm lòng…
Tuổi cao gương sáng 07/04/2020 10:36
Ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh những ông già bà cả, tuổi đã cao, có cụ đã trên trăm tuổi; chắc chắn sức khỏe đã giảm sút, nhiều người không tránh được sự hành hạ của những cơn đau khi trái gió trở trời. Có người trồng rau, trồng chuối, nuôi gà, thậm chí là nhặt ve chai, có cụ còn đang được Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo… Vậy mà, chỉ với đồng tiết kiệm ít ỏi, bằng tấm lòng và sự sẻ chia sâu sắc, đã đến trao tận công sở, chốt kiểm dịch, hoặc các khu cách li. Ước mong của họ thật đơn giản: Chung tay cùng đất nước sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Những tấm gương ấy cứ ngày một nhiều lên, ở tất cả các vùng miền, địa phương trong cả nước; lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng dân cư.
Cụ Cao Dược 104 tuổi, ở Quảng Bình ủng hộ phòng chống dịch Covid-19. |
Cụ Nguyễn Thị Báu, 87 tuổi ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên có 7 người con đều ở xa. Cách đây ít ngày, cụ ông qua đời do tuổi cao bệnh trọng. Vậy mà, cụ Báu đã không ngần ngại đem số tiền 10 triệu đồng để dành từ trợ cấp NCT bấy lâu để “góp gió thành bão”, ủng hộ chương trình. Cụ bảo: "Tôi già rồi không còn đủ sức tham gia phòng chống dịch bệnh như các y bác sĩ, các anh em bộ đội, công an... Chỉ có một chút tiền nhỏ ủng hộ, mong sao dịch bệnh sớm được khống chế". Làm theo cụ, người dân trong xã cũng quyên góp 57 triệu đồng và 1.000 khẩu trang hỗ trợ lực lượng chức năng phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Cụ Nguyễn Thị Báu dùng tiền trợ cấp NCT ủng hộ chống dịch Ảnh TTXVN |
Do điều kiện sức khỏe, không đến địa điểm quyên góp được, mẹ liệt sĩ Vũ Thị Thân, 90 tuổi ở xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã mời đại diện Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đến nhà để tiếp nhận số tiền 1 triệu đồng cụ ủng hộ. Noi gương mẹ, con dâu cả của cụ đã ủng hộ 5,5 triệu đồng cùng huyện chung tay chống dịch.
Dư luận còn chưa hết ngỡ ngàng khi chứng kiến cụ già 84 tuổi ở huyện miền núi Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) đạp xe lên UBND xã xin ra khỏi hộ nghèo, thì năm nay cụ Đỗ Thị Mơ lại tiếp tục đóng góp 2 triệu đồng từ bán rau, bán trứng và con cháu biếu để chống dịch. Dù tuổi cao, nhưng cụ Mơ vẫn trồng rau, nuôi gia cầm để kiếm thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt hằng ngày mà không phải phụ thuộc vào con cháu.
Cụ Lê Thị Thanh bán gà lấy tiền ủng hộ quỹ phòng chống dịch. Ảnh IT |
Ở xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, Ban Công tác Mặt trận biết gia cảnh cụ Lê Thị Thanh, sinh năm 1947 còn khó khăn nên không đến vận động. Biết chuyện, cụ chủ động gọi vào: “Tôi mới bán con gà, cho tôi chung tay”.
Đến nay, Ủy ban MTTQ huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận gần 200 triệu đồng của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó tiêu biểu có cụ Cao Dược, 104 tuổi, 72 năm tuổi Đảng ủng hộ 2 triệu đồng; cụ Đinh Thị Tiếp 83 tuổi, ủng hộ 500 nghìn đồng… Lãnh đạo địa phương đã phải thốt lên: "Số tiền mà các cụ mang đến ủng hộ không lớn nhưng hình ảnh các cụ đã khơi dậy tinh thần mình vì mọi người, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo".
Cụ Đào Thị Huê ở Quảng Ngãi trao tiền và vàng ủng hộ chống dịch Covid-19. Ảnh IT |
Từng vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cứu nước, khi về già, tích góp tằn tiện mãi được số “gia sản” khiêm tốn là đôi bông tai và ít tiền trợ cấp, con cháu biếu tặng, cụ Đào Thị Huê, 87 tuổi, ở xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã sẵn sàng đóng góp, cùng cộng đồng chung tay chống dịch. Không ai cầm lòng trước tấm lòng của cụ già đã “gần đất xa trời”: Tiền này tôi chết không mang theo được, không lí gì lại để nó vô ích, nhất là trong thời điểm nước sôi lửa bỏng “chống dịch như chống giặc” này.
Mẹ liệt sĩ Vũ Thị Thân trao tiền ủng hộ địa phương chống dịch. Ảnh IT |
Cũng ở huyện Bình Sơn, cụ Phạm Mỹ, 85 tuổi, gia đình thuộc hộ nghèo, cụ bà mắc bệnh nằm tại chỗ. Vậy mà nghe MTTQ phát động toàn dân chung tay phòng chống dịch bệnh, cụ đã chống gậy vượt quãng đường 4km để ủng hộ 200 nghìn đồng cùng địa phương chống dịch.
Vâng, họ chỉ là những ông già bà cả, suốt tuổi xuân đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, và hôm nay, khi nước nhà lâm nguy, họ lại sẵn sàng dành tất cả những gì mình đang có, cùng tạo nên sức mạnh dân tộc chiến thắng “giặc” dịch. Để chúng ta mãi tự hào nhắc đến hai tiếng “Việt Nam”!