Sự tích nghề đan cỏ tế làng Lưu Thượng
Nhịp sống văn hóa 14/05/2024 11:25
Chuyện kể rằng, vào thế kỉ XVII vùng đất thôn Lưu Thượng còn hoang sơ, hồ đầm sình lầy, rừng rú cây cối um tùm, đất đai hoang hoá. Dân các nơi kéo về đây an cư lạc nghiệp, trong đó có bà Nguyễn Thảo Lâm. Bà lên rừng tìm được loại dây mềm dẻo mang về buộc khung nhà làm bằng tre nứa. Nhìn những sợi dây rừng buộc kèo nhà đã chục năm mà vẫn bền chặt, bà bỗng nảy ra ý nghĩ loại dây này có thể chẻ sợi ra rồi đan thành vật dụng dùng trong gia đình. Bà mày mò làm thử và dùng thấy rất bền chắc.
Nhiều người học theo và được bà hướng dẫn chỉ bảo đã đan được giỏ đựng cua cá, rổ rá, sọt, gầu, thúng mủng và dây buộc. Loại dây này có tên là “cỏ tế”. Do nhu cầu phát triển đồ gia dụng, bà mở lớp dạy nghề đan cỏ tế cho dân làng. Từ đó sản phẩm gia dụng được làm bằng cây cỏ tế được mang đi bán khắp vùng chợ quê.
Bí quyết làm nghề không truyền ra người ngoài làng, kể cả con gái đi lấy chồng không được mang nghề theo, vì thế sản phẩm cỏ tế chỉ có độc quyền ở làng Lưu Thượng. Nghề được cha truyền con nối, đời này qua đời khác. Nhờ có nghề đan hàng cỏ tế mà dân làng Lưu Thượng trở nên sung túc, có của ăn, của để. Tuy nhiên trải qua mấy thế kỉ, quy mô phát triển làng nghề vẫn mang tính thủ công, nhỏ lẻ.
Cây cỏ tế còn có tên gọi là cỏ guột thuộc họ dương xỉ, thân mềm, màu đỏ nâu dài từ 1,8m tới 2,2m. Trước khi đan phải ngâm vào nước cho mềm, rồi tách bỏ lớp vỏ ngoài, sau đó chẻ ra làm 2 hoặc 3 phần tùy theo vật đan hay dây buộc. Các sản phẩm làm xong được hun sấy bằng diêm sinh rồi nhúng qua keo, đem phơi khô kiệt rồi mới đưa vào sử dụng. Nghề đan cỏ tế gần giống như mây tre đan. Tuy nhiên cỏ tế có những ưu thế mà mây tre đan không có được: Màu sắc tự nhiên (đỏ nâu) mềm mại, dẻo dai dễ tạo dáng, độ bền cao.
Vào những năm 90 thế kỉ trước, tình hình thương mại thế giới có nhiều biến động, các mặt hàng thủ công truyền thống làm từ cỏ tế được các nước ưa chuộng và đặt hàng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc) và các quốc gia Đông Âu. Tùy theo các đơn đặt hàng mà người dân Lưu Thượng tận dụng bẹ ngô, bẹ chuối, cỏ năn, cỏ lác, lục bình kết hợp với mây, giang, tre để tạo hình. Từ đó, sản phẩm thủ công mĩ nghệ được ra đời rất phong phú về chủng loại và đa dạng vễ mẫu mã đã kéo theo nguồn nhân lực của cả 7 thôn: Đường La, Trình Viên, Phú Túc, Tư Sản, Lưu Đông, Lưu Xá, Hoàng Xá đem lại đời sống ổn định cho người dân trong xã. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp xã Phú Túc mỗi năm đạt hơn 300 tỉ đồng.
Năm 1995, tất cả 8 làng nghề của xã Phú Túc được UBND tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) cấp bằng công nhận làng nghề “Đan cỏ tế” và điểm du lịch “làng nghề truyền thống”.
“Uống nước nhớ nguồn”, để tưởng nhớ công ơn của bà Nguyễn Thảo Lâm - người đầu tiên phát hiện ra tác dụng của cây cỏ tế và truyền dạy nghề đan cỏ tế cho dân, người dân làng Lưu Thượng tạc tượng và tôn vinh bà là “Thánh tổ nghề” thờ phối tại đình làng cùng Thành hoàng Sĩ Nhiếp.
Lễ hội từ mùng 7 - 9 tháng Giêng âm lịch được tổ chức trong đình có nghi lễ tế cổ truyền. Ngoài sân đình có các trò chơi dân gian như: Cờ tướng, đập niêu, bịt mắt bắt dê, kéo co. Đặc biệt là năm nào cũng không thể thiếu được cây đu.
Lễ hội biểu hiện lòng thành kính của dân làng đối với Thành hoàng và “Thánh tổ nghề”. Gắn kết cộng đồng, cầu mong làng nghề phát triển, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no phồn thịnh.