Cây đa Tân Trào
Nhịp sống văn hóa 02/08/2024 15:37
Tháng 5/1945, Bác Hồ từ Pác Bó (Cao Bằng) chuyển về Tân Trào, lãnh đạo Nhân dân tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; Người dừng chân nghỉ dưới bóng cây đa Hồng Thái. Sau này, xã Hồng Thái và xã Tân Trào sáp nhập lấy tên là xã Tân Trào. Cây đa ông, cây đa bà ở thôn Tân Lập trong xã mang tên là cây đa Tân Trào.
Trong Cách mạng Tháng Tám, khi quân đồng minh sang giúp ta đánh Nhật, các sĩ quan đoàn “Con nai” của Mỹ đã nhảy dù xuống Tân Trào, dù mắc phải một cành đa, nhờ dân quân gỡ chiếc dù xuống an toàn. Cũng dưới bóng đa Tân Trào, ngày 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số một, Việt Nam Giải phóng quân, làm lễ xuất quân về giải phóng Thủ đô Hà Nội.
Cây đa Tân Trào nổi tiếng vì cây nằm ở trung tâm thủ đô kháng chiến. Nhà thơ Tố Hữu đã nhắc đến địa danh “trái tim” của Việt Bắc: “Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”.
Năm 1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ba Đình, Hà Nội đang trong giai đoạn hoàn thiện. Lúc đó Trung ương muốn có cây đa giống Tân Trào về trồng bên khuôn viên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận thấy đây là niềm vinh dự lớn, tỉnh Tuyên Quang thành lập đoàn công tác chọn cây đa giống về trồng bên Lăng Người.
Tiếp theo, những cây đa giống Tân Trào còn được đưa đi trồng ở nhiều nơi: Khu di tích lịch sử Pác Bó, Cao Bằng, các TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ; các tỉnh Hà Giang, Cà Mau, Ninh Thuận, Hòa Bình, Bắc Kạn. Đặc biệt trong chuyến công tác ra thăm quần đảo Trường Sa, đoàn cán bộ tỉnh Tuyên Quang còn mang 5 cây đa giống Tân Trào ra trồng ở huyện đảo. Việc làm này vừa khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc, vừa là tình cảm thân thương của đất liền gửi cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió…
Cây đa Tân Trào đã đi vào lịch sử, vào trong trang sách giáo khoa khoa học sinh. Theo thời gian, lớp lớp các thế hệ vẫn tìm về và lưu giữ địa chỉ đỏ này. Du khách lên Tuyên Quang, ai cũng thăm, chụp ảnh lưu niệm tại cây đa Tân Trào, tình cảm trào dâng bởi cây đa này mang bóng hình dân tộc, rất linh thiêng, song cũng thật gần gũi với mọi người Việt Nam: “Cây đa, bến nước, sân đình”...