Thăm Nhà bia lưu niệm Văn nghệ kháng chiến Việt Nam
Nhịp sống văn hóa 17/07/2024 14:35
Tại xóm Gốc Gạo, khu 1, xã Gia Điền, nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ kháng chiến Việt Nam những năm 1947-1949. Đây là nơi nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Bầm ơi”, với hình tượng trung tâm là bầm, một nhân vật có thật tên là cụ Vũ Thị Gái, người mẹ có con đi kháng chiến. Với sự lắng đọng ân tình, bài thơ đã trở thành lá thư của các chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu ở chiến trường gửi về cho mẹ của mình nơi hậu phương. Ở mảnh đất trung du này, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã chào đời vào năm 1948, nơi dừng chân trong hành trình tham gia cuộc kháng chiến của các văn nghệ sĩ.
Nhà bia lưu niệm Hội văn nghệ kháng chiến được xây dựng mới tại vị trí cũ. |
Dưới gốc cây gạo thẳng tắp, nhà bia lưu niệm Hội Văn nghệ kháng chiến đã được tôn tạo khang trang, đẹp đẽ. Được khởi công xây dựng lại vào ngày 7/11/2023, sau 2 tháng xây dựng, nhà bia đã được khánh thành đúng vào dịp kỉ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (25/7/1948-25/7/2023).
Tấm bia mộc mạc xưa nay được sơn đẹp và đặt trang trọng giữa nhà bia với dòng chữ ghi dấu ấn thời gian: “Tại thôn Gia Điền, trong kháng chiến chống Pháp đã đóng trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam (1948-1949). Cùng với cơ quan thường trực Hội, có cơ quan Tạp chí Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn nghệ”. Bốn phía tấm bia là bốn trụ cột vững chãi, phía trên là hai tầng mái vòm cong vút, lợp ngói vẩy tạo nên sắc màu cổ kính, mang đậm nét văn hóa làng quê Việt Nam. Phía trước nhà bia, gần gốc cây gạo thẳng tắp là tấm bia đá ghi lại những thông tin về sự kiện xây dựng lại nhà bia lưu niệm.
Đứng từ xa nhìn lại, nhà bia tựa như một bông hoa sen đang nở tuyệt đẹp. Thế của nhà bia vững chãi bởi thế tựa vào lưng núi, bên cạnh là cây gạo nhìn ra cánh đồng bằng phẳng. Phía bên trái nhà bia là cổng dẫn vào nhà cụ Vũ Thị Gái xưa (bà bủ trong bài thơ Bầm ơi). Chúng tôi có ghé thăm ngôi nhà và được chủ nhà mến khách cho biết, gia đình bà ở đây là chủ thứ ba. Còn di ảnh và nơi thờ tự cụ Gái là ở nhà cháu đích tôn của cụ phía bên phải nhà bia. Vang lên đâu đây những câu từ trong bài thơ “Bầm ơi”: Ai về thăm mẹ quê ta/ Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm/ Bầm ơi có rét không bầm/ Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn/ Bầm ra ruộng cấy bầm run/ Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non…
Nhà bia lưu niệm xóm Gốc Gạo lưu giữ những tư liệu có giá trị về những năm tháng hoạt động kháng chiến của nền văn nghệ nước nhà, nơi đây đã và mãi mãi trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống văn học nghệ thuật, khắc sâu tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.