Làng dệt chiếu Long Định gặp khó
Đời sống 06/09/2023 10:12
Làng chiếu Long Định thuộc xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Những người thợ dệt trong làng hầu hết là cư dân của vùng làm chiếu nổi tiếng ở Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình di cư đến đây vào những năm 1954. Vì thế, kĩ thuật dệt chiếu ở đây cũng có nhiều nét khác biệt so với kĩ thuật làm chiếu của các làng nghề dệt chiếu trong Nam Bộ. Chiếu Long Định dày dặn, có màu sắc tươi tắn, hoa văn sắc nét.
Chiếu ở Long Định có 4 loại, gồm chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu màu và chiếu cói. Mùa sản xuất cao điểm kéo dài từ tháng 1 đến cuối tháng 4, bởi vào mùa mưa sẽ không phơi được chiếu. Hầu như các hộ sản xuất chiếu trong làng đều có gác để bảo quản thành phẩm.
NCT giữ nghề dệt chiếu ở làng Long Định. |
Làng nghề dệt chiếu Long Định được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận làng nghề ngày 21/10/2003. Vào thời điểm đó, toàn xã có 390 hộ, với 1.190 nhân khẩu tham gia sản xuất chiếu. Thời kì hưng thịnh, mỗi ngày làng giao cho thương lái khoảng 5.000 - 6.000 chiếc chiếu. Chiếu Long Định không chỉ được khách hàng nội địa ưa chuộng mà còn được xuất sang các nước khác, nhiều nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhiều hộ trong làng nhờ làm chiếu mà trở nên khá giả.
Thế nhưng những năm gần đây, làng chiếu Long Định gặp rất nhiều khó khăn. Không có sẵn nguồn nguyên liệu tại địa phương, người dân phải đi mua lác ở tận vùng Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đây cũng là nơi cung cấp lác cho nhiều làng nghề khác nên dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu, giá lác tăng cao. Người dân ở làng Long Định đã từng mua lác về trồng nhưng do khí hậu và thổ nhưỡng không phù hợp nên lác không đạt tiêu chuẩn.
Người thợ đang hoàn thiện thành phẩm. |
Theo bà Đỗ Thị Gấm, 60 tuổi, thợ dệt chiếu ở Long Định, lúc trước lác có giá từ 15 - 16 triệu đồng/tấn, được mua “gối đầu”. Nay giá lác tăng lên đến 24 - 25 triệu đồng/tấn và phải thanh toán liền. “Tới mùa lác, các hộ sản xuất phải tranh thủ mua sớm thì mới có lác đẹp”.
Nhiều thợ dệt chiếu cho biết, địa phương đã từng thành lập hợp tác xã nhưng chỉ sau một thời gian thì bị tan rã. Sản phẩm chiếu dệt thủ công cũng ngày càng khó cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp trên thị trường. Hiện các hộ sản xuất chiếu chủ yếu bỏ mối ở các huyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như Cai Lậy, Gò Công, Mỹ Tho, xa hơn là Bến Tre, Vĩnh Long,… Số lượng chiếu bán ra cũng rất ít. Chị Nguyễn Thị Minh Tuyền (chủ một cơ sở sản xuất chiếu) cho biết, mấy năm trước có một số người thường đặt hàng chiếu để cung cấp cho các nhà trẻ ở Long An, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, nhưng từ sau dịch Covid-19 thì không thấy họ quay lại nữa.
Nguồn vốn cao, đầu ra khó khăn nên nhiều hộ sản xuất chiếu ở đây không trụ nổi, phải chuyển sang làm công việc khác. Ông Lê Văn Tư, 70 tuổi, chủ của một vựa thu mua chiếu lâu năm trong làng, chia sẻ: “Giá lác cao, thu không đủ chi nên thợ bỏ nghề đi làm công nhân hết rồi”.
Hiện các hộ sản xuất chiếu ở làng Long Định rất mong được vay vốn mua nguyên liệu với lãi suất thấp cũng như hỗ trợ tìm kiếm đầu ra ổn định để có thể yên tâm sản xuất, duy trì nghề truyền thống của địa phương.