Để làng nghề trở thành niềm tự hào
Xã hội 16/04/2024 09:47
Mỗi độ Tết đến Xuân về, người dân vùng quê sum vầy bên bếp lửa, ôn lại kỉ niệm vui buồn trong năm. Mâm cỗ tất niên dâng lên nhà thờ họ, tộc hay bàn thờ gia tiên, phần lớn là những vật dụng sản xuất tại quê nhà. Trong đó, khai lễ không thể thiếu tiếng chuông, phèng, chiêng, trống vang rộn cả vùng quê. Thế nhưng ngay tại các trường học, tiếng trống từng hồi mừng ngày khai giảng, rời tiết, hết giờ, nay dần thay tiếng chuông phát loa. Thệ hệ trẻ dần mải lo toan tính thiệt hơn, quên dần phong tục cha ông.
Ông Bùi Văn Tráng căng da trống, bảo đảm tiến độ giao hàng cho khách. |
Ông Bùi Văn Tráng, xóm Bắc 2, xã Thạch Hội vừa căng mặt trống, vừa kể chuyện làng nghề làm trống tồn tại hàng chục năm nay, khi còn bé ông đã làm trống. Trước, cả làng làm nghề trên hàng trăm hộ, nay chỉ còn trên dưới 10 cơ sở sản xuất. Trong đó chỉ còn vài ba hộ có việc làm thường xuyên. Sản phẩm làm ra theo đặt hàng của khách quen, còn gửi tiểu thương ở chợ tỉnh, huyện bán giúp. Trống do những người thợ trong làng làm chất lượng bảo đảm, gỗ ròn mít vườn, da trâu tốt, kĩ thuật cao, thẩm mĩ tinh tế, tiếng trống ấm vọng, độ bền lâu, khách hàng tin dùng.
Ông Bùi Văn Tế, chủ quầy trống ngã Ba Giang, xã Thạch Hội tâm sự: “Trước đây làng tôi làm trống xong, ngày chợ phiên, lễ hội, Rằm, 30, mùng 1 đến khu vực cầu Sở Rượu, chợ Hà Tĩnh bán. Ngày nào có khách bán một đôi cái, còn lại gửi các nhà gần chợ bán giùm. 10 năm trở lại đây kinh tế khó khăn, tôi chuyển ra đây bán, gia công trống, chiêng, phèng. Mỗi năm tôi bán trung bình khoảng trăm cái trống. Trống đại có giá từ 10 đến 20 triệu đồng, nhỏ từ 500.000 đến 5-7 triệu đồng. Thời gian rỗi sửa chữa trống cũ cho khách. Trước đây xã Thạch Lâm còn làng đúc phèng, chiêng, nay phải ra các tỉnh ngoài Bắc mua; áo, cờ thần lấy hàng Hà Nội về bán”.
Những sản phẩm đang sản xuất chuẩn bị đưa ra thị trường. |
Ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Thạch Hội cho biết: Thạch Hội là một trong xã có nhiều làng nghề, trong đó đáng kể nhất là làng nghề làm trống, nấu rượu nếp. Rượu thơm ngon nhất tỉnh, người dân nấu thủ công, chất lượng tốt, men tự làm, thường gửi đi các tỉnh phía Nam. Còn nói đến nghề làm trống trước đây cả làng làm. Kinh tế phát triển nhờ làng nghề, có lúc hàng trăm nhà làm, ngoài làm nghề ra họ còn chú trọng vào nông vụ. Nay nhiều nghề thu hẹp dần, một là sản phẩm bán ra không đáp ứng công sức, gỗ mít trong dân hiếm dần, con cháu rất ít người theo nghề của ông cha. Xã cũng đang chú trọng nâng cao nhưng tiềm lực có hạn, cần các cấp, mạnh thường quân phối hợp bảo tồn, phát triển làng nghề.
Những năm gần đây, tỉnh Hà Tĩnh quan tâm xây dựng phát triển nhiều ngành nghề, công nghiệp gắn du lịch tâm linh. Để các làng nghề hồi sinh và phát triển bền vững, mong chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa phát triển làng nghề, xây dựng chuỗi cung ứng, tạo điểm nhấn làng nghề kết hợp du lịch, hỗ trợ vốn cho các làng nghề.