Bài 2: Lao động để hỗ trợ con cháu
Phóng sự 17/05/2024 17:08
Nhiều NCT đi làm để khuây khỏa đầu óc |
Mưu sinh để giúp đỡ con cháu
Là công nhân một nhà máy cơ khí, ông Nguyễn Văn Tuấn (ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) nghỉ hưu đã nhiều năm. Song do điều kiện hoàn cảnh, vợ ông ốm đau triền miên, thường xuyên phải đi bệnh viện chữa trị, trong khi kinh tế con cái cũng đang eo hẹp lắm. Để có thêm thu nhập chi tiêu cho bản thân, thuốc thang cho vợ, ông đã đi xin vào làm bảo vệ tại một tòa nhà chung cư cách nhà hơn 3km. Nhiều đêm phải thức khuya, rất mệt mỏi, nhưng nghĩ nếu không có khoản tiền làm thêm này, cuộc sống sẽ rất chật vật, ông đành phải cố gắng. Ông Tuấn tâm sự: “Nhiều người nghỉ hưu là được vui thú điền viên, nhưng những người như tôi, do lương hưu thấp nên vẫn phải chịu khó đi làm. Nhiều hôm trời mưa gió vẫn phải choàng áo mưa để chạy xe máy đi làm. Nghĩ thấy cực, nhưng hoàn cảnh của mình như thế, biết làm thế nào. Thấy bố vất vả con cái thương, khuyên bố ở nhà các con thêm vào thuốc thang cho mẹ, nhưng tôi cũng thương các con khó khăn nên mình phải cố gắng”.
Hơn 60 tuổi, ông Nguyễn Minh Hiếu (quê ở Cao Bằng) ngày nào cũng rời khỏi phòng trọ lúc 7 giờ sáng. Hỏi ra mới biết, ông đi ra chợ Đồng Xuân, ai thuê gì làm nấy, từ bố vác đến xách nước, chở hàng… cho đến tận tối mịt mới về. Ông Hiếu cười nói: “Tầm tuổi này còn sức khỏe làm được như vậy là tốt lắm rồi. Năm ngoái, con cái tôi cũng bảo bố về trên quê nghỉ ngơi, có thích thì chăn nuôi thêm con lợn, con gà để cải thiện cuộc sống, khó khăn các cháu giúp đỡ, nhưng tôi không về. Khi nào còn sức khỏe thì còn làm để có thể tự nuôi bản thân, chưa cần phiền đến con cháu”.
Nhiều NCT mưu sinh để đỡ đần con cháu |
Tương tự, bà Ngô Thị Tươi (quê Nam Định) lên Hà Nội hơn 10 năm nay, bà xin làm tạp vụ ở một nhà hàng, công việc bắt đầu từ 8 giờ sáng cho tới gần 10 giờ đêm. Bà cho biết: “Cuộc sống ở quê khó khăn, chồng bà ốm đau bệnh tật, một mình bà cáng đáng đi làm nuôi chồng, nuôi con ăn học. Các cháu đã có gia đình và công việc ổn định nhưng tôi thấy còn sức khỏe thì còn cố gắng làm kiếm thêm thu nhập để phòng lúc tuổi già, còn phụ thêm đỡ đần, cho con cháu đỡ vất vả”.
Đã 65 tuổi, ông Đỗ Văn Tiến từng rời quê hương Phú Thọ xuống Hà Nội hành nghề xe ôm từ nhiều năm nay, mỗi ngày túc tắc cũng kiếm 400 nghìn đến 600 nghìn đồng. Nhưng từ khi xe ôm công nghệ phát triển thì thu nhập của ông cũng giảm hẳn, có hôm đứng ở đây cả ngày cũng chỉ được 100 - 200 nghìn đồng, thậm chí có ngày không được đồng nào. Ông Tiến tâm sự: “Vất vả lắm, ở quê thì có mấy sào ruộng, xong vụ là lại ngồi chơi dài nên đành phải lên thành phố chạy xe kiếm thêm thu nhập cho gia đình, khi nào đến mùa vụ thì lại về quê phụ giúp thu hoạch”.
Bà Nhung trước đây từng làm việc tại khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, rồi về nghỉ theo chế độ, bà chọn nghề bán nước mía, trà đá vỉa hè để “có đồng ra đồng vào”. Từ đó, nghề nước mía trở thành thu nhập chính của gia đình. Bà tâm sự: Do ảnh hưởng của di chứng chiến tranh, chồng bà ốm đau triền miên, nhất là khi thời tiết thay đổi, trái giờ trở trời là toàn thân bị đau nhức, không làm được việc nặng, chủ yếu giúp bà cơm nước. Còn về kinh tế một mình bà cáng đáng, lo liệu hết. Nhà có 2 đứa con nhưng cuộc sống của các con chẳng mấy dư dả, chúng nó cũng thương bố mẹ lắm do điều kiện nên không giúp gì được”.
Làm việc cho đến khi “chân chậm mắt mờ”
Do cuộc sống còn bộn bề khó khăn, nên dù tuổi đã cao, sức yếu, nhưng các cụ vẫn phải vất vả mưu sinh. |
Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng đều giống nhau ở một điểm ai cũng nghèo, cái nghèo đeo đẳng. Lẽ ra ở vào tuổi của họ, khi sức khỏe đã xuống cấp thì phải được nghỉ ngơi, vui vẻ bên con cháu. Vậy mà họ phải tích cực lao động để trang trải cuộc sống cuối đời.
Hằng ngày, mọi người vẫn bắt gặp hình ảnh bà Trương Thị Thu (63 tuổi) đạp xe thu mua phế liệu đã quá quen thuộc với người dân trên các con phố ở Hà Nội. Có khi, xe bà chất nhiều sắt vụn, thùng cát tông, nhiều người tốt bụng đi đường thấy thương cũng xuống đẩy xe giúp bà. Bà Thu nói: “Hơn 10 năm nay, tôi đã quen với cảnh thức khuya dậy sớm. Giờ già rồi, nay nhức mai đau, chẳng biết tôi còn đi đạp xe mua ve chai được bao lâu nữa. Nhưng còn sức khỏe thì còn cố gắng đỡ đần con cháu chứ!”. Công việc của bà bắt đầu từ 7 giờ sáng, kết thúc vào lúc 11 giờ đêm. Ngoài thu mua ra bà còn đẩy xe đi qua mọi ngõ ngách, cửa hàng, nhà hàng, tìm những thùng rác để bới tìm phế liệu. Rồi bà ra chợ đêm nhặt từng chiếc túi nilon, vỏ lon vỏ chai. Thỉnh thoảng chiếc xe dừng lại, bà nhanh tay lượm lặt vài thứ rơi vãi trên đường. Công việc cứ tiếp tục cho đến khi phế liệu trên xe nhiều dần.
Người già nhọc nhằn mưu sinh trên phố là hình ảnh dễ bắt gặp ở các thành phố lớn |
Hầu hết những người già tôi gặp để thực hiện phóng sự này, có người đi làm cho vui, có người vì cuộc sống mà phải mưu sinh, có người còn sức khỏe đi làm để đỡ đần con cháu và có chút vốn liếng phòng khi “chân chậm, mắt mờ”… Dù ở trong hoàn cảnh nào họ cũng là những lớp người “cây cao bóng cả” luôn hi sinh hết mực cho con, cho cháu và góp phần tích cực lao động tăng thêm thu nhập, nâng cao mức sống gia đình, trở thành tấm những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ, học tập noi theo.
(Còn tiếp)