Bài 1: Nỗi lo cơm áo, gạo tiền
Phóng sự 16/05/2024 18:06
Nhiều người cao tuổi vẫn phải lao động |
Mỗi người một hoàn cảnh
Vào một buổi chiều hè, tôi đi dọc theo các tuyến phố Trần Hữu Dực, Lê Đức Thọ, Trần Quang Đạo, Thiên Hiền… thuộc địa phận quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, không khó có thể bắt gặp những NCT vẫn miệt mài làm những công việc như bảo vệ, sửa xe, bán nước, bán hàng rong, đánh giầy, chạy xe ôm… để kiếm sống.
Đã 65 tuổi, bà Nguyễn Thị Xuân quê ở Thanh Hóa, vẫn phải nuôi người chồng tật nguyền và con trai mắc bệnh hiểm nghèo. Nhà không có ruộng, lại còn sức khỏe nên bà chọn quyết định ra thành phố làm giúp việc cho một gia đình người quen. Từ khi lên Hà Nội bà cần mẫn chăm chỉ, được chủ nhà yêu mến, song đồng lương giúp việc cũng không đủ trang trải chữa bệnh cho chồng con. Hằng ngày, ngoài giờ làm việc cho chủ, bà Xuân lại len lỏi vào từng ngõ ngách nhặt ve chai, vỏ lon, tấm bìa cát tông để bán đồng nát. “Kiếm thêm đồng nào hay đồng đó. Chứ nhà nghèo, lại bệnh tật, tiền như muối bỏ bể”, bà buồn rầu chia sẻ. Từ việc nhặt đồng nát, mỗi ngày bà cũng kiếm thêm được 50 đến 70 nghìn đồng. Theo bà Xuân, trước đây khi còn đủ sức khỏe, bà đi được xa hơn, số ve chai bà mang về cũng nhiều hơn. Thời gian gần đây, sức khỏe thuyên giảm, bà không đi được xa, cật lực lắm mỗi tối đi chừng vài cây số rồi lại quay về phòng trọ nghỉ ngơi, dưỡng sức để sáng hôm sau dậy sớm quay lại với công việc.
“Gánh nặng mưu sinh” tuổi xế chiều |
Hoàn cảnh của ông Trần Văn Thanh (quê Thái Bình) cũng thật thương tâm. Vợ ông mất sớm, mình ông “gà trống nuôi con”, từ khi thơ bé đến nay đã dựng vợ gả chồng. Nhà không có gì ngoài sào ruộng và mấy trăm mét đất ở trong làng, ông cũng bán đi lo cho con làm vốn lập nghiệp, rồi dọn về ở chung với con trai… Những tưởng, trưởng thành rồi con ông sẽ biết ơn mà chăm nuôi thân già, ngờ đâu, khi ông không còn nhà đất trong tay, con cái ông tị nhau việc chăm nom bố. Tủi thân, ông bỏ lên thành phố kiếm sống đã hơn 5 năm nay. Ngày nào cũng vậy, dù trời nắng hay mưa thì ông cũng dậy từ 3 giờ sáng dắt chiếc xe máy cà tàng ra khỏi cổng khu nhà trọ ổ chuột, đến chợ đầu mối chọn những trái cây ngon mang đi bán cho khách. Hôm nào bán đắt hàng ông được quay về sớm, có hời gian nghỉ ngơi dưỡng sức nhiều hơn. Ông Thanh chia sẻ: “Hôm nào ế hàng thì cố bán tới 21, 22 giờ, có khi tới nửa đêm, chứ để trái cây hư lỗ vốn, lấy gì mà ăn”.
Mới hơn 6 giờ sáng, khu vực chợ Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy đã tấp nập, nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Tôi bắt gặp hình ảnh bà Đỗ Thị Mến, đang lom khom, loay hoay xếp từng mớ rau lên sọt hàng buộc ngang chiếc xe thồ cũ kĩ, luôn miệng đon đả chào mời. Bà bảo: Quê bà ở huyện Chương Mỹ, năm nay đã 63 tuổi, nhưng vì không có lương hưu, không có thu nhập ổn định, lại cô đơn không con cháu, nên hằng ngày bà phải thức dậy từ 2 giờ sáng ra chợ Chúc Sơn cách đó mấy chục cây số lấy rau mang về chợ này bán kiếm lời.
Cái nghèo đeo bám
Kiếm tiền vì miếng cơm, manh áo |
Lững thững cầm chiếc máy ảnh rảo bước đi trên phố Đỗ Đức Dục vào một buổi xế chiều, từng đoàn xe nối đuôi nhau hối hả trở về nhà, phòng trọ sau một ngày lao động mệt nhọc. Cạnh quán phở Cồ, tôi vẫn thấy hình bóng của bà cụ hơn 80 tuổi đeo trước ngực chiếc giá nhỏ đựng đủ thứ kéo, băng dính, găng tay, gương, lược, kim chỉ… Cụ bảo, thu nhập một tháng vào khoảng 3 - 4 triệu đồng, cùng khoản bán ve chai 300 nghìn đồng. Từng ấy số tiền cũng đủ cho cụ trang trải tiền nhà, tiền ăn trong một tháng.
Bà Nguyễn Thị Vân, ở quận Nam Từ Liêm lại chọn cho mình nghề bán nước chè trên vỉa hè. Bà bảo, bà “hành nghề” gần 30 năm có lẻ. Trước kia còn khỏe, lượng hàng bán được nhiều hơn nên bà mượn vỉa hè trước nhà người quen làm chỗ bán hàng. Sau này, tuổi đã ngoài 70 không thể làm được nhiều, bà nấu ít dần rồi bỏ hàng trên đôi quang gánh ra ngõ nhỏ đầu phố bán đợi khách. Bà nói: “Không có con vất vả lắm, họa lúc trái gió trở trời chẳng biết nhờ vả ai. May tôi là người sống có tình nghĩa nên cũng được bà con xung quanh khu phố thường xuyên nghé thăm trò chuyện”…
Cuộc mưu sinh của ông Nguyễn Văn Sỹ, 70 tuổi, ở Lạng Sơn cũng vất vả không kém. Ông góa vợ sớm, một thân, một mình nuôi con khôn lớn trưởng thành, nhưng đến giờ đứa nào cũng nghèo khó, nuôi nhau còn không nổi, huống chi nuôi cả bố già. Thương con, ông bỏ quê lên thành phố, miệt mài lao động kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Không kể nắng hay mưa, hằng ngày ông vẫn đẩy chiếc xe đựng đầy bánh mì patê, bánh rán ra bán ở đầu phố gần đó. Ông Sỹ cho hay: “Hôm nào đắt hàng thì về sớm, ế thì ngồi bán đến tận tối, ráng bán cho hết số bánh đã nhập, không để hàng tồn”. Tuy số tiền bán bánh mì patê lời không bao nhiêu nhưng cũng đủ để cho ông trang trải cuộc sống qua ngày.
Nhọc nhằn mưu sinh tuổi già |
Bước vào tuổi xế chiều, lẽ ra phải được an yên, vui vầy bên con cháu, nhưng vì kinh tế gia đình quá eo hẹp hai vợ chồng ông bà Trần Văn Đám và bà Nguyễn Thị Mây, 65 tuổi, quận Hà Đông phải bươn trải đủ thứ nghề với mong muốn có một cuộc sống đủ đầy, khổ nỗi làm mãi vẫn không hết nghèo. Hằng ngày, bà đi chợ bán rau, còn chồng làm bảo vệ cho một nhà hàng trên phố mãi tận khuya mới về đến nhà.
Đây chỉ là một vài trong số nhiều NCT nghèo phải vất vả lao động mưu sinh. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng họ vẫn kiên trì và quyết tâm vươn lên bằng công sức của mình để chăm lo cho bản thân, gia đình bằng đồng tiền lao động chân chính.
(Còn nữa)