Chuyện tình cảm động của vợ chồng thương binh mù
Phóng sự 24/06/2024 11:41
Chúng tôi tìm về xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nơi chăm sóc hàng trăm thương, bệnh binh trở về sau chiến tranh. Tháng 6 miền Trung với cái nắng oi nồng. đây cũng là thời gian đong đầy kỷ niệm với cặp vợ chồng thương binh mù Đào Xuân Tình và Cao Thị Hải. Hơn 40 năm đi qua, tại Trung tâm ĐDTBN Nghệ An, ông Tình không nhớ đã bao nhiêu lần dìu nhau đi trong khuôn viên này. Mỗi ghế đá, hàng cây, mỗi dãy nhà, phòng họp… dù chẳng thể nhìn ra nhưng dường như rõ ràng lắm trong hình dung của ông. Trại thương binh 4 thực sự là một mái ấm gia đình, một ngôi nhà đầy kỷ niệm đối với cuộc đời ông.
Học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng tặng quà tri ân gia đình ông Đào Xuân Tình |
Hơn 30 năm mặn nồng, câu chuyện về vợ chồng người thương binh mù ấy đã đi vào thiên tình sử không chỉ với mỗi cán bộ, nhân viên của Trung tâm ĐDTBN Nghệ An mà với tất cả những ai đã từng nghe họ kể, từng biết về họ. Sau chiến tranh, bà Hải với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 100%, đầu bị hàng chục vết thương, mất 14 răng hàm trên, thêm một mảnh đạn cắm sâu vào giữa cổ, khớp háng cũng bị gãy. Còn ông Tình, một người con của xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, trong một trận truy kích lính Pôn Pốt vào năm 1978, trở về hậu cứ với thương tật 96%, mất tay trái và mù hai mắt. Sau một thời gian dài vật lộn với thần chết, hai người con xứ Nghệ ấy đã gặp nhau và nên duyên tại Trung tâm ĐDTBN Nghệ An…
Vượt qua bao rào cản, bao âu lo của mọi người, qua những thăng trầm cuộc sống, vượt qua cả màn đêm luôn bao trùm lấy những năm dài gian khó… Hiện họ đã hạnh phúc bên nhau với ba người con hiền hậu, những đứa cháu ngoan ngoãn. Qua cơn bĩ cực mới trân trọng những ngày thái lai. Làm sao ông Tình quên được những tiếng khóc của người thân, sự khuyên răn của cán bộ Trung tâm khi hai người báo cáo gia đình, tổ chức xin cưới. Sao quên được những ngày khua gậy đi bộ về tận Diễn Châu để thuyết phục gia đình vợ.
Rồi sinh con đẻ cái, rồi chăm bẵm vuốt ve. Cho con ăn, tay bà Hải vừa giữ người, vừa mày mò tìm miệng con. Chỉ trên khuôn mặt trẻ thơ ấy thôi mà thế giới của người mù sao bao la đến vậy. Khi khỏe mạnh, nụ cười của ông là ánh sáng để bà chuẩn bị mỗi bữa cơm gia đình. Khi trái gió trở trời, tay bà là đôi mắt cho ông, dìu dắt nhau qua những cơn đau vết thương thời hậu chiến. Nói như ông Đào Xuân Tình: “Hạnh phúc này thiêng liêng và viên mãn đến không ngờ. Sống với nhau chừng ấy năm, có đến ba mặt con mà vợ không biết mặt chồng, chồng vẫn luôn tự họa gương mặt vợ, ba đứa con chúng tôi cũng không thể hình dung ra chúng như thế nào. Ấy vậy mà cứ như trong mơ chị ạ…”.
Nhớ lại điều này, ông Tình trầm ngâm: Lúc cả hai nhận ra mình đã yêu, chúng tôi cũng dằn vặt lắm. Hàng tá câu hỏi đặt ra trong đầu về một tương lai khó định đoán, nhưng khổ nỗi càng trốn chạy tình cảm càng thêm thắm thiết(!). Nửa năm yêu thương nhau, chúng tôi đi đến quyết định táo bạo là về ở với nhau dưới một mái nhà để gây dựng tương lai.
Ông Tình cho biết, hiện cậu con trai đầu Đào Đình Quân sau khi tốt nghiệp đại học, nay đã về làm việc tại Trung tâm Điều dưỡng tâm -thần- kinh Nghệ An; cô con gái thứ công tác tại Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh và còn cô gái út Đào Thị Ngọc Bích đang công tác tại Bệnh viện Nhi Nghệ An.
Ngoài 3 đứa con thành đạt, ông Tình, khoe nay gia đình tôi đã có 3 cháu nội lẫn ngoại. “Một hạnh phúc không gì bằng”.
Với những cống hiến trong chiến tranh, khi mất bà Cao Thị Hải đã được Nhà nước công nhận là liệt sỹ |
Giờ đây, bà Cao Thị Hải đã đi xa, chiều chiều ông Tình vẫn ra ngõ như trông chờ đợi bà trở về với ông. Nơi đây đã in bóng người vợ, người bạn tri kỷ của ông. Câu chuyện của ông bà đã trở thành chuyện cổ tích giữa đời thường là tấm gương điển hình cho câu nói thương binh tàn mà không phế.