Bài 1: Trụ sở bỏ hoang gây lãng phí, mất mĩ quan
Thực hiện chủ trương sáp nhập địa giới hành chính cấp xã ở Phú Thọ đã tinh giản được bộ máy hành chính, cắt giảm chi phí ngân sách nhà nước… Nhưng hiện nay, vẫn còn tình trạng nhiều trụ sở xã (cũ), trường học, trạm y tế còn mới toanh, chưa có phương án xử lí dứt điểm. |
Lãng phí trong sử dụng trụ sở công
Chứng kiến nhiều tài sản, trụ sở làm việc sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bị bỏ hoang tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ nhiều người dân không khỏi xót xa. Sau hơn 4 năm sáp nhập, số tài sản, trụ sở này vẫn chưa có hướng giải quyết. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện trụ sở, trạm Y tế xã Đồng Cam, trụ sở xã Phùng Xá (cũ) nay là xã Minh Tân vẫn đang “cửa đóng then cài” nhiều năm qua. Bà Nguyễn Thị Hương, 70 tuổi, trú ở thôn Đồng Cam, xã Minh Tân xót xa nói: “Nhìn thấy trụ sở, trạm y tế xã bỏ không mà tiếc quá. Nhiều cuộc họp, bà con Nhân dân, nhất là người cao tuổi (NCT) như chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên sớm có phương án để đưa vào sử dụng trụ sở này tránh tình trạng bỏ hoang kéo dài vừa lãng phí, vừa xuống cấp thế nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển gì”. |
Tương tự, trước đó 3 xã Cát Trù, Hiền Đa, Tình Cương sáp nhập với nhau thành để thành lập xã mới Hùng Việt, địa phương dư 2 trụ sở. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại một phần khuôn viên của trụ sở xã Cát Trù, Tình Cương (cũ) hiện vẫn bỏ không lãng phí cơ sở vật chất, đất đai… Qua quan sát của phóng viên, tại trụ sở Cát Trù (cũ) gạch, rác vứt la liệt trên lối lên tầng 2, cỏ mọc um tùm, hiên nhà và một số mục công trình đang bị rêu phong… Bong tróc, ẩm mốc, xập xệ, bàn ghế ngổn ngang, thiết bị hư hỏng là tình trạng chung của nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị tại đây mà phóng viên chúng tôi ghi nhận được. Cá biệt, trụ sở xã Thanh Nga, Sơn Nga và trạm Y tế xã Sơn Nga (cũ) (nay là thị trấn Cẩm Khê) cơ sở vật chất rất khang trang, đẹp hơn rất nhiều so với những xã khác nhưng vẫn trong tình trạng “im lìm”. Ông Nguyễn Văn Thế, 75 tuổi ở xã Sơn Nga (cũ) tâm sự: Tại nhiều cuộc họp thôn, bà con chúng tôi cũng có ý kiến mong muốn cấp có thẩm quyền nên xem xét, giải quyết để sớm đưa vào sử dụng khỏi lãng phí… |
Được biết, từ khi xã sáp nhập vào thị trấn Cẩm Khê đến nay, trụ sở xã Thanh Nga (cũ) chỉ để thỉnh thoảng tổ chức họp phụ nữ, chi bộ và tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ của thôn, không thì cũng chỉ bỏ hoang. Hơn nữa, cơ sở vật chất rất khang trang nhưng bị bỏ không sau khi sáp nhập xã khiến người dân rất xót xa.. Việc sáp nhập xã là chủ trương đúng đắn nhằm tinh giản bộ máy hành chính cồng kềnh, nâng cao hiệu quả hoạt động về quản lí nhà nước tại địa phương, cắt giảm chi phí ngân sách nhà nước về công tác cán bộ... Tuy nhiên, sau sáp nhập nhiều trụ sở làm việc đang bị bỏ hoang, chưa có kế hoạch sử dụng rất lãng phí ngân sách nhà nước. |
Tài sản phơi mưa, phơi nắng
Đối với huyện Thanh Thủy, sau khi ba xã Tu Vũ, Phượng Mao và Yến Mao sáp nhập thì chỉ sử dụng trụ sở xã Yến Mao (cũ) làm nơi hoạt động, còn trụ sở xã Tu Vũ (cũ) hiện đang bỏ hoang 2 dãy nhà 2 tầng khang trang và 1 dãy nhà cấp 4 từng là nơi làm việc của Công an xã. Riêng phần Hội trường UBND xã thì cán bộ khu mượn để tổ chức họp Chi bộ hằng tháng. Hơn nữa, trạm Y tế xã Tu Vũ (cũ) không sử dụng nhiều năm, các hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng, cỏ cây mọc um tùm từ ngoài cổng đi vào khuôn viên và leo lên hết lối hành lang. |
Bà Tạ Thị Điểm người dân xã Tu Vũ (cũ) bày tỏ: Cỏ chỉ được dọn sạch khi nào có đoàn giám sát, kiểm tra của cấp trên về, xong lại đâu vào đấy. Giá như địa phương để làm nơi sơ cứu, khám bệnh cho người dân thì tốt quá, không phải đi xa mỗi khi trái gió trở trời, hoặc có những vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn…”. Xã Trung Thịnh và Trung nghĩa (cũ), huyện Thanh Thủy sáp nhập thành xã Đồng Trung mới; trong đó có trụ sở xã Trung Nghĩa nằm im lìm nhiều năm qua, không ai ngó nghiêng. Năm 2020, xã Tứ Mỹ, Hùng Đô, Phương Thịnh của huyện Tam Nông sáp nhập thành xã Lam Sơn mới. Từ đó, trụ sở xã Tứ Mỹ (cũ) bị bỏ hoang, hoa lá rụng kín mặt sân. Đi sâu vào các phòng làm việc thì thấy Giấy khen, Bằng khen, kính vỡ vụn nằm la liệt trong phòng và lối ra hành lang. Mặc dù người dân rất nhiều lần phản ánh lên chính quyền sở tại nhưng đến nay, vẫn chưa có phương án tháo gỡ. Hay ở xã Tam Cường (cũ) nay là xã Vạn Xuân mới, huyện Tam Nông sau khi sáp nhập địa phương cũng đang bỏ hoang 1 trường Mầm Non và trạm Y tế xã. |
Những dãy nhà cũ, theo thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng, mục nát, hư hỏng và có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Đây là một trong số nhiều trụ sở cũ chưa có phương án xử lí. Hầu hết đây là những khu đất có vị trí đẹp, thuận lợi giao thông. Nhiều công trình trụ sở, hội trường, trạm y tế xã còn rất mới nhưng đều trong tình trạng “cửa đóng then cài”, vì không thuận tiện cho công chức và người dân. Thậm chí nhiều trụ sở xã vừa mới xây xong hoặc sắp xây xong với kinh phí hàng tỉ đồng nhưng buộc phải để không, chưa có phương án sử dụng, gây lãng phí lớn. |
Vấn đề này không chỉ gây lãng phí đất đai và cơ sở vật chất đã trang bị, mà còn tạo tâm lí bất an trong lòng người dân địa phương. Mong rằng các cấp chính quyền, cơ quan chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ, đưa trụ sở, trạm y tế các xã nêu trên sử dụng vào những mục đích phù hợp, tránh xảy ra nguy cơ xuống cấp không đáng có.. Phóng sự: Xuân Hiền |