“Mái ấm” D813
Nhịp sống văn hóa 04/05/2024 14:03
Các CCB D813 và người thân chụp ảnh lưu niệm |
Năm 1974, chiến trường miền Nam vẫn đang ở trong giai đoạn ác liệt. Thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh của cấp trên, ngày 16/8/1974 cả Tiểu đoàn 813 (gọi tắt là D813) hành quân vào Nam chiến đấu. Trong số hơn 700 cán bộ, chiến sĩ đã có 114 chiến sĩ được bổ sung về D10 Ban An ninh Khu V làm nhiệm vụ bảo vệ Khu ủy Khu V. Số cán bộ, chiến sĩ còn lại được bổ sung quân số cho Quân khu V và Bộ Quốc phòng. Như vậy, lực lượng D813 được trải khắp miền Trung và Tây Nguyên. Dù ở mỗi đơn vị và địa bàn công tác khác nhau nhưng các chiến sĩ D813 đều quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ. Vượt qua cảnh đói cơm, nhạt muối, ăn khoai, sắn, rau rừng, sốt rét ác tính, mưa lũ, ngủ rừng, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt với kẻ thù, lập nhiều chiến công.
Tặng Kỉ niệm chương cho cán bộ, chiến sĩ D813. Ảnh: Phú Lợi |
Ở Quảng Nam có một vùng rừng núi rộng lớn, hiểm trở là quê hương của đồng bào các dân tộc Kơ Tu, Ka Dong, Giẻ Triêng, Ko… nổi tiếng kiên cường bất khuất trong chống giặc ngoại xâm và son sắt thủy chung với cách mạng. Đây là căn cứ địa bất khả xâm phạm, là nơi đứng chân vững chắc của các cơ quan chỉ huy và chỉ đạo toàn Khu V trong suốt thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những tên sông, tên suối, tên núi, tên rừng như Nước Là, Tất Bỏ, Nước Trắng, Dốc Vượt, Dốc Voi, Nước Oa, Trà Nô, Trà My… mãi mãi còn gợi nhớ những cột mốc quyết định cuộc chiến chống Mỹ, Ngụy. Chưa bao giờ rừng núi lại gắn bó mật thiết máu thịt với đồng bằng và thành thị đến vậy. Những mệnh lệnh, chỉ thị đã được ban ra từ đây để biến thành những cuộc đấu tranh ngút trời của quần chúng. Mỹ - Ngụy có vũ khí hiện đại và quân lính thiện chiến, có tình báo, mật thám chỉ điểm, D813 và đồng đội đã dựa vào dân tạo ra những tình huống bất ngờ, táo bạo, luôn chủ động tiến công và chiến thắng quân thù; bảo vệ an toàn Khu ủy Khu V cho đến ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Song 20 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập dân tộc; một số bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin hoặc bệnh tật khác.
Mừng thọ cho thân nhân cán bộ, chiến sĩ D813. Ảnh: Phú Lợi |
Một vinh dự lớn lao là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã tham gia Chiến dịch giải phóng miền Nam mà mở đầu là Chiến dịch Tây Nguyên, góp phần cùng quân và dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975 lịch sử.
Ngay sau ngày đất nước sạch bóng quân thù, hầu hết cán bộ, chiến sĩ D813 được chuyển ngành về Công an 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, một số vẫn còn bám trụ trong quân đội, một số anh trở về nơi “chôn nhau, cắt rốn” mưu sinh. Dù ở cương vị nào, họ đều phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có nhiều người trưởng thành, trở thành cán bộ trung cao cấp và cán bộ chủ chốt của lực lượng vũ trang 2 tỉnh Bắc Tây Nguyên. Những tấm Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen là bằng chứng sống cho những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của các anh ở chiến trường cũng như thời kì xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Khuyến học, khuyến tài cho con, cháu cán bộ, chiến sĩ D813. Ảnh: Phú Lợi |
Năm 1995, các cựu chiến binh D813 cùng nhau thành lập “Mái ấm 813”, chung sức gánh vác việc thiện; nhường cơm, sẻ áo, tay cày, tay cuốc, đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên các điền trang, cửa hàng buôn bán hay kinh doanh bất động sản, làm doanh nhân… phát triển kinh tế, đưa gia đình nhập vào hàng ngũ triệu phú, tỉ phú Việt Nam. Họ sẻ chia với nhau từng cân đường hộp sữa, từng món quà nghĩa tình khi ốm đau hoạn nạn, phúng viếng tiễn đưa người thân qua đời… Khen thưởng con em đồng đội học giỏi và bước vào giảng đường đại học. Trong suốt nửa thế kỉ gắn bó, các CCB đã tặng quà tết nguyên đán cho 40 thành viên, mừng thọ cho 80 lượt thành viên, thưởng cho 10 học sinh giỏi các cấp, hỗ trợ tiền tàu xe cho 72 lượt tân sinh viên nhập học vào các trường cao đẳng, đại học; mừng đám cưới 100 con em đồng đội; thăm ốm đau 300 trường hợp, quyên góp tiền cho một gia đình bị tai nạn giao thông nghiêm trọng…
Không chỉ chiến thắng giặc ngoại xâm, các CCB D813 vượt khó vươn lên chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Đồng thời làm tốt công tác tình nghĩa đối với đồng đội và gia đình, nêu gương để con, cháu, thế hệ trẻ học tập, làm theo, tiếp bước cha ông viết thêm trang sử mới, xây dựng đất nước giàu đẹp và văn minh.