Từng bừng khai mạc Lễ hội Phủ Đại năm 2024
Nhịp sống văn hóa 18/04/2024 13:13
Nghinh môn quan |
Phủ Đại là một trong 3 cụm di tích lịch sử văn hóa như chùa Gũ, chùa Qủa có giá trị lịch sử văn hóa lâu đời nhằm góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lưu giữ.
Phủ Đại thời Nguyễn thuộc tổng Đông Yên, Phủ Hà Trung, nay là thôn Đại Sơn, xã Lĩnh Toại - Hà Trung - Thanh Hóa. Đây là nơi thờ Thành Mẫu Liễu Hạnh và Đức ông Trần Quốc Tuấn ( Trần Hưng Đạo). Về tên gọi di tích, từ xưa đến nay nhân dân quen gọi là Phủ Đại. Bởi vì Phủ là thờ Mẫu, còn Đại là tên làng Đại Phú, nhưng ở địa phương cũng có người gọi là nghè đại. Vì vậy tên Phủ Đại hay Nghè Đại đều là cách gọi của làng, nhân dân làng Đại Phú từ trước tới nay. Làng Đại Phú nay thuộc thôn Đại Sơn, xã Lĩnh Toại.
Nghi thức tế lễ |
Truyền thuyết kể rằng vào năm 1556, có một nàng tiên tên là Quỳnh Nương ở trên trời phạm lỗi làm vỡ chén ngọc của vua cha Ngọc Hoàng, bị đầy xuống trần gian đầu thai vào nhà họ Lê Thái Công ở làng Vân Cát. Tiên nữ ba lần giáng trần, nàng có phép thần thông quảng đại biến hóa khôn lường dẹp ác trừ gian, cứu khổ cứu nạn, công trạng của bà được nhân dân tôn phong là “ Mẫu nghi thiên hạ”. Mẫu Liễu Hạnh được vua Huyền Tông phong là “ Chế thắng hòa đại vương thượng đẳng tối linh thần mã hoàng công chúa” là vị thần tối cao nhất. Mẫu Liễu Hạnh là hình ảnh nhân dân sáng tạo trở thành bốn vị thần trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân tộc.
Đại biểu tham dự lễ hội |
Phủ Đại mang tính phổ biến như bao đền phủ khác, là nơi thờ Tứ phủ gồm: Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Thiên, Mẫu Thượng Ngàn. Tứ phủ biểu trưng của trời, đất, nước, cây rừng, núi non, là môi trường sống của con người. Đó là ý nghĩa tích cực mang tính vĩnh hằng của tư tưởng về môi trường, sự sống thông qua hình tượng người Mẹ được tôn thờ.
Rước kiệu trên sông |
Vào thế kỷ XVI, cùng với việc nảy sinh Đạo Nội hay Đạo Giáo dân gian Việt Nam, với đức Thánh Trần được du nhập vào thần địa của mẫu trở thành tục lệ ở các đền Mẫu thờ Trần Hưng Đạo là “ Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”. Khi Phủ Đại được xây dựng thì cả hai vị thần đều được thờ ở đây với hai công trình kiến trúc tổng thể là Đền Mẫu và Đền Đức Ông. Vì vậy Phủ Đại là một di tích có giá trị nghiên cứu trên nhiều phương diện.
Nghi thức rước lễ |
Lễ hội Phủ Đại được tổ chức 2 ngày 9-10/3 âm lịch hàng năm, vào ngày 9 tổ chức khai mạc lễ hội và lễ rước nước. Lễ rước nước được tổ chức theo nghi thức lấy nước từ sông Lèn, con sông chảy qua Phủ Đại để dâng lên tế nữ thần. Đoàn rước gồm 2 thuyền chính được trang trí ô lộng, cờ lễ hội. Đoàn rước đi khi nước sông dâng, từ Phủ Đại lên đầu nguồn sông, đến cuối địa phận sông Lèn chảy qua xã trong tiếng trống chiêng rộn ràng, rồi làm lễ xin nước. Khi nước được đoàn rước về sẽ được đội tế lễ dâng lên bàn thờ nữ thần trong Phủ. Đội tế gồm chủ tế và các quan viên tế phải là những người phụ nữ khỏe mạnh, có gia cảnh phong quang, vợ chồng song toàn, con cái đề huề.
Du khách thập phương về dự |
Sáng 10/3 lễ hội tổ chức lễ rước bóng. Đội nghi lễ khiêng kiệu gồm 12 người, là những nam thanh nữ tú trong làng. Lễ rước bóng được tổ chức từ sáng sớm khi mặt trời lên, bắt đầu đi từ Phủ Đại đến đầu đỉnh núi Voi, sau đó quay về Chùa Hoa Dương (Chùa Gũ) rồi rước về Phủ tế lễ. Lễ hội Phủ Đại là nơi hội tụ của người dân, là nơi con người thực hiện tính thân thiện, tìm được giá trị truyền thống, giá trị cộng đồng. Lễ hội trở thành nơi tập trung tư tưởng, tâm lý của nhân dân trong xã lòng thành kính với bậc có công với nước, cộng đồng, nguyện vọng về một cuộc sống thái bình, thịnh vượng.