Vấn đề già hóa dân số của một số nước trên thế giới - Khuyến cáo với Việt Nam
Nghiên cứu - Trao đổi 18/04/2024 07:45
1. Già hóa dân số là một trong những vấn đề lớn trong thế kỉ XXI
Dân số thế giới đã vượt mốc 8 tỉ người và được dự báo sẽ đạt 9 tỉ người trong vòng 15 năm tới. Cùng với đó, số người già trên thế giới sẽ tăng với tốc độ nhanh chưa từng thấy (1) - tờ từ Liên Hợp Quốc cho hay.
Trong một báo cáo công bố vào đầu năm 2023, Ủy ban Các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên Hợp Quốc xác định “già hóa dân số” là một xu hướng mang tính toàn cầu. Con người sống lâu hơn nhờ những bước tiến vượt bậc về y tế, điều trị y khoa, tiếp cận giáo dục và giảm tỉ lệ sinh. Ước tính thế giới hiện có trên 761 triệu người từ 65 tuổi trở lên, con số này dự kiến tăng lên 1,6 tỉ người vào năm 2050. Số người từ 80 tuổi trở lên trên thế giới cũng tăng nhanh chóng.
Phó Chủ tịch Phan Văn Hùng trao Giấy chứng nhận tôn vinh NCT làm kinh tế giỏi tỉnh Kiên Giang |
Tỉ lệ sinh toàn cầu đã giảm hơn một nửa từ thập niên 1950 đến nay, còn 2,3 con/phụ nữ. Tỉ lệ tử cũng giảm, dẫn tới số người từ 65 tuổi trở lên được dự báo sẽ tăng từ mức 783 triệu người vào năm 2022 lên mức 1 tỉ người vào năm 2030 và 1,4 tỉ người vào năm 2043 - theo Liên Hợp Quốc. Chỉ mất 20 năm từ năm 2022 đến 2043 để dân số từ 65 tuổi trở lên của thế giới tăng thêm 623 triệu người từ mức hiện nay. Trong khi đó, phải mất 70 năm đến số người trong độ tuổi đó tăng 651 triệu người lên mức hiện tại.
Tổng dân số toàn cầu được dự báo sẽ đạt đỉnh 10,4 tỉ người vào thập niên 2080. Ngược lại, số người dưới 15 tuổi được dự báo đã đạt đỉnh vào năm ngoái ở mức 2 tỉ người. Tỉ lệ người từ 15-64 tuổi, vốn được coi là độ tuổi lao động, đang giảm xuống.
Từ năm 1950 đến nay, tuổi trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 8 tuổi, lên mức 30 tuổi. Theo dự báo, đến năm 2050, tuổi trung bình toàn cầu sẽ tăng lên 36 tuổi. Ở khu vực Đông Á và Nam Âu, con số này thậm chí vượt 50 tuổi. Đông Á và Đông Nam Á được dự báo sẽ có số người từ 65 tuổi trở lên tăng nhiều nhất thế giới trong thời gian từ nay đến năm 2050, chiếm hơn 1/3 tổng số tăng thêm trên toàn cầu - theo Liên Hợp Quốc.
Lão hóa dân số là “một thắng lợi của các nỗ lực phát triển”(2). Người dân trên toàn cầu đang sống lâu hơn vì dinh dưỡng cải thiện, các tiến bộ y khoa, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tiến bộ kinh tế, ông Meiners nói. Lão hóa dân số, “là thay đổi quan trọng nhất của dân số toàn cầu trong thế kỉ này”(3).
2. Thách thức của quá trình già hóa dân số
Cũng như biến đổi khí hậu, thay đổi nhân khẩu học trên thế giới hiện nay là chưa từng có và đang tác động đến cách chúng ta sống, học tập, làm việc và tất cả các khía cạnh của cuộc sống con người. Những thành tựu trong y học và cải thiện đời sống đã và đang kéo dài tuổi thọ của mọi người dân; đồng thời tỉ lệ sinh nhiều quốc gia suy giảm, khiến cho dân số thế giới đang già đi, số người trên 60 tuổi ngày càng nhiều hơn số người dưới 5 tuổi. Một số quốc gia đã có tỉ lệ người trên 60 tuổi chiếm trên 40% dân số. Giảm tỉ lệ sinh, ít con, gia đình nhỏ, di cư đang làm trầm trọng thêm quá trình già hóa dân số của một số quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo số liệu thống kê, NCT châu Á chiếm 60% tổng số NCT trên toàn thế giới.
Từ năm 1986 đến năm 2014, tỉ lệ NCT sống với người trẻ giảm từ 77% xuống còn 55%. Tỉ lệ NCT sống một mình tăng, xuất hiện nhiều hơn các cụm từ: “NCT cô đơn”, “NCT mồ côi”. Ngày càng có nhiều NCT không có người thân, họ hàng ruột thịt, cần hỗ trợ cả về tài chính và chăm sóc sức khỏe dài hạn.
Dân số toàn cầu già đi đồng nghĩa nhu cầu an sinh xã hội với NCT ngày càng tăng. Trong khi, thực tế chi tiêu công ở hầu hết các quốc gia không đủ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng tăng ở nhóm NCT.
Nếu không có thêm hành động chính sách, từ hỗ trợ chăm sóc trẻ nhỏ cho tới hỗ trợ y tế, sự suy giảm của tỉ trọng dân số trong độ tuổi lao động tại các nền kinh tế phát triển “được dự báo sẽ kéo tụt tăng trưởng và mức sống” - chuyên gia kinh tế Shruti Singh tại Trung tâm Cơ hội bình đẳng của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) phát biểu.
Dân số già nhanh đồng nghĩa với việc có ít người trong độ tuổi lao động hơn trong nền kinh tế. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn về nguồn nhân lực.
Do ảnh hưởng của già hóa dân số, câu chuyện thần kì của Nhật Bản từ 1960 đến 1995 đã chấm dứt. Từ năm 1996 đến năm 2022, GDP bình quân đầu người đã giảm từ 44.200 USD xuống còn 32.800 USD, bằng 74% năm 1995, thu ngân sách của quốc gia đã liên tục giảm.
Đang có một xu thế đảo ngược ở Hàn Quốc, đó là số lượng cơ sở chăm sóc trẻ em ở nước này giảm còn cơ sở dành cho NCT lại tăng. Theo thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, trong năm 2017, có hơn 40.000 cơ sở chăm sóc trẻ em nhưng tính đến cuối năm ngoái, con số đó đã giảm xuống còn khoảng 30.900 cơ sở. Trong khi đó, trong bối cảnh dân số già đi nhanh chóng, số lượng cơ sở chăm sóc NCT đã tăng vọt từ 76.000 vào năm 2017 lên 89.643 vào năm 2022. Hãng thông tấn Yonhap cũng dẫn số liệu từ Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy, nhiều trường tiểu học, THCS và THPT trên cả nước phải đóng cửa do thiếu trẻ em trong độ tuổi đến trường.
Ông Holdin nói thêm rằng, hệ thống y tế của các quốc gia cũng cần dịch chuyển trọng tâm để phát hiện và ngăn chặn sớm hơn, nếu không “chúng ta sẽ không thể đủ khả năng để trang trải cho bất kì thứ gì”. Phản ứng với dân số lão hóa, nhiều quốc gia đã bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu lên trên 65 tuổi.
NCT ở nhiều nơi trên thế giới còn bị kì thị, phân biệt đối xử và bạo lực gia đình. Một số cộng đồng, xã hội, thậm chí cả một số chính quyền một số địa phương cho rằng, NCT già yếu, lạc hậu, không có khả năng học tập, lao động, gánh nặng và rủi ro…
Bên cạnh đó, có một thực tế đáng buồn khác là NCT, nhất là phụ nữ lớn tuổi, có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Sự gia tăng nhanh chóng của dân số cao tuổi đặt gánh nặng chăm sóc lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình, gây ra trạng thái căng thẳng và mức độ căng thẳng có thể biểu hiện ở hành vi ngược đãi NCT.
Phó Chủ tịch Phan Văn Hùng tiếp Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế |
3. Kinh nghiệm ứng phó với vấn đề già hóa dân số của một số quốc gia
- Nhật bản
Nhật Bản là quốc gia có tỉ lệ NCT cao nhất thế giới, tỉ lệ người dân trong độ tuổi trên 65 chiếm tới gần 30% dân số với 36,23 triệu người. Tỉ lệ này ở châu Âu là 20%, cao gấp đôi mức bình quân toàn cầu và cao nhất trong số các châu lục. Số liệu công bố mới nhất của Bộ Nội vụ Nhật Bản cho thấy, số người trong độ tuổi trên 75 ở nước này lần đầu tiên vượt mốc trên 20 triệu người. Số người từ 80 tuổi trở lên ở Xứ sở Mặt trời mọc có khoảng 12,59 triệu người. Đây là lần đầu tiên tỉ lệ người trên 80 tuổi ở nước này vượt ngưỡng 10% trong tổng dân số. Trong khi đó, tỉ lệ sinh ở Nhật Bản tiếp tục giảm trong nhiều năm qua. Tại một ngôi làng ở miền Trung Nhật Bản, thậm chí chỉ có một em bé được sinh ra trong vòng 25 năm. Đây được coi là một “phép màu” đối với những NCT ở trong làng.
Gần đây, các nhà khoa học Nhật Bản và thế giới đã nghiên cứu, đưa ra dự báo về nguy cơ tự tiêu vong của người Nhật Bản. Các nghiên cứu đã dự báo rằng: Dân số Nhật Bản sẽ giảm từ 120 triệu người còn 10 triệu người sau 200 năm, và còn 1 triệu người sau 300 năm. Nguyên nhân do tổng tỉ suất sinh của Nhật Bản thấp dưới mức tỉ suất sinh thay thế kéo dài trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục thấp trong thời gian tới. Để ứng phó với vấn đề già hóa dân số, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các sáng kiến:
Trợ cấp tiền cho nuôi trẻ từ lúc sinh đến lúc học hết THCS từ 100 USD đến 150 USD/tháng.
Chính phủ cho xây dựng thêm các nhà trẻ và khuyến khích các doanh nghiệp có môi trường làm việc thân thiện với gia đình.
Thực hiện chế độ nghỉ nuôi con và được trả 50% mức lương trước khi nghỉ. Để hỗ trợ nam, nữ cân bằng giữa công việc ở công sở và việc gia đình, Nhật Bản áp dụng chế độ nghỉ chăm sóc con nhỏ dành cho cả nam lẫn nữ. Trong đó, nữ có thể nghỉ trước khi sinh 8 tuần, cả nam và nữ đều có thể nghỉ phép sau sinh 1 năm, được hưởng 67% lương. Nhật Bản đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ nam giới nghỉ phép để nuôi con nhỏ sẽ đạt 30%. Ngoài ra, Nhật Bản còn thực hiện các chương trình hỗ trợ chăm sóc trẻ nhỏ, hỗ trợ về kinh tế cho các gia đình có nhiều con…
Tuy nhiên, các nghiên cứu thời gian qua cho thấy các chính sách này không thay đổi được tình hình. Theo GS. Noriko O.Tsuya “Mặc dù có các chương trình của Chính phủ, chính sách gia đình của Nhật Bản đã thể hiện về tổng thể là không hiệu quả”. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc NCT, thời gian vừa qua, Nhật Bản xây dựng rất nhiều cơ sở dưỡng lão, trợ giúp xã hội tập trung. Hậu quả là hiện nay, các cơ sở dưỡng lão, trợ giúp NCT ở Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu nhân viên làm việc, cần phải tuyển dụng lao động nước ngoài (Việt Nam, Philippines…).
Tình trạng lão hóa dân số, thiếu lao động đã và đang ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, lực lượng lao động giảm cũng khiến thị trường nội địa bị thu hẹp, sức hấp dẫn đầu tư giảm. Tiềm năng tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực kinh tế cũng giảm sút theo. Điều đó đã và đang đặt ra bài toán về “tăng trưởng kinh tế” của Nhật Bản trong những năm tiếp theo.
Đối với vấn đề “phúc lợi xã hội”, theo một báo cáo của Chính phủ Nhật Bản công bố vào tháng 6/2019 đã thừa nhận, hệ thống lương hưu công cộng của nước này sẽ quá tải và không thể bảo đảm mức sống ổn định cho người dân nếu số người già tiếp tục gia tăng. Chi phí an sinh xã hội, trong đó phần lớn dành cho NCT, chiếm tới 1/3 ngân sách đã chi của Chính phủ Nhật Bản trong năm tài khóa 2018.
Để thực hiện chính sách an sinh xã hội và bảo đảm nguồn lao động trong bối cảnh dân số giảm, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực bảo đảm cơ hội việc làm cho những NCT có nguyện vọng tiếp tục làm việc. Vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật kêu gọi các doanh nghiệp cho phép người lao động làm việc đến 70 tuổi. Dự luật này có hiệu lực từ tháng 4/2021. Trên thực tế, số NCT có việc làm tại Nhật Bản đã kéo dài từ năm 2004. Tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản có việc làm đạt 25,1%, cao thứ 2 trong số các nền kinh tế lớn.
- Hàn Quốc
Hàn Quốc trở thành nước dân số già từ năm 2017 khi tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên vượt 14% dân số. Quốc gia này được dự đoán sẽ trở nên “siêu già” vào năm 2025 khi tỉ lệ NCT chiếm 20%. Tuổi thọ trung bình của người Hàn Quốc là 86 tuổi trong năm 2021, cao hơn so với 72 tuổi năm 1991(4).
Tại Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á cũng đang lâm vào cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng sâu sắc sau khi dữ liệu mới cho thấy số trẻ sinh ra trong năm 2022 ở mức thấp kỉ lục. Theo số liệu mà Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 22/2/2023, chỉ có 249.000 trẻ được sinh ra vào năm 2022, giảm 4,4% so với năm 2021 và là năm thứ ba liên tiếp số ca tử vong vượt quá số ca sinh.
Vào tháng 9/2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, Chính phủ nước này đã chi hơn 200 tỉ USD để cố gắng tăng dân số trong 16 năm qua. Nhưng cho đến nay tỉ lệ sinh ở nước này vẫn chưa được cải thiện và những tác động từ tình trạng già hóa dân số ngày càng rõ rệt trong kết cấu xã hội và cuộc sống hằng ngày.
Lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc ghi nhận số lao động trên 60 tuổi đông hơn nhóm trong độ tuổi 20. Theo đó, tính đến hết quý 4/2022, Hàn Quốc có 3,38 triệu người trên 60 tuổi có việc làm (tăng 284.000) trong khi chỉ có 3,2 triệu người trong độ tuổi 20 được tuyển dụng (giảm 36.000), đưa tỉ lệ người lao động trên 60 tuổi lên 16,5%, so với 15,8% ở những người trong độ tuổi 20. Nguyên nhân chính là ngày nay, số NCT đông hơn người trẻ. NCT chiếm khoảng 25% dân số Hàn Quốc, còn người trong độ tuổi 20 chiếm khoảng 13% (5).
Theo báo cáo công bố ngày 4/6 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cứ 10 NCT Hàn Quốc, có hơn 3 người nhận các công việc lương thấp sau khi nghỉ hưu để giúp trang trải chi phí. Lương tháng trung bình của người trên 68 tuổi là 1,8 triệu won (hơn 32 triệu đồng) vào năm 2022, thấp hơn so với 3,11 triệu won (gần 56 triệu đồng) của người 58 tuổi. Báo cáo của OECD chỉ ra khoảng 25% người ở độ tuổi 70 vẫn đi làm. Trung bình họ kiếm được khoảng 1,39 triệu won (25 triệu đồng) mỗi tháng.
- Trung Quốc
Tại Trung Quốc, lần đầu tiên sau hơn 60 năm, quốc gia với hơn 1,4 tỉ người chứng kiến sự sụt giảm dân số trong năm 2022, mở màn giai đoạn khủng hoảng dân số cho quốc gia vốn dựa vào nguồn nhân lực đông đảo cho phát triển kinh tế. Nhằm cải thiện tình trạng dân số già, vào năm 2016, Trung Quốc đã bỏ chính sách một con và cho phép mỗi gia đình có 2 con, do lo ngại tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động. Đến tháng 5/2021, Trung Quốc cho phép mỗi gia đình có tối đa 3 con và 2 tháng sau đó dỡ bỏ mọi giới hạn. Tuy nhiên, cơ cấu dân số vẫn chưa thay đổi khiến chính quyền nhiều địa phương tìm cách để thúc đẩy tỉ lệ sinh.
Phó Chủ tịch Phan Văn Hùng thưởng thức sản phẩm sạch của NCT làm kinh tế giỏi tiêu biểu tỉnh Lạng Sơn |
Mới đây, Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn yêu cầu tất cả các tỉnh thực hiện theo danh sách các dịch vụ chăm sóc NCT cơ bản, dựa trên các yếu tố như mức độ phát triển kinh tế - xã hội và tình hình tài chính. Các dịch vụ bao gồm hỗ trợ vật chất, điều dưỡng và chăm sóc. Các tỉnh phải cung cấp dịch vụ thăm nom và chăm sóc người già neo đơn và các gia đình gặp khó khăn về tài chính.
Thực tế cho thấy, các nhà dưỡng lão đắt đỏ nằm ngoài tầm với của nhiều người già, trong khi các cơ sở chăm sóc công cộng thường không phù hợp với điều kiện sống, để lại một khoảng trống trên thị trường về nơi ở dành cho người về hưu chất lượng với giá cả phải chăng. Tân Hoa Xã cho biết, các cơ sở chăm sóc NCT mới được xây dựng sẽ thực hiện theo tiêu chuẩn của chính phủ, trong khi các cơ sở cũ sẽ được cải tạo để mang lại môi trường an toàn, thuận tiện và thoải mái.
- Thái Lan
Thái Lan đã bước vào giai đoạn dân số già vào năm 2022, khi 14,15% dân số là người từ 65 tuổi trở lên(6). Chính sách của chính phủ Thái Lan là thúc đẩy già hóa tích cực và mang lại lợi ích nhằm giúp NCT có chất lượng cuộc sống tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Một trong những giải pháp nhằm đạt mục đích đó là tạo việc làm cho NCT, giữ NCT trong lực lượng lao động càng lâu càng tốt. Tạo các nghề cho NCT và tuyển dụng NCT làm việc là một cơ chế quan trọng của chính sách này. Việc có thêm thu nhập từ việc làm giúp NCT có đủ thu nhập sau tuổi nghỉ hưu và về lâu dài là giúp giảm gánh nặng ngân sách của chính phủ về phúc lợi tuổi già. Và quan trọng nhất là, việc làm cho NCT sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động ở một số ngành nghề. Có việc làm và thu nhập cũng giúp NCT không bị phụ thuộc và tăng tính tự trọng của họ. Hiện nay, có thể thấy ở Thái Lan có rất nhiều NCT đang làm việc - theo lựa chọn của mình - ở các ngành nghề trong lĩnh vực thương mại, lao động được trả công và nông nghiệp.
Một khảo sát trên 9.408 NCT năm 2022 cho thấy 76% NCT Thái Lan muốn có việc tự làm, 15% muốn công việc chuyên trách, và 9% làm việc gì cũng được (với cả 2 phương án trên). Do vậy, Bộ Lao động Thái Lan đã tạo ra các công việc dành cho NCT như một nỗ lực nhằm giảm bất bình đẳng xã hội và giải quyết vấn đề già hóa dân số ở đất nước. Vụ Việc làm đã được giao nhiệm vụ tìm kiếm việc làm cho người sau tuổi về hưu. Cho đến nay, đã có 5 nghề chính dành cho NCT trong đó phần lớn là các nghề xanh hơn như công nhân sản xuất, nhân viên buồng phòng, nhân viên bảo vệ, cán bộ hướng dẫn, và lái xe. Năm 2019, Bộ Lao động Thái Lan đã kí một Biên bản Ghi nhớ (MOU) về Thúc đẩy việc làm cho NCT với 12 công ty tư nhân, với 23 cơ quan việc làm, nhằm đưa NCT đáp ứng yêu cầu vào hệ thống lao động chính thức. Năm 2021, báo cáo về tình hình NCT Thái Lan đã nêu tên các công ty thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã tuyển NCT, như Trung tâm Sách SE-ED, IKEA, Big C, Grab car… Thái Lan cũng áp dụng chính sách thuế nhằm khích lệ việc tuyển dụng NCT. Các đơn vị tuyển dụng NCT (từ 60 tuổi trở lên) được quyền giảm con số chi phí lên đến 2 lần so với số họ đã thực trả cho việc thuê NCT. Quỹ vốn vay giải quyết việc làm cho NCT đã cung cấp vốn vay cho NCT có nhu cầu vay, trực tiếp cho cá nhân, hoặc qua nhóm.
Để thúc đẩy học tập suốt đời cho người dân, trong đó có NCT, Thái Lan đã phát triển các Trung tâm học tập cộng đồng. Vào năm 2021, toàn quốc có 8.577 trung tâm. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục đã hợp tác với Hội Công dân cao tuổi mở các trường học cho NCT và trong năm 2018 đã có hơn 1.000 trường học được mở, trong đó có các khóa học về nghề nghiệp cho NCT.
Hội Công dân cao tuổi Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong giúp NCT tiếp cận với các hoạt động tăng thu nhập thông qua cung cấp vốn vay, hỗ trợ việc làm, dạy nghề… thông qua hơn 30.000 các CLB NCT (vào thời điểm năm 2020).
- Singapore
Singapore đã trở thành nước có dân số già từ năm 2017. Theo báo cáo Tóm tắt về Dân số do Cơ quan Nhân tài và Dân số Quốc gia Singapore (NPTD) công bố ngày 29/9/2023, tính đến tháng 6/2023, những người từ 65 tuổi trở lên tại nước này chiếm 19,1% tổng dân số, cao hơn so với tỉ lệ 11,7% vào năm 2013. Đây là mức già hóa dân số cao nhất trong lịch sử của Singapore. Báo cáo cho thấy số dân từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh hơn so với thập kỉ trước. Dự kiến Singapore trở thành nước có dân số siêu già vào năm 2026.
Tỉ lệ sinh thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến già hóa dân số ở Singapore. Theo báo cáo, Singapore ghi nhận 30.429 trẻ sơ sinh vào năm 2022, giảm 4% so với con số 31.713 trẻ vào năm 2021. Tổng tỉ suất sinh ở mức thấp nhất trong lịch sử là 1,04 vào năm 2022. Để đối phó với những thách thức này, Chính phủ Singapore đã triển khai nhiều chính sách, bao gồm khuyến khích sinh đẻ, thu hút lao động nước ngoài và cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích người dân sinh đẻ, Chính phủ Singapore cũng đã tăng các khoản hỗ trợ cho gia đình và phụ nữ mang thai. Chính phủ cũng đã triển khai các chương trình giáo dục giới tính và hôn nhân nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sinh con.
Già hóa dân số ảnh hưởng sự bền vững của hệ thống phúc lợi xã hội, tạo áp lực lên hệ thống y tế, dẫn đến thiếu hụt lao động. Nhằm thích ứng tình trạng già hóa dân số, Chính phủ Singapore đã sớm hoạch định các chính sách về cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe, tăng dần tuổi nghỉ hưu, quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế. Sau khi đã nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 63, Singapore tiếp tục lộ trình nâng độ tuổi nghỉ hưu lên 65 vào năm 2030. Singapore cũng sẽ nâng độ tuổi lao động của NCT có đủ điều kiện và mong muốn tiếp tục làm việc từ 68 hiện nay lên 70 vào năm 2030. Các chính sách này sẽ góp phần cải thiện tình trạng thiếu hụt lao động, đồng thời tạo cơ hội để NCT tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Singapore. Để thu hút lao động nước ngoài, Singapore đã nới lỏng các quy định về nhập cư. Chính phủ cũng đã triển khai các chính sách đào tạo và phát triển lao động nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chương trình trợ cấp mua nhà để các thế hệ trong một gia đình được sống cùng hoặc gần nhau cũng là một trong những sáng kiến được áp dụng. Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nhận định, Queenstown cho thấy phần nào những thành quả mà các sáng kiến này có thể đem lại cho NCT trên cả nước trong tương lai. Singapore đang tăng cường các biện pháp nhằm chuẩn bị cho một xã hội siêu già. Với mục tiêu tiếp cận hơn nửa triệu người từ 50 tuổi trở lên, chương trình Live Well, Age Well đang được triển khai nhằm hỗ trợ người dân tự chăm sóc sức khỏe, tiếp tục đóng góp cho xã hội và duy trì kết nối với gia đình, cộng đồng.