Cựu chiến binh làm giàu từ trồng tiêu hữu cơ
NCT làm kinh tế giỏi 04/09/2024 10:27
Nhắc tới trồng hồ tiêu, người dân xã Kim Thạch liền nhắc tới CCB Hoàng Hồng Sơn. Bởi ông có sáng kiến tìm cây ngúc ngác rừng thay cây choái làm trụ tiêu, giúp họ tiết kiệm được tiền đầu tư lớn. Ông Sơn cho hay, việc canh tác cây hồ tiêu đòi hỏi phải trồng trụ tiêu, đa số người dân trồng hồ tiêu tại huyện Vĩnh Linh sử dụng cây mớc để làm trụ tiêu. Diện tích trồng hồ tiêu trong huyện ngày càng phát triển, với 1.300ha hồ tiêu, cần khoảng 182.000 trụ choái mớc. Theo ông Sơn, để trồng 1ha tiêu phải cần 1.500 cây choái. Với mỗi cây choái có giá 300 nghìn đồng, tương đương người dân cần khoảng 500-600 triệu đồng đầu tư cho 1ha trồng tiêu. Trong khi đó, chỉ mất chừng 10 nghìn đồng/cây ngúc ngác rừng để làm trụ cho cây tiêu. 1 ha hồ tiêu với 1.500 cây ngúc ngác chỉ mất 15 triệu đồng.
Ông Hoàng Hồng Sơn chăm sóc vườn tiêu. |
“Tôi mang cây ngúc ngác từ Tây Nguyên về, ươm cây bán cho bà con. Đến nay cả 100ha trồng tiêu của huyện Vĩnh Linh đều sử dụng trụ tiêu là cây ngúc ngác rừng. Giảm giá thành trụ cây tiêu, khi giá hồ tiêu có xuống thấp (dưới 100.000đ/kg), người nông dân vẫn không bị thua lỗ, góp phần ổn định phát triển kinh tế, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững cho người trồng tiêu”, ông Sơn tự hào nói.
Không dừng ở đó, ông Sơn còn có sáng kiến ủ phân hữu cơ để có được tiêu sạch. Ông bảo, trước đây bà con toàn phun thuốc trừ sâu cho cây tiêu, nhưng cây dễ chết, ô nhiễm môi trường. Việc ủ phân chuồng hoại mục với nấm vi sinh, ủ bằng các chế phẩm sinh học để bón cho cây sinh trưởng nên không bị sâu bệnh. Năm 2022, với 2 ha tiêu, gia đình ông Sơn thu hoạch được 8 tấn, trừ hết chi phí, gia đình ông lãi 1,2- 1,5 tỉ đồng. Gia đình ông vừa đầu tư máy móc để sấy tiêu và máy đóng gói bao bì hơn 5 tỉ đồng. Sau khi áp dụng thành công và kiên trì làm theo phương pháp của mình cho mùa vụ tốt hơn các vụ trước, ông đã mang kinh nghiệm của mình chia sẻ với bà con.
Từ ngày trồng tiêu hữu cơ, chủ vườn và người làm công không chịu ảnh hưởng bởi các loại hóa chất độc hại, đất đai giữ được độ màu mỡ, không bị thoái hóa. Lợi ích kinh tế nhờ trồng tiêu hữu cơ cao hơn so với cách trồng truyền thống. Tuy nhiên, trồng tiêu hữu cơ vất vả hơn nhiều so với sản xuất truyền thống. “Khi chuyển sang trồng hữu cơ, công sức bỏ ra nhiều hơn, năng suất thấp hơn nhưng giá lại ổn định hơn. Thời gian lưu gốc của hồ tiêu hữu cơ thường dài gấp 2 so với cây hồ tiêu được trồng theo phương thức truyền thống. Trồng tiêu hữu cơ đem lại nhiều lợi ích thiết thực, nên vài năm lại đây, các hộ dân tại huyện Vĩnh Linh, Gio Linh đang đi theo hướng sản xuất này. Toàn bộ sản phẩm tiêu ở Vĩnh Linh đều được các hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu”, ông Sơn cho hay.
Cuối năm 2022, Câu lạc bộ CCB phát triển kinh tế của huyện Vĩnh Linh được thành lập, ông Sơn lại được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB của xã. Tâm huyết, nhiệt tình, tự tin và ý chí vươn lên, ông Hoàng Hồng Sơn đã, đang giúp cho những CCB trong xã, trong huyện phát triển kinh tế gia đình, kinh tế quê hương, góp phần xây dựng Hội CCB xã Kim Thạch là ngọn cờ đầu về phát triển kinh tế ở địa phương.