Phụ nữ cao tuổi người Tày làm kinh tế giỏi
NCT làm kinh tế giỏi 26/06/2024 10:53
Từ ngày Cửa khẩu Hoành Mô (Cửa khẩu giáp biên giới với Trung Quốc tại huyện Bình Liêu) được mở lại, bà Lan cùng chồng làm nghề buôn bán qua cửa khẩu các mặt hàng Nhà nước cho phép. Ban đầu buôn bán rất thuận lợi, gia đình bà có của ăn, của để. Nhưng về sau do thị trường cũng như chính sách của nước bạn thay đổi, việc buôn bán gặp nhiều khó khăn, gia đình bà suýt bị phá sản.
Không cam chịu thất bại, vợ chồng bà quyết định tìm hướng phát triển kinh tế. Nhận thấy địa bàn Bình Liêu đất đai nhiều, do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, khách du lịch đến tham quan ngày càng đông, nhận thức của người dân địa phương có nhiều thay đổi về cách tổ chức, giao tiếp trong cuộc sống cũng như nhu cầu đời sống tinh thần của người dân ngày một được nâng lên, vợ chồng bà quyết định phát triển trồng rừng kết hợp với chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm với làm du lịch.
Bà Trần Thị Lan (ngoài cùng bên phải) vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh. |
Vợ chồng bà đã vay vốn ngân hàng đầu tư thuê lại và tu sửa Nhà nghỉ Bình Sơn, trước đây vốn là nhà nghỉ công thuộc huyện quản lí ở thị trấn Bình Liêu. Khi ấy, du lịch ở Bình Liêu vẫn còn manh mún, có rất ít nhà nghỉ, khách sạn, nhận thấy tiềm năng du lịch Bình Liêu sẽ phát triển tốt, vợ chồng bà Lan đã mạnh dạn xây dựng thêm 2 cơ sở ở thôn Cửa Khẩu, xã Hoành Mô và thôn Khu Chợ, xã Đồng Văn. Ngoài việc tu sửa và xây mới, gia đình bà còn mua sắm thiết bị cho 3 cơ sở để vừa kinh doanh nhà nghỉ, vừa phục vụ ăn uống, nhận tổ chức các sự kiện của huyện, tổ chức đám cưới,...
Thế nhưng, đúng vào thời kì đó, chồng bà không may mắc bệnh nặng (đến nay vẫn chưa phục hồi sức khỏe như trước), rồi dịch Covid-19. Tuy thế, bà Lan vẫn không nản chí, vừa chăm chồng, vừa phát triển kinh tế. Do mới bắt tay vào làm du lịch nên bà vừa làm, vừa học hỏi, nghiên cứu, cải tiến thiết bị, học kinh nghiệm kinh doanh từ các điển hình trong và ngoài huyện. Bà Lan còn mở một xưởng sản xuất rượu men lá vốn là đặc sản của huyện, tạo việc làm cho các nhân công lao động, giúp họ có thu nhập trong thời kì khó khăn và giữ chân họ kịp thời khi tiếp tục các cơ sở nhà nghỉ tái hoat động. Rượu do gia đình bà sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP của huyện. Bên cạnh việc sản xuất rượu men lá, bà đầu tư cho chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rừng, tạo việc làm cho người lao động cơ sở mình.
Nhờ năng động làm ăn có lãi, bà Lan đã tạo việc làm thường xuyên cho 19 lao động, không những thế bà còn giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Để tri ân những liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, bà Lan đã đề xuất với chính quyền huyện Bình Liêu xây dựng Đền thờ các anh hùng liệt sĩ ở đỉnh núi Cao Ba Lanh - nơi từng xảy ra cuộc chiến đấu ác liệt và chứng kiến sự hi sinh anh dũng của nhiều anh hùng liệt sĩ. Sau ngày khánh thành, hằng năm, Đền thu hút nhiều lượt người dân trong và ngoài huyện đến thắp hương tri ân và tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự bình yên của đất nước.
Với những thành tích đã đạt được, năm 2023, bà Trần Thị Lan được UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào NCT làm kinh tế giỏi giai đoạn 2018-2023.