Đôi điều về chuyện làm quan ngày xưa...
Nghiên cứu - Trao đổi 04/09/2024 09:12
“Số phận con người” là câu nói hằng ngày của Nhân dân. Thường nói ngắn gọn là: “Số” anh ấy có thế thôi, nhất là những người chẳng may bị chết đột ngột do tai nạn giao thông, hoặc bệnh hiểm nghèo. Thường nghe: Số làm thầy, số làm quan. “Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Đúng là mỗi người đều có số phận. Nhưng “số” làm quan chỉ là hiếm hoi, mà do những yếu tố khác quyết định, nhất là do giáo dục mà nên!?
“Con quan thì lại làm quan”, là một lời khen tốt, là nói đến sự tiếp nối “cha truyền, con nối”. Nhưng có người lại ám chỉ, hiểu theo nghĩa ít tốt hoặc xấu xa. Nếu hiểu thấu đáo, sâu sắc thì vấn đề này rất ý nghĩa trong nhận thức và tác dụng vào việc nuôi dạy con cháu.
Các nước phương Tây có nền kinh tế rất phát triển, đã trải qua hàng trăm năm. Trải qua thời kì phong kiến và thời kì tư bản chủ nghĩa nên hình thành một tầng lớp tinh hoa, thường gọi là giới “Quý tộc”. Một dòng họ, một gia đình, cá nhân được xã hội công nhận, xếp vào giới Quý tộc là sự kế thừa và phát triển của nhiều đời người, nhiều thế hệ. Giới Quý tộc là những người làm quan, từ địa phương làng xã, đến quốc gia. Như vậy là con quan thì lại làm quan!? Song, không phải là ai cứ sinh ra từ gia đình, dòng họ Quý tộc mà lên quan! Họ phải học hành, đào tạo bài bản có chất lượng, trải qua thực hành, thực tế khắt khe của sự cạnh tranh quyết liệt trong nền kinh tế thị trường khốc liệt và sở hữu tư nhân; ngược lại là bị đào thải. Họ phải đủ những “điều kiện nhất định” thì mới được giới Quý tộc cho đứng vào tầng lớp đó. Tất nhiên, “điều kiện nhất định” là hội tụ đủ tối thiểu ba yếu tố: Kinh tế giàu có, trí tuệ thông minh và truyền thống khoa bảng.
Ngày xưa, dân ta dùng chữ Hán rất khó học, khó nhớ. Bởi thế, trên 90% dân số là mù chữ. Rất ít người biết chữ, trong số đó một số người cực kì thông minh, kinh tế giàu có, dòng dõi khoa bảng mới thi cử đỗ đạt và làm quan. Qua đó ta thấy, để trở thành quan thì phải thi đỗ kì thi Hương, hoặc thi Hội, hoặc thi Đình, từ thấp đến cao, từ huyện, tỉnh và Quốc gia. Các kì thi được diễn ra rất nghiêm túc, thí sinh ngồi trong lều chõng, giữa bãi đất trống vắng, mưa ướt, nắng nóng. Ai đỗ ở kì thi nào đều được “Vinh quy bái tổ”, được bổ nhiệm làm quan tương xứng với kì thi đó. Cho nên ngày xưa quan làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình được dân kính trọng. Có thời kì, có người hay nói: Quan ngu dốt, tham lam, máu dê... là thiếu khách quan, chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh!”.
Muốn đỗ đạt thành quan thì phải học xuất sắc, cần hội đủ các yếu tố: Trí tuệ thông minh (ở bộ não được di truyền theo gen), kinh tế giàu có và truyền thống khoa bảng của gia đình, dòng họ. Trong ba yếu tố đó, thì trí tuệ hoặc truyền thống khoa bảng là quyết định. Kinh tế chỉ là vật ngoại thân, nay còn mai mất. Thực tế ở chế độ phong kiến Việt Nam cho thấy, mỗi khi thay đổi triều chính thì con cái nhà vua bị thất thế, tài sản bị tịch thu hết sạch nhưng trí tuệ, dòng máu khoa bảng thì không ai tước đoạt được. Bởi thế, sau một thời gian lưu lạc, thậm chí sống ở nước ngoài, họ lại giàu sang phú quý, thậm chí lại làm quan.
Ngày tôi còn nhỏ, được nghe bố kể câu chuyện làm quan:
- Có một vụ xử kiện, bà Tý bị mất gà. Ông quan huyện yêu cầu tất cả dân làng đến đình làng. Quan bắt bà Tý đứng hầu tòa, vì tội chửi bới dân làng đã bắt trộm hai con gà của bà. Ông cho dân chúng có mặt, mỗi người lên tát hai cái thật đau vào mặt bà Tý vì tội chửi bậy. Lần lượt từng người lên tát bà Tý. Ông quan cùng lính dõng theo dõi, thấy mọi người tát rất nhẹ, chỉ có ông Cột và vợ là bà Kèo, tát hai cái rất mạnh, còn chửi rủa bà Tý. Cuối cùng ông quan tuyên bố: Bà Tý là người có mất gà. Hai vợ chồng ông Cột và bà Kèo, làng xóm liền kề là thủ phạm trộm gà bà Tý. Dân làng kính nể ông quan học giỏi, đã xử rất đúng người đúng tội và vận dụng sáng tạo trong công việc.
Bố kể tiếp:Ngày xưa, nhiều trạng nguyên của Việt Nam được Vua cử đi làm sứ giả ở nước ngoài. Sứ giả ta đã vượt qua những thử thách thâm nho, gian ác, đến mức chết người của “Vua nước đó” là nhờ vào trí tuệ thông minh. Chuyện rằng:
Vua mở tiệc chiêu đãi sứ giả các nước chư hầu, rất trang trọng. Đường đi vào đại lễ được trải thảm đỏ. Nhiều sứ giả bị chết vì đi trên thảm đỏ bị rơi xuống hố sâu, có cắm chông nhọn tẩm thuốc độc. Vua cho rằng: Chết là do ngu dốt vì dám đi trên thảm đỏ chỉ dành cho Vua. Không hiểu gì về lễ nghi nhà Vua. Sứ giả Việt rất giỏi nên bình an. Vua khen sứ giả Việt: Đã đi theo phía ngoài tấm thảm là chuẩn mực về nghi lễ, là giỏi về học và hành. Sau vụ này, Vua vẫn lo sợ người tài sẽ là mối nguy hiểm cho nước họ, quyết tâm giết chết người tài giỏi này nên tiếp tục thử thách sứ giả Việt. Trước mặt các quan văn võ, Vua cho sứ giả Việt bốc thăm một trong hai phiếu dán kín. Nếu bốc được phiếu ghi chữ “chết”là bị chém đầu (Vua làm thật). Có thể sẵn sàng chết vì hoà bình của dân tộc Việt Nam, nhưng chính nhờ sự học siêu giỏi mà sứ giả ta đã thoát chết. Ông bốc lên một phiếu và nhanh chóng nuốt chửng vào bụng mình, rồi nói: Bẩm báo, nhà Vua cho người mở phiếu còn lại, nếu ghi chữ “chết” thì phiếu mà kẻ hèn mọn đã bốc được ghi chữ “sống”. Vua cùng các quan văn võ ngậm đắng nuốt cay vì thua sứ giả này. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Sứ giả ta rất giỏi, biết chắc là cả hai phiếu đều ghi chữ “chết”.
Qua những câu chuyện trên, cho thấy việc đào tạo làm quan là cực kì quan trọng cho quê hương,đất nước, dân tộc. Qua việc đi trên thảm đỏ, rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống là: Việc gì bất thường là phải cảnh giác, lành ít dữ nhiều. Thấy con thu nhập nhiều tiền bất thường là bố mẹ lo, cần xem xét lại...Thấy lãi suất tiền gửi cao là tiềm ẩn nguy cơ bị mất cả gốc lẫn lãi. Thấy quà tặng quý giá là bẫy dễ chết người. Của cho là của nợ...
Thời gian tôi công tác ở Trường Cao đẳng Sư phạm, thường được làm giáo viên chủ nhiệm lớp. Qua xem xét lí lịch sinh viên, tôi nhận thấy: Sinh viên hầu hết được xuất thân từ một gia đình có khả năng về kinh tế, truyền thống học hành và bố mẹ đang là giáo viên, cán bộ nhà nước, sĩ quan quân đội,… Tôi đã rút ra là: Sinh viên có đủ ba yếu tố đã nói ở trên. Qua đó càng thấy việc nuôi con ăn học để thi cử đỗ đạt và trở thành thầy cô giáo là rất tốn kém tiền của, công sức.Rồi ngược dòng thời gian về những năm tháng tôi học đại học thì hầu hết sinh viên lúc đó cũng hội tụ đủ ba yếu tố trên. Tôi được họcvới một số anh chị là người dân tộc thiểu số vùng núi khó khăn,nên biết: Gia đình họ giàu có, người nhà đều làm quan lang, làm sếp, nhiều đời và truyền thống giáo dục của dòng họ. Sau vài năm tốt nghiệp đại học, họ được làm quan, từ thấp đến cao! Một số dòng họ trong làng tôi có kinh tế khá giả, di truyền về gen và truyền thống khoa bảng nên các thế hệ tiếp nối nhau đều được học hành tốt và trưởng thành. Bản thân,gia đình tôi cũng không là ngoại lệ, cũng phải có ba yếu tố đó.
Ngày bé tôi thường sang chơi nhà ngoại. Tôi hỏi ông: “Ngày xưa, quan tốt hay quan xấu?”. Đã từng là Lý trưởng,ông ngoại bảo tôi: “Hầu hết quan là người tốt nhưng cũng có số ít quan xấu”. Ông cho biết công thức làm quan: “Nghe nhiều, nói ít, ăn vừa phải”. Rồi ông kể cho tôi nghe câu chuyện sau:
Ngày xa xưa, có ông quan Ếch chất vấnông quan Ốc:
- Cậu vừa xấu, vừa chậm, lại học hành kém hơn tớ, bằng cấp toàn đi mua. Nhưng sao cậu cứ được thăng quan, tiến chức ầm ầm thế? Còn tớ cứ “ngồi đáy giếng” mãi!?
- Quan Ốc thủng thẳng: Cậu rất đẹp trai, bẻm mép, nhanh nhẹn, lưng gù, thịt bắp. Chị em nhìn thấy cặp đùi của cậu thì chết mê, chết mệt luôn... Nhưng con đường quan lộ của cậu không thể thẳng tiến, khó làm quan to được. Vì 5 lí do:Thứ nhất, chỉ ngồi đáy giếng nên cậu hay coi Trời bằng vung.Thứ hai, làm gì cũng nhảy chồm chồm lên, không có tính toán mưu sâu kế hiểm gì, kể cả mưu hèn kế bẩn.Thứ ba, cậu chết ở cái miệng, lúc nào cũng ồm ộp, toang toác.
Sẩy tay còn đỡ, sẩy miệng thì toi! Thứ tư, cả hai con mắt chết tiệt của cậu nữa, cứ trố lên thao láo. Khi các vị quan trên có làm điều gì sai trái, khuất tất, cậu cứ giương mắt lên nhìn. Quan trên lại tưởng cậu đang soi mói để tố cáo thì thằng nào nó chịu được?! Thứ năm,cậu cùng họ hàng với quan Cóc nên thỉnh thoảng hay kéo nhau đi kiện. Mà quan trên thì cực ghét, “thù lâu nhớ dai” những kẻ hay đâm đơn kiện tụng, tố cáo lung tung về những việc làm “khuất tất” của nhà quan! Thử hỏi, chỉ với 5 năm cái tội “chết người” trên thì thằng chó nào nó còn dám “nâng đỡ trong sáng” cậu nữa...
Quan Ếch tròn mắt, dỏng tai lên nghe, rồi hỏi quan Ốc: Cậu cho tớ biết kinh nghiệm làm quan, nhất là con đường thăng tiến.
Quan Ốc tự kiêu nói: Ốc tớ tuy xấu xí, chậm chạp, học kém, bằng cấp chắp vá, kể cả là bằng cấp đi mua, rồi hồ sơ thì khai gian năm sinh nhưng bù lại, tớ luôn sống có nguyên tắc. Đó là: Thứ nhất, bình thường luôn ngậm miệng, biết giữ mồm giữ miệng... “Ngậm miệng ăn tiền”, cậu nghe cổ nhân nói vậy chưa? Người ta mất ba năm để học nói, nhưng phải mất vài chục năm, hoặc cả đời để học “cách im lặng” đấy! Thứ hai, đi đâu cũng đi bằng miệng (uốn ba tấc lưỡi) và phải biết “bôi trơn” cẩn thận. Cậu có nghe câu: Ốc bò trút nhớt à? Đấy là tớ đang “bôi trơn” con đường quan lộ đấy. Thứ ba, khi có “biến” phải biết chui ngay vào cái vỏ bọc và ngậm miệng lại nghe ngóng hoặc lặn sâu không sủi tăm. Nghe chửa Ếch!?”.
Kể xong, ông cười: Làm Lý trưởng được hai năm là ông xin nghỉ trước thời hạn, cho không phải là quan Ốc, là quan Ếch! Ông về làm phó thường dân, làm ruộng, đơm đó, nuôi gà chọi, chơi chó săn và thỉnh bạn bè đến nhắm rượu, thưởng thức món ngon!
Tôi còn hỏi ông: Con quan thì lại làm quan, có phải không ông?
Ông mỉm cười: Đúng rồi nhưng chưa hẳn là vậy. Ông nuôi gà chọi nhiều năm nhận thấy: “Gà chọi tuy có gen, có nòi giống tốt, có thương hiệu cao nhưng quan trọng nhất là sự nuôi dưỡng, chăm sóc, huấn luyện nó mới thành gà chọi tốt được”. Con nhà quan phải được giáo dục tốt mới thành quan tốt được! Cháu lớn lên đi dạy học là mang phúc đức đến cho mọi người, luôn làm điều tốt lành.
Chuyện làm quan ngày xưa… mãi mãi là bài học quý giá cho tôi vững bước vào cuộc sống khó khăn, vất vả để thành con người tốt.