Nhận diện để đấu tranh đẩy lùi, loại trừ thói xu nịnh
Nghiên cứu - Trao đổi 12/09/2024 10:43
1. Xu nịnh, được hiểu là cách để lấy lòng cầu lợi, là hành vi có tính toán của những kẻ ưa dùng xảo ngôn để tâng bốc người có quyền lực, những mong được hưởng lợi, cất nhắc. Nó là căn bệnh của xã hội, thời đại nào cũng có, được xem là mối nguy, gây hệ lụy khôn lường. Câu chuyện Chu Văn An cách đây 7 thế kỉ, vì phẫn nộ với lũ quan tham, xu nịnh, đã viết “Thất trảm sớ” là một bài học sâu sắc cho muôn đời sau.
Ngày nay, không khó để nhận diện thói xu nịnh. Ví dụ điển hình như tại một số hội nghị, sau khi phát biểu ý kiến chỉ đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thường sẽ có những câu hỏi cấp dưới, đại loại như “tôi kết luận như thế có được không” và thường nhận được câu trả lời “sếp nói quá chuẩn” hoặc “sếp kết luận quá đúng”… Việc người đứng đầu đặt câu hỏi cho cấp dưới có thể hiểu là nắm bắt dư luận, đánh giá của cấp dưới về kết luận, chỉ đạo của mình. Vấn đề cần nói ở đây, chính là câu trả lời của người được hỏi, thay vì đưa ra lời nhận xét, đóng góp chân thật lại “lấy lòng” cấp trên bằng những lời “lọt tai”.
Xu nịnh trong ví dụ nêu trên được xem là ở mức độ nhẹ. Còn ở mức nặng hơn là hành vi mang tính hệ thống của “kẻ xu nịnh”, luôn nói lời không “trung thực”. Đương nhiên, nếu những kẻ xu nịnh nắm quyền lực sẽ chỉ lựa chọn, sử dụng những kẻ xu nịnh khác và như vậy, rất dễ làm cho bộ máy bị ảnh hưởng. Thực tế cho thấy, có không ít người thích nghe lời khen, xu nịnh của cấp dưới. Đến một ngày nào đó, chính lãnh đạo ưa nịnh sẽ “há miệng mắc quai” khi “ngập sâu” với kẻ xu nịnh, đành “đâm lao phải theo lao”, chịu sự điều khiển, lèo lái của kẻ xu nịnh. Không chỉ cấp dưới nịnh cấp trên, mà còn xuất hiện hiện tượng cấp trên nịnh cấp dưới, thường là vào dịp bỏ phiếu tín nhiệm làm quy trình công tác cán bộ, hay chuẩn bị đại hội… Tất cả những biểu hiện này đều gây nguy hại, vì vậy, cần nhận diện rõ và kiên quyết đấu tranh loại trừ thói xu nịnh.
2. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiều khuyết điểm của cán bộ, đảng viên. Trong đó, Người lên án “bệnh xu nịnh, a dua”, và chỉ rõ, người mắc căn bệnh đó là do kém tính Đảng, mắc phải bệnh đó là hỏng việc lớn, Người luôn quan tâm, răn dạy: “Hiểu biết cán bộ-Biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”. Chỉ như thế, chúng ta mới là tấm gương trong, mới loại bỏ thói nịnh bợ, ngăn chặn sự “đại suy” cho tổ chức, cho xã hội và cho đất nước.
Tiếp nối tư tưởng của Bác Hồ, để chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV, Đảng ta chủ trương: Không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh… Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Để những người đó lọt vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn.
Ngạn ngữ xưa có câu: “Ai vạch cho tôi sai lầm, đó là thầy của tôi. Ai chỉ cho tôi những hành động sai trái, đó là bạn của tôi. Còn ai phỉnh nịnh tôi, đó là kẻ thù của tôi”. Người đời nhắn nhủ tỉnh táo trước những lời phỉnh nịnh: Không có cách nào khác để bảo vệ mình khỏi lời xu nịnh ngoài việc khiến người ta hiểu rằng nói với bạn sự thật sẽ xúc phạm bạn.
Vì thế, giải pháp quan trọng hàng đầu để đẩy lùi thói xu nịnh chính là cách hành xử đúng đắn của người đứng đầu, không chỉ ở việc điều hành tổ chức, đơn vị mà đặc biệt trong công tác cán bộ. Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu. Nếu người lãnh đạo, quản lí có tâm trong sáng, đặt lợi ích tập thể lên trên hết, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, coi trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, không quan liêu, xa rời thực tiễn; dùng “tai mắt” của quần chúng Nhân dân, dư luận trong cơ quan, đơn vị để xem xét, đánh giá con người trong công tác nhân sự thì thói xu nịnh sẽ không còn đất sống.
Thiết nghĩ, giải pháp thiết thực nữa, đó là mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng học tập, trui rèn bản lĩnh, đủ năng lực đánh giá, nhận diện thói xu nịnh để bản thân không mắc, đồng thời giúp tổ chức đấu tranh, loại bỏ thói xu nịnh. Căn cơ hơn, cần có những quy định cụ thể về nhận diện biểu hiện cũng như các biện pháp xử lí nghiêm khắc, triệt để thói xu nịnh trong bối cảnh hiện nay.