Bàn về lòng hiếu thảo
Nghiên cứu - Trao đổi 14/08/2024 09:56
Ở phương Tây, Thiên Chúa giáo răn dạy các con chiên của mình phải “thảo kính cha mẹ”. Còn theo Phật giáo thì “Tột cùng của Thiện, không gì hơn Hiếu”. Lễ Vu lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình khỏi địa ngục. Sau đó, Vu lan trở thành ngày lễ hằng năm đề cao chữ hiếu.
Trong quyển Hiếu Kinh, tác phẩm chính của Nho giáo của Trung Hoa nói về lòng hiếu thảo được Khổng Tử mở đầu như sau: “Hiếu là gốc của đức, là nguồn của giáo… Thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, dương danh với hậu thế, để làm rạng rỡ cha mẹ, đó là kết cục của hiếu. Xét về hiếu, khởi đầu là lo việc song thân”.
Chùa Từ Hiếu, nơi nhiều người đến cầu sức khỏe cho ông bà, cha mẹ. |
Hiếu Kinh cũng dẫn lời của Khổng Tử về lòng hiếu thảo rằng: “Người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở phải hết sức cung kính, cung dưỡng cha mẹ phải hết mực vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc tang lễ phải cực kì thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải vô cùng trang nghiêm”.
Bên cạnh đó, Nhị thập tứ hiếu của Quách Cư Nghiệp, đời Nguyên bên Trung Hoa được xem là cuốn sách hay, vì kể về 24 tấm gương hiếu thảo tiêu biểu để người đời noi theo.
Ở nước ta, câu chuyện về lòng hiếu thảo của sư Nhất Định tại chùa Từ Hiếu, ở TP Huế khiến hậu thế đều trào dâng sự cảm kích, khâm phục. Chuyện bắt đầu từ năm 1843, thời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, khi sư Nhất Định từ chức Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự và trao quyền trụ trì chùa Bảo Quốc cho pháp đệ là sư Nhất Niệm. Nguyên do là, nhà sư không thể bỏ mẹ già trơ trọi một mình nên đã về nhà cõng mẹ, tìm đến vùng đất chùa Từ Hiếu tọa lạc ngày nay để lập Thảo Am An Dưỡng. Tại đây, vừa tu hành, nhà sư vừa nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ già.
Rồi một ngày nọ, mẹ của sư Nhất Định bị bệnh rất nặng. Sáng tối, nhà sư chăm sóc, lo thuốc thang hết lòng nhưng bệnh vẫn không khỏi. Thầy thuốc khuyên nên mua thêm thịt cá để tẩm bổ bởi mẹ của nhà sư đã quá suy nhược cơ thể. Nghe xong, mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, nhà sư chống gậy băng rừng đi bộ xuống chợ cách đó hơn 5km để mua cá mang về nấu cháo cho mẹ ăn. Nhờ thế, mẹ của nhà sư mới qua được cơn hiểm nghèo, lần hồi bệnh thuyên giảm.
Chuyện về lòng hiếu thảo của vua Tự Đức nhà Nguyễn cũng được dân gian lưu truyền. Ngay từ khi còn nhỏ, vua Tự Đức đã tỏ ra là người cực kì hiếu thảo. Thái hậu Từ Dũ truyền bảo điều gì đáng lưu tâm, vua Tự Đức liền ghi ngay vào sách tùy thân mà nghiền ngẫm, gọi là Từ huấn lục.
Theo các tư liệu lịch sử, trong suốt 36 năm làm vua, dù rất bận với công việc triều chính, nhưng cứ ngày lẻ vua Tự Đức thiết triều, còn ngày chẵn vào chầu cung thăm nom mẹ, không khi nào chểnh mảng. Một lần để thái hậu Từ Dũ lo lắng, vua Tự Đức đã dâng roi mây lên cho mẹ đánh đòn.
Ngoài ra, còn có tấm gương hiếu thảo của An Thường công chúa. Công chúa là con vua Minh Mạng với bà Mỹ nhân Nguyễn Thị Sâm, sinh vào mùa Hè năm 1817.
Năm An Thường công chúa lên 9 tuổi, đúng dịp tiết Vạn Thọ thì thân mẫu bị bệnh, công chúa đành phải theo các hoàng nữ vào hầu cơm. Bấy giờ, có vị đại thần dâng tiến món đuôi dê và nầm dê, vua Minh Mạng liền ban cho các hoàng nữ món này. Công chúa chỉ ngậm mà không nhai nuốt.
Vua Minh Mạng lấy làm lạ, liền hỏi nguyên do thì An Thường công chúa liền đứng dậy thưa: “Thân mẫu của thần đang bị bệnh, không được đội ơn đến dự mà thần thì trộm nghe món này rất bổ nên không nỡ ăn, muốn để phần cho thân mẫu”. Vua Minh Mạng khen, cho riêng một đĩa, sai công chúa mang về cho thân mẫu. Tả hữu đều cảm động và khen ngợi, có người chảy cả nước mắt.
Năm 1840, vua Minh Mạng không được khỏe, An Thường công chúa đích thân sắc thuốc và nấu cháo để dâng tiến, sớm hôm hầu hạ không mỏi. Vua Minh Mạng mất, công chúa thương xót đến ngất đi. Khi đem vua Minh Mạng đi mai táng, công chúa theo hầu bàn thờ và sau lại chực hầu đền thờ ở lăng, trọn cả ba năm chưa từng cười đùa.
Sau vua Thiệu Trị đem An Thường công chúa gả cho Phan Văn Oánh là con trai thứ tư của Chưởng Nghĩa Hầu Phan Văn Thúy, người ở Thuận Xương, Quảng Trị. Từ ngày vu quy, công chúa chẳng hề tỏ vẻ là con vua, biết kính thờ mẹ chồng, lo việc dạy con và giữ đức khuê môn.