Đôi điều về tháng Bảy âm lịch
Nghiên cứu - Trao đổi 09/08/2024 09:02
Theo quan niệm của Phật giáo: Hiếu thảo được xem như đứng đầu trong các đức hạnh con người. Chính vì thế, trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, lễ Vu Lan (15/7 âm lịch) từ lâu đã thành một ngày trọng đại, không thể thiếu được trong hệ thống các hoạt động văn hóa tâm linh nói chung, văn hóa Phật giáo nói riêng. Từ lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu. Trong văn hóa truyền thống của người Việt, hiếu thảo là đức tính vô cùng quan trọng, thậm chí được coi là nền tảng đạo đức của mỗi người. Có người cho rằng cung phụng cha mẹ đầy đủ khi sống đã là hiếu thảo. Có người thì khi cha mẹ mất đi, lo tang lễ cho cha mẹ thịnh soạn, rình rang là hiếu thảo. Nhưng, có một thói quen không thể thiếu để tỏ lòng hiếu thảo với người có cha, mẹ đã mất, đó là đốt vàng mã. Không biết tự bao giờ, nhiều người Việt có tư tưởng phải đốt nhiều tiền, vàng, quần áo, thậm chí cả xe sang, nhà cửa cho cha mẹ dưới suối vàng. Thậm chí, họ còn khá thận trọng với các lễ nghi để yên tâm rằng cha mẹ dưới đó nhận được.
Ảnh minh hoạ |
Trong văn hóa Phật giáo: Ngày lễ Vu Lan là dịp để con cháu báo hiếu cha mẹ, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn. Lễ Vu Lan là để cầu siêu cho cha mẹ và ông bà đến bảy đời, là báo hiếu. Trong ngày này các gia đình nên lên chùa làm lễ Vu Lan, cầu siêu tỏ lòng báo hiếu đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Sau đó về nhà làm một mâm cơm thắp hương lên bàn thờ Phật và bàn thờ người thân. Người ta thường cúng vào ban ngày, xong trước ngày Rằm tháng 7. Theo đạo Phật, thành kính cúng ngày rằm tháng 7, không phải ở chỗ mâm cao cổ đầy mà ở thái độ và lương tâm của mỗi người. Mâm cơm mặn hay chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả đều được. Việc cúng Vu Lan báo hiếu tại tư gia nên thực hiện các khóa lễ sau: Cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và phóng sinh. Khi cúng tại nhà, tốt nhất là đọc một khóa kinh - Kinh Vu Lan - để hiểu rõ về ngày Báo hiếu, hồi hương công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh.
Tháng 7 âm lịch, một quãng thời gian khiến người ta như chùng lại, suy ngẫm và chiêm nghiệm nhiều hơn. Nhiều người chăm tới chùa, nhang khói nhiều hơn những mong được hóa giải bao lo toan trong lòng. Tháng 7 âm lịch - mùa Vu Lan - thường khơi gợi lên trong bao người sự biết ơn và muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa cho những đấng sinh thành. Theo đạo Phật, tháng 7 âm lịch, cài bông hồng lên áo là một nghi thức biểu hiện đền đáp Tứ ân, nhằm hóa giải những phiền toái, oán lụy của con người với vạn vật trong đất trời. Nghi thức này đã được truyền bá rộng rãi trong lòng người Việt Nam bắt đầu từ những năm 1960. Đây thực sự là mùa của những bông hồng cài áo: Người ta như bớt bươn chải đi để hướng lòng vào trốn nhiệm màu của tình yêu và lòng biết ơn. Như nội dung bài hát “Bông hồng cài áo”: "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Người được cài hoa màu hồng sẽ thấy sung sướng và nhớ rằng: Mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ kẻo một mai Người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hồng màu trắng và sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù Người đã khuất". Từ đó đến nay, bài hát "Bông hồng cài áo" vẫn ngân nga giai điệu như một dòng suối mát, gợi nhớ tới sự nhiệm màu của tình thương, một thế giới của lòng biết ơn và tri ân cho những người con được mẹ sinh ra trên đời.
Dân gian coi tháng 7 là "Tháng cô hồn", tức là tháng của những "Vong hồn cô đơn", là dịp để bố thí, "chăm lo" cho những linh hồn chưa có nơi thờ cúng. Các hoạt động ấy thể hiện triết lí nhân văn cao đẹp của tổ tiên, với mong muốn mọi linh hồn đều có được cơ hội siêu thoát và mong muốn những ai từng lầm lỡ đều phục thiện. Người ta làm mâm cỗ, cúng thí thực cho những cô hồn chưa siêu thoát và phóng sinh. Việc cúng lễ thực hiện ở ngoài sân gia đình hoặc tại chùa. Lễ cúng cô hồn là để bố thí cho những vong hồn không ai thờ cúng, thường làm vào ban đêm, bắt đầu từ ngày mùng 2 đến 12 giờ đêm của ngày Rằm tháng 7.
Theo nhà Phật: Phóng sinh là cách nuôi dưỡng lòng nhân hậu từ bi. Nhưng, gần đây nhiều người đã phát hiện ra những chiêu trò phóng sinh thành "phóng tử", vừa phóng sinh xong, cá vừa bơi, chim chỉ bay được đoạn ngắn rồi lại bị bắt về, bán cho người khác. Đạo Phật quan niệm, phóng sinh là người có thiện tâm nhìn thấy chúng sinh bị bắt, nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại thì phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc, giải thoát, phóng thích, cứu mạng sống của chúng sinh.
Cuộc sống với nhiều lo toan khiến con người rộng lượng thì ngày một giảm đi mà rào trước đón sau với nhau thì nhiều. Lo toan cơm áo, gạo tiền, quyền cao, chức trọng,… khiến người ta thật khó để mở lòng với nhau. Người tốt dần trở nên hoài nghi và dần tiếc nếu lòng tốt bị phung phí. Kẻ xấu bất đắc dĩ ngày một nhiều lên nếu không có giải pháp ngăn ngừa. Dường như ngày càng nhiều người chắp tay trước Phật đài, không phải để mở rộng lòng từ tâm của mình, mở rộng sự thương yêu của trái tim đối với thế giới quanh họ, mà để cầu xin được mau thăng quan tiến chức, để thỏa nguyện những khát vọng vật chất, sinh được con cái như ý. Khi hoạn nạn, không ít người tin vào việc thờ cúng, đi lễ chùa chiền sẽ hóa giải được rắc rối. Nhưng không phải cứ chắp tay khấn Phật, cứ đứng thẳng ngoan trước Chúa nguyện cầu là đạt được điều mong muốn. Phật hay Chúa chỉ là một trạng thái, là sự mênh mông vô hình, làm sao có những vật chất hay những "điều kiện" này kia để ban cho chúng sinh. Chỉ có tình thương và sự nhiệm màu mới có thể giúp con người không khổ đau vì ham muốn, không thèm khát khi túng thiếu và luôn luôn thấy đầy đủ trong lẽ giản đơn nhất.
Khi những sân hận được xóa bỏ, khi sự hằn học oán ghét được loại đi thì tâm hồn con người như trở nên thanh sạch hơn, không cần phải tin vào một sự hỗ trợ của thần thánh nào đó, một thế lực siêu hình mà ngay cả người khẩn cầu cũng chắc là thế giới ấy có thật không? Vậy tại sao phải nguyện cầu, xin xỏ những điều vô nghĩa? Nếu cởi mở với cuộc sống thì cuộc sống tốt đẹp sẽ xuất hiện trước ta, ngay cả khi nắng nóng, lạnh lẽo hay sương mù vẫn luôn thấp thoáng những ánh đèn ấm áp. Đó chính là ý nghĩa của sự tái sinh, của gột rửa những bụi bặm đời thường. Khi đó đời sống của sự nhẹ nhàng thanh thoát như trở nên vĩnh hằng. Khi chúng ta làm được điều đó, sự ngăn cách không còn, những trái tim sẽ nhân hậu, ấm áp dần lên và lan tỏa hàng triệu trái tim lạnh giá khác. Chúng ta hiểu rằng: Tháng nào cũng như nhau, nếu chúng ta sống bằng tâm, đức, không lừa lọc, dối trá thì không cần thiết phải lo lắng sợ hãi. Mọi người cần sáng suốt nhìn nhận không nên quá kĩ tính kiêng khem, sinh mê tín bởi những quan niệm này chưa được bất kì khoa học nào chứng minh là đúng. Bởi vậy chuyện kiêng kị tháng 7 âm lịch chỉ là thói quen dân gian không có cơ sở khoa học.
Rằm tháng 7, là ngày lễ Vu Lan, báo hiếu cha mẹ, tổ tiên và trùng với lễ Xá tội vong nhân. Bản chất của ngày Rằm này rất nhân văn, là lòng yêu thương con người với con người. Ngày có ý nghĩa to lớn, ngày mà mọi người tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn với tổ tiên và những người đã khuất.