Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “kiến trúc sư” nền “ngoại giao cây tre Việt Nam”
Nghiên cứu - Trao đổi 10/08/2024 11:07
Đó là những tư tưởng, triết lí vượt thời đại của cha ông, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị”. “Những truyền thống và bản sắc tốt đẹp ấy càng được bồi đắp, phát huy và toả sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, đã phát triển lên thành nền ngoại giao Việt Nam hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, có tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc, độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”…
Đây không phải lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến trường phái “ngoại giao cây tre Việt Nam”. Trước đó, tại hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (22-26/8/2016), ông nhấn mạnh: “Trong quá trình đổi mới, ngoại giao Việt Nam đã đóng góp rất quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần làm cho đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Trường phái “ngoại giao cây tre” là niềm vinh dự, tự hào to lớn và nhiệm vụ, yêu cầu mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó; tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, chủ động thích ứng”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng trà. Ảnh: TTXVN |
“Ngoại giao cây tre” vốn là truyền thống tồn tại trong lịch sử đối ngoại của dân tộc. Đặc biệt, từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945) đến nay, nền “ngoại giao cây tre” càng bộc lộ sự khôn khéo, mềm dẻo, bản lĩnh và kiên cường, đạt đến độ chín theo Tư tưởng Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến” nhưng phải bảo đảm nguyên tắc “bất di bất dịch” là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Sau Cách mạng Tháng Tám, lường trước tình huống Hoa Kỳ có thể ủng hộ thực dân Pháp, can thiệp vào nước ta, Bác Hồ đã viết thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ đặt quan hệ hữu nghị, mong được hợp tác. Thời điểm đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một Nhà nước non trẻ, mới ra đời, phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà ngoại giao kiệt xuất với tài trí thông minh, mưu lược đã đàm phán, nhượng bộ với Pháp kí Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9/1946. Nhờ đó, loại bỏ dần thù trong giặc ngoài để quân Nhật rút đi, quân Tưởng cút về nước, bọn Quốc dân đảng tan rã; đồng thời ta có hơn một năm hoà bình, củng cố chính quyền cách mạng từ Trung ương đến làng xã, tập trung xây dựng lực lượng chuẩn bị kháng chiến, kiến quốc.
Hòa hoãn, nhân nhượng còn là phương thuốc hồi sinh cho Nam Bộ và Nam Trung Bộ như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lúc bấy giờ: “Chúng ta cần hoà bình để xây dựng nước nhà, cho nên chúng ta đã ép lòng mà nhân nhượng để giữ hoà bình”. Nhờ kí Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9, ta giữ vững được chính quyền, Pháp công nhận nền độc lập và Việt Nam có Chính phủ riêng, nghị viện riêng, quân đội riêng, tài chính riêng; việc thống nhất 3 kì do Nhân dân quyết định. Pháp có quyền thay thế quân đội Tưởng tước vũ khí quân đội Nhật và quyền đóng quân tạm thời với số quân hạn chế ở miền Bắc…
Trong các giai đoạn sau, nổi bật về “ngoại giao cây tre” phải kể đến thắng lợi của Hiệp định Geneve năm 1954 và Hội nghị Paris năm 1973.
Hội nghị Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương, khai mạc ngày 8/5/1954, một ngày sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng đàm phán trên tinh thần mềm dẻo, giữ vững nguyên tắc với lập trường 8 điểm, nội dung chủ yếu là: Đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương, đi đôi với một giải pháp chính trị cho Việt Nam, Lào, Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Trải qua 75 ngày đêm đàm phán, 31 phiên họp cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương, đa phương, với bản lĩnh của trường phái “ngoại giao cây tre”, ngày 20/7/1954 Hiệp định Geneve đã được kí kết.
Trường phái “ngoại giao cây tre” cũng thể hiện sinh động về tinh thần vừa tiến công vừa nhân nhượng tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Đây là Hội nghị đàm phán dài nhất trong lịch sử thế giới về đấu tranh trên nghị trường (4 năm, 8 tháng, 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ). Cuộc đấu tranh trí tuệ, mềm dẻo, kiên cường, đầy bản lĩnh của phái đoàn Việt Nam, ngày 27/01/1973 Hiệp định Paris đã được kí kết với 9 chương, 23 điều quy định: Hai bên ngừng bắn ở miền Nam. Hoa Kỳ cam kết chấm dứt mọi hoạt động quân sự chống phá miền Bắc, rút hết quân đội và quân đồng minh, không dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam… là bước ngoặt lịch sử quan trọng của dân tộc.
Với những thành tựu nổi bật trên mặt trận ngoại giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đặt tên và nâng “ngoại giao cây tre Việt Nam” lên tầm cao mới. Ông là “Kiến trúc sư” có công, tác nghiệp thực hành và cống hiến to lớn trong hoạt động đối ngoại, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nội hàm của “ngoại giao cây tre” là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; Linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân; Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; Biết nhu, biết cương, biết thời, biết thế, biết mình, biết người, biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”. Theo Tổng Bí thư, ngoại giao không chỉ ngăn ngừa chiến tranh, xung đột mà còn góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Bản chất cây tre dẻo dai, giàu sức sống, kết thành bụi, thành luỹ, thành rừng, rễ bám sâu vào lòng đất, gió bão không lay chuyển, tre già măng mọc… chính là sự đoàn kết, thống nhất, cũng là phương châm bồi dưỡng cán bộ…
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân”.
Vận dụng đường lối đối ngoại của Đảng, kế thừa truyền thống dân tộc, vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trong nền “ngoại giao cây tre”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều chuyến thăm cấp cao đến với các nước và tiếp các nguyên thủ nước ngoài với tư cách người đứng đầu Đảng, Nhà nước đều rất thành công. Nổi bật là các chuyến thăm Lào, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga. Ấn Độ, Singgapore… góp phần quan trọng phát triển về đối ngoại, ngoại giao lên tầm cao mới, nhiều nước trở thành đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện. Từ các cuộc hội đàm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo các nước, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là về hợp tác kinh tế, có nguồn ngoại lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ gìn nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chính vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Nhân dân và bè bạn quốc tế coi là “Kiến trúc sư”, đóng vai trò “Tổng tư lệnh” của nền “ngoại giao cây tre Việt Nam” trong thời đại Hồ Chí Minh!...