Noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn dân đoàn kết xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu - Trao đổi 31/07/2024 15:39
Trong quá trình hoạt động của mình, ngoài kho tàng lí luận về con đường đi lên của đất nước, về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn để lại hai di sản lớn nhất cho Đảng, Nhà nước, được Nhân dân khâm phục, tin yêu là công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và là “Tổng tư lệnh”, “Kiến trúc sư” của chiến lược “ngoại giao cây tre Việt Nam” đạt nhiều thành tựu lớn.
Từ lúc có thông báo về tình hình sức khoẻ và giờ phút trái tim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngừng đập, cả nước diễn ra một không khí tĩnh lặng đến khôn cùng. “Triệu trái tim hướng về một trái tim”, người người ưu tư, nhà nhà trầm lắng, không còn sự ồn ào, không có những tiếng cười vô tư, hớn hở.
“Triệu trái tin hướng về một trái tim, một nhân cách lớn”, trào dâng lên trong từng con phố. Hàng chục nghìn người không chỉ tại đô thành mà từ khắp miền ngược, biên giới, các vùng nông thôn, không ai bảo ai tề tựu về túc trực tại khu vực Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh và tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh của Thủ đô từ chiều và đêm ngày 24 đến hết ngày 26/7 để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Theo thông tin của Ban Tổ chức, trong những ngày ấy đã có gần 6.000 đoàn với khoảng ngót 300.000 lượt người, bao gồm các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành, các địa phương và người dân vào viếng. Suốt chiều ngày 26/7 dưới trời nắng nóng 35-37 độC, hàng chục nghìn người túc trực, đứng chật hai bên hè các tuyến đường (Trần Thánh Tông, Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ, Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ đến nghĩa trang Mai Dịch) trương cờ rủ và ảnh người quá cố, tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng. Trên gương mặt mọi người, ai cũng buồn sâu thẳm, mắt đỏ hoe, nhiều người bật khóc nức nở. Một số cựu chiến binh, cựu TNXP, người cao tuổi già yếu, có người đi xe lăn, chống gậy, hoặc con cháu dìu đến để được vào viếng Tổng Bí thư, vĩnh biệt “Người đốt lò” vĩ đại. Trên sổ tang điện tử VnelD chỉ trong 2 ngày đã có 483.000 người truy cập, viết lời chia buồn, tỏ lòng tiếc thương vô hạn…
Dấu ấn trong lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lắng đọng sâu sắc nghĩa tình đối với bạn bè quốc tế. Có khoảng 100 đoàn nước ngoài đến viếng. Là “Tổng Tư lệnh” và là “Kiến trúc sư” của chiến lược “ngoại giao cây tre Việt Nam”, ông được lãnh đạo các quốc gia và Nhân dân thế giới trân trọng, ngưỡng mộ, kính cẩn nghiêng mình trong niềm tiếc thương trân quý. Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Đại sứ quán nước ta tại Bắc Kinh viếng sớm nhất, ghi sổ tang “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lãnh tụ kiệt xuất của Nhân dân Việt Nam, người bạn vĩ đại của Nhân dân Trung Quốc”. Trong điện chia buồn của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người đi đầu trong việc gây dựng mối quan hệ sâu sắc giữa Nhân dân Việt Nam và Mỹ, giúp đưa hai nước đạt được mức độ đối tác cao nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”...
Nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao dẫn đầu các đoàn quốc tế đến viếng, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và phu nhân Naly Sísoulith; Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cu-ba Estban Lazo; Chủ tịch Đảng Nhân dân, Chủ tịch thượng viện Campuchia Hun Sen; Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Hộ Ninh; Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (đại diện cấp cao về ngoại giao và chính sách An ninh của Liên minh châu Âu) Josep Borell; Cựu Thủ tướng Nhật Bản, đặc phái viên của Thủ tướng Kílida Fumio; Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo; Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken; Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval; Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh và người có công Algeria Laid Rebigua…
Không chỉ viếng trong tang lễ, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm sau còn đến tận nhà riêng thăm, chia buồn sâu sắc với phu nhân Ngô Thị Mận và gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng dịp, các nhà lãnh đạo nước ngoài kết hợp làm việc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, chia buồn, bày tỏ niềm tin và cam kết tiếp tục hợp tác, thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ song phương. Trên công luận, báo chí nhiều nước đưa tin, nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam, trong sự nghiệp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam. Đó là sức mạnh vô song về ý chí quyết tâm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ham muốn tột bậc hướng tới một đất nước phát triển phồn vinh, Nhân dân ấm no, hạnh phúc, một xã hội văn minh tiến bộ, tràn ngập niềm yêu thương, trong đó con người là trung tâm, là động lực, nguồn lực của sự phát triển. Tinh thần đó toát lên từ nội dung lời điếu văn của Chủ tịch nước Tô Lâm và lời ghi trong sổ tang của vị đứng đầu Nhà nước: “Tổng Bí thư là người đã dành trọn cuộc đời, tận tâm, tận lực, tận hiếu cho đất nước, cho Đảng, cho Nhân dân”.
“Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của đồng chí, chúng tôi nguyện học tập, noi gương đồng chí, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hi sinh”.