Để Việt Nam sánh vai các cường quốc 5 châu
Nghiên cứu - Trao đổi 27/09/2024 10:11
Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu thế giới bước vào thế kỉ XXI về xoá nạn mù chữ.
Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ “chính sách ngu dân” là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị nước ta. Người cho biết hơn 90% người dân Việt Nam mù chữ và do đó Người đã đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ.
Ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Chống nạn thất học” gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào. Người viết: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”.
Với phong trào Bình dân học vụ, trên 2,5 triệu người đã biết đọc, biết viết (ước tính cả nước lúc đó có 22 triệu người). Tiếp đó, những lớp bổ túc văn hóa đã xóa mù chữ cho 8 triệu người dân trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954). 5 năm sau, vào năm 1959, tất cả các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng trung du miền Bắc đều hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho Nhân dân ở độ tuổi 12-50. Kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), các vùng thấp thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đã xóa xong nạn mù chữ cho Nhân dân các dân tộc thiểu số.
Tại miền Nam, đến năm 1975, vẫn còn 30% người dân mù chữ. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, trong Chỉ thị 221 ngày 17/6/1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Trước mắt, phải coi đây (xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa) là nhiệm vụ cấp thiết số một”. Trong thư gửi giáo viên và học sinh nhân dịp năm học mới năm 1976, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng chỉ rõ: “Miền Nam phải tập trung sức nhanh chóng xóa nạn mù chữ và đẩy mạnh công tác bổ túc văn hóa cho cán bộ và thanh niên công nông”. Kinh nghiệm thực tiễn xóa mù chữ ở miền Bắc đã trở thành những bài học quý báu, bổ ích cho công cuộc xóa nạn mù chữ ở miền Nam ngay sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất. Cuối tháng 2/1978, toàn bộ 21 tỉnh, thành phố ở miền Nam đã cơ bản thanh toán nạn mù chữ.
Việt Nam là quốc gia thực hiện thành công mục tiêu thế giới bước vào thế kỉ XXI không còn nạn mù chữ do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) khuyến cáo và Liên Hợp Quốc phát động. Đến năm 2000, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước với 98,03% số quận, huyện; 98,53% số xã, phường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ. Hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đi học tiểu học; tỉ lệ biết chữ độ tuổi 15-60 là 97,73%. Đó thực sự là một mốc son lớn trong lịch sử giáo dục nước nhà; góp phần giữ vững nền độc lập và đưa đất nước tiến lên.
Trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (ngày 15/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Năm học 1945-1946, chỉ tính riêng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đã có 5.654 trường tiểu học được mở, với 206.784 học sinh và 25 trường trung học, với 7.514 học sinh. Ở bậc đại học và cao đẳng, các trường Y khoa, Dược khoa, Cao đẳng Kĩ thuật, Cao đẳng Công chính, Cao đẳng Canh nông, Thú y được mở lại. Đồng thời, Trường Đại học Văn khoa, lớp chính trị - xã hội được mở thêm.
Trong phong trào xây dựng nhà trường XHCN tại miền Bắc đã xuất hiện những điển hình tiên tiến, tiêu biểu là lá cờ đầu Bắc Lý với phong trào thi đua hai tốt - dạy thật tốt, học thật tốt. Trường Phổ thông cấp II Bắc Lý (xã Chung Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã thực hiện nguyên lí giáo dục một cách sáng tạo theo tôn chỉ hoạt động “tất cả vì học sinh thân yêu”.
Phát huy tinh thần của “tiếng trống Bắc Lý”, trên miền Bắc nhiều tỉnh đã xây dựng được các trường phổ thông tiên tiến xuất sắc như Trường cấp I Hà Nhân (Thanh Hóa), Trường cấp III Phủ Lý (Hà Nam), Trường cấp III Chu Văn An (Hà Nội). Ngay trong lúc khó khăn, năm học 1964 - 1965, ngành Giáo dục đã xây dựng được các lớp học cấp III bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về Toán, Ngoại ngữ.
Đến năm 1975, miền Bắc đã có 41 trường, lớp, phân hiệu đại học (gấp 10,3 lần so với năm 1955). Hình thức đào tạo rất đa dạng: Chính quy, tại chức, chuyên tu, mở lớp học đêm, học theo hình thức gửi thư, đào tạo quốc tế. Ngoài ra, các trường đại học đã xúc tiến nhanh việc cử cán bộ đi đào tạo và bồi dưỡng nghiên cứu sinh, thực tập sinh ở các nước XHCN.
Hiện nay, cả nước đang tích cực tiến hành một cuộc “cách mạng” về giáo dục với việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021- 2030”. Mục tiêu chung của Đề án là tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030, mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện của đất nước đã khẳng định việc chăm lo cho ngành Giáo dục sẽ tạo ra nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.