Người cao tuổi luôn mong đợi một phán quyết công tâm của Tòa
Pháp luật - Bạn đọc 03/10/2024 09:15
Thời điểm đó, cụ Nguyễn Hồng Ửng (chồng cụ Lộc) là một trong những cán bộ được Trường giao đất với diện tích 150m². Tuy nhiên, qua thời gian, gia đình cụ Lộc sử dụng thực tế 220m² tại địa chỉ hiện nay: C1/1 đường Lê Văn Việt, khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Quyết định số 97/QĐ cũng quy định rõ việc cho phép sửa chữa, xây dựng chỗ ở và yêu cầu các hộ dân rào kín khu đất để bảo đảm an toàn cho trường.
Quyết định số 97/QĐ của Trường Đại học Giao thông Vận tải, năm 1992, giao nhà thanh lí đất cho 17 cán bộ, giảng viên của Trường. |
Trong suốt thời gian sinh sống tại đây, gia đình cụ Ửng và cụ Lộc đã xây dựng nhà, đóng thuế và sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp hay khiếu kiện. Năm 2012, cụ Ửng chết do tuổi cao sức yếu, cụ Lộc vẫn tiếp tục sinh sống tại đây.
Đặc biệt, trong danh sách 17 cán bộ, giáo viên được giao đất theo Quyết định 97/QĐ, đến nay, đã có 5 hộ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Có thể thấy, việc giao đất cho cán bộ, giảng viên của trường theo Quyết định số: 97/QĐ ngày 10/7/1992 đã được cơ quan chức năng xác nhận tính pháp lí, với đầy đủ văn bản cụ thể.
Trong quá trình đô thị hóa, năm 2014, dự án mở rộng đường Lê Văn Việt gây tác động địa giới một số hộ dân, gia đình cụ Lộc cũng nhận khoản bồi thường hơn 73 triệu đồng từ dự án này, khẳng định thêm cơ sở đất đai của các nguyên cán bộ, giáo viên nhà trường.
Từ trái qua, gia đình cụ Lộc và một số gia đình, thân nhân cán bộ, giáo viên đang sinh sống hiện nay. |
Trong khuôn viên nhà đất sử dụng từ tháng 7/1992, cụ Lộc đã xây tường bao, nhà cấp 4 lợp tôn, sử dụng ổn định. Tuy nhiên, quá trình dài sử dụng, nhà cửa xuống cấp, dột nát nghiêm trọng, cụ Lộc đã nộp đơn xin sửa chữa nhà tới UBND phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), thì UBND phường sở tại thông báo: Ngày 16/9/2019, Phân hiệu II Đại học GTVT tại TP Hồ Chí Minh đã có Công văn số: 1573/ĐHGTVT-TPHCM với nội dung đề nghị ngăn chặn việc sửa nhà đối với gia đình cụ Lộc.
UBND phường Tăng Nhơn Phú A cũng không đồng ý cho cụ Lộc sửa chữa căn nhà, buộc cụ phải khởi kiện ra Toà án.
Theo Bản án dân sự sơ thẩm số: 1993/2021 của TAND TP Thủ Đức ngày 9/11/2021, Tòa đã công nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của bà Lộc, bác bỏ yêu cầu phản tố của Trường Đại học GTVT. Tuy nhiên, Trường đã kháng cáo và Viện KSND TP Thủ Đức cũng ra kháng nghị phúc thẩm.
Ngày 21/4/2022, TAND TP Hồ Chí Minh đã ra Bản án phúc thẩm số: 181/2022, bác yêu cầu khởi kiện của cụ Lộc và yêu cầu gia đình cụ phải tự tháo dỡ nhà cửa để giao trả lại đất cho Trường Đại học GTVT. Cụ Lộc không đồng ý với phán quyết của TAND TP Hồ Chí Minh và đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Mặt khác, theo cụ Lộc, trong quá trình tố tụng, TAND TP Hồ Chí Minh đã không yêu cầu Văn phòng đăng kí đất đai TP Thủ Đức cung cấp hồ sơ của 5 hộ dân đã được cấp GCNQSDĐ năm 2016. Đây là một vấn đề còn bỏ ngỏ, chưa được đề cập tới, khiến người dân không khỏi thắc mắc, đồng thời cho thấy sự việc còn chưa được xem xét một cách thấu đáo, chưa hợp tình hợp lí, còn có những lỗ hổng về pháp lí, gây tổn hại trực tiếp tới gia đình cụ. Cùng đó, từ năm 1992 đến nay, chưa có một quyết định nào của Trường Đại học GTVT (đơn vị chủ quản) ban hành để thay thế Quyết định số 79/QĐ năm 1992.
Văn bản của Văn phòng đăng kí đất đai TP Hồ Chí Minh, ngày 30/3/2024 xác nhận rõ 5 hộ trong số 17 hộ được giao đất từ quyết định số 97/QĐ của Trường Đại học GTVT, hiện nay đã được cấp GCNQSDĐ |
Liên quan đến vụ án trên, luật sư Nguyễn Duy Binh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) có quan điểm: Theo Khoản 2, 3 Điều 23 Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP Chính phủ về việc cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đã được giao không đúng thẩm quyền quy định: Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì người đang sử dụng đất được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất đã được giao theo quy định tại Khoản 1, Điều 20 của Nghị định này.
Cũng theo luật sư Binh, gia đình cụ Lộc có đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ theo Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời cho thấy, bản án sơ thẩm của TAND TP Thủ Đức đã dựa trên quá trình sử dụng đất hợp pháp, ổn định của gia đình cụ Lộc từ năm 1992.
Theo Khoản 3, Điều 23 của Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/5/2014 đã quy định. Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định từ ngày 15/10/1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 của Nghị định này.
Luật sư Nguyễn Duy Binh cho biết thêm: Từ góc nhìn nhân văn, cụ Nguyễn Hồng Ửng lúc sinh thời, nguyên là Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Cơ sở II Trường Đại học GTVT, từng là một trong những cán bộ cốt cán, đã có quá trình dài đóng góp, xây dựng đối với nhà trường. Không ít thế hệ sinh viên Trường Đại học GTVT đến nay còn lưu giữ hình ảnh trân quý về người thầy mẫu mực, từng đào tạo, giáo dục nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp, ra trường, công tác cống hiến cho xã hội. Nhiều người trong số họ đã trở thành những cán bộ công tác trong ngành GTVT, góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững của đất nước. Trong quá trình công tác, cụ Ửng được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý.
Ở độ tuổi 84, mái đầu bạc phơ, cụ Lộc bày tỏ nỗi niềm xót xa: “Chẳng lẽ những người có công với cách mạng như chồng tôi sau khi chết đi lại không được bảo vệ và thụ hưởng những quy định của pháp luật hay sao?”.
Thiết nghĩ là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Đại học GTVT là một hình mẫu về công tác đào tạo, đã và đang ghi dấu trong đời sống xã hội bằng nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chất lượng cao theo xu thế hội nhập, có trách nhiệm đối với xã hội. Bởi vậy, không ít người tin rằng, Trường Đại học GTVT sẽ tiếp nối truyền thống cao đẹp bằng việc tri ân những thế hệ thầy, cô đi trước, bằng những việc làm nhân văn ngày nay.