Khắc sâu lời Bác căn dặn 70 năm trước
Nghiên cứu - Trao đổi 19/09/2024 10:38
Hùng Vương dựng nước
Hùng Vương được ghi chép sớm nhất tại Bản Ngọc phả Hùng Vương vào năm 980 dưới đời vua Lê Đại Hành nhà Tiền Lê. Điều này cũng được phản ánh đầy đủ tại “Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền” được lưu giữ vào năm Hoằng Định thứ nhất (năm 1600) đời vua Lê Kính Tông nhà Hậu Lê.
Người con trai trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã lên ngôi ở Phong Châu (Phú Thọ), là một vùng rừng núi, lấy hiệu là Hùng Vương và lập ra quốc gia Văn Lang. Tuy mới sơ khai nhưng Nhà nước Văn Lang đã có bộ máy cai trị từ trung ương đến địa phương. Đứng đầu nhà nước Văn Lang là Hùng Vương theo hình thức cha truyền con nối đến 18 đời. Dưới Hùng Vương có lạc hầu và lạc tướng phò giúp. Con trai Hùng Vương gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương. Cả nước chia làm 15 bộ do 15 lạc tướng đứng đầu. Dưới bộ là các làng, kẻ, chiềng, chạ do bồ chính cai quản. Người dân trong nước Văn Lang gọi là lạc dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308, tại Đền Giếng, ngày 19/9/1954. |
Cơ sở kinh tế của Nhà nước Văn Lang là nông nghiệp lúa nước. Sử cũ ghi chép lại “ruộng theo nước thủy triều lên xuống mà làm”, chứng tỏ rằng người Việt cổ đã có được phương thức làm ruộng nước ở ven sông, ven biển, tránh những ảnh hưởng xấu đến mùa màng. Dân chúng thời Hùng Vương thạo nghề bắt cá, chài lưới (tục vẽ mình), nghề nông (truyện bánh chưng, bánh giầy; truyện dưa hấu), nghề luyện kim (truyện Thánh Gióng), và nghề buôn bán (truyện Chử Đồng Tử, truyện dưa hấu). Bên cạnh đó, nhuộm răng đen, một hình thức chống sâu răng của người Việt cổ, đã trở thành tục lệ chung. Dân chúng dưới thời Hùng Vương cũng biết đắp đê và làm thủy lợi chống lũ lụt (truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh).
Về văn hóa tín ngưỡng, một số ý kiến cho rằng truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung thời Hùng Vương thứ mười tám phản ánh Phật giáo tiểu thừa truyền bá vào nước ta.
Khi giặc Ân đến xâm lược, Nhà nước Văn Lang đứng đầu là Hùng Vương thứ sáu đã cho sứ giả đến từng làng để truyền đạt lời hiệu triệu toàn dân đánh giặc. Hình ảnh Thánh Gióng từ một cậu bé bỗng vụt lớn như thổi nhờ cơm áo của dân làng đóng góp rồi háo hức lên đường ra trận chính là hình tượng toàn dân ta đoàn kết đánh giặc theo lời hiệu triệu của non sông đất nước.
Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” (1943), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Kể năm hơn bốn ngàn năm/ Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà/ Hồng Bàng là tổ nước ta/ Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang. Người kêu gọi toàn dân tham gia Mặt trận Việt Minh để khôi phục độc lập dân tộc và xây dựng cuộc đời tự do, hạnh phúc: Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau.
Ngay sau khi nước nhà giành lại độc lập, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ lễ tại Thủ đô Hà Nội và một đoàn đại diện Nhà nước do Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu đã lên Đền Thượng ở Phú Thọ dâng lễ.
Trong cuộc gặp các cán bộ và chiến sĩ Đại đoàn 308, tại Đền Giếng, ngày 19/9/1954, Bác đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Tại lễ mừng Quốc khánh 2/9/1955, Bác nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên Nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”.
Ngày 25/4/1961, tại Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, Bác nhắc lại câu đã phát biểu cách đó 10 năm (1951) tại Đại hội hợp nhất Mặt trận Việt Minh-Liên Việt: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” .
Thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng ta đã phát huy vai trò quy tụ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đã tạo động lực to lớn giúp Nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954); cuộc kháng chiến chống chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta đề cao và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại hội XIII của Đảng (2021) đã nhấn mạnh “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại” nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỉ XXI.
Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc (Nghị quyết 43). Nghị quyết 43 khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu và là đường lối, chiến lược xuyên suốt của Đảng, đây là nguồn sức mạnh to lớn và nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi.
Trong bài: “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (4/8/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ: “Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với truyền thống tốt đẹp, khí phách và tinh hoa của dân tộc, không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; với bản lĩnh, kiên định lí tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; được Nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng là ước vọng của toàn dân tộc “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”...”.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện của đất nước đã khẳng định việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.