Dòng chảy của sông cũng là dòng chảy của lịch sử nhân loại
Nghiên cứu - Trao đổi 16/09/2024 09:51
Sông và lịch sử loài người
Vào thời nguyên thủy, sông là nơi loài người lấy nước uống, tắm rửa. Hai bên bờ sông còn là nơi sinh sống của các loài cây có trái ăn được, các loài động vật ăn cỏ để con người săn bắn. Dần dần, khi con người biết làm nông nghiệp cũng phải trồng trọt ở vùng đất cạnh các dòng sông.
Các nền văn minh đều bắt nguồn từ những dòng sông lớn. Sông Nil ở châu Phi đã tạo nên nền văn minh Ai Cập kì bí. Sông Euphrates và Tigris tạo nên văn minh Lưỡng Hà. Sông Hoàng Hà ở Trung Quốc tạo nên nền văn minh Trung Hoa. Sông Ấn và sông Hằng tạo nên nền văn minh Ấn Độ,…
Sông Nile chạy qua Ai Cập, Sudan, Nam Sudan, Ethiopia, Uganda, Congo, Kenya, Tanzania, Rwanda, Burundi và Eritrea. Sông Nile được biết đến là con sông dài nhất thế giới với chiều dài 6.853km, ước tính có ít nhất 30 triệu năm tuổi. Sông Nile gắn liền với Ai Cập và nền văn minh Ai Cập cổ đại, khoảng năm 3.000 trước Công nguyên. Có thể nói, nếu không có sông Nile, người Ai Cập cổ đại sẽ không bao giờ trở thành một trong những nền văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người.
Sông Hương mùa lũ mang phù sa bồi đắp để tạo nên nhiều sản vật phong phú của xứ Huế. |
Khoảng 8.000 năm trước, tổ tiên săn bắn hái lượm của loài người đã định cư ở bãi bồi giữa sông Euphrates và Tigris. Tại đây, họ bắt đầu trồng trọt và chăn nuôi; chính vì vậy nhiều người gọi khu vực là “cái nôi của nền văn minh nhân loại”. Từ các thành phố đầu tiên như Eridu, Ur và Uruk, con người đã có những phát minh quan trọng như bánh xe và chữ viết, sau đó là hệ thống luật pháp, thuyền buồm, nấu bia, những bản tình ca và nhiều phát minh khác.
Thời cổ đại, người Hán dựng nhà sinh sống và làm nông nghiệp dọc hai bên bờ sông Hoàng Hà. Bởi vậy, việc chống lũ lụt trở nên quan trọng. Theo truyền thuyết, Vũ, người đã có công phát triển kĩ thuật trị thủy đã trở thành vị vua đầu tiên của nhà Hạ (khoảng thế kỉ XXI - XVI TCN), nhà nước đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Bấy giờ ở lưu vực Hoàng Hà lũ lụt mênh mông, người Hán chỉ biết chạy trốn mỗi khi nước dâng cao nên mức sản xuất thấp. Người cai trị lúc đó của người Hán (sử Trung Quốc gọi là các vị vua huyền thoại) là Đường Nghiêu rất lo buồn về việc này. Có người giới thiệu Cổn với Đường Nghiêu. Đường Nghiêu lập tức hạ lệnh cho Cổn lãnh đạo việc trị thủy.
Cổn cùng với một số trợ thủ nghiên cứu ra cách “nút chai” tức là dùng các tảng đất đá lớn để vây nước lại. Đây chính là các con đê sơ khai. Ròng rã suốt 9 năm, tổn hao nhiều sức người và của cải nhưng các con đê của Cổn cũng không chặn nổi dòng nước. Nguyên nhân trị thủy thất bại của Cổn cũng có khả năng là do ông không giỏi trong việc đoàn kết tộc nhân cùng các bộ lạc khác nên nhiều đoạn đê kém chất lượng bị vỡ. Đường Nghiêu thấy Cổn làm việc bất lực liền hạch tội Cổn và xử tử ông.
Vì công việc trị thủy rất quan trọng nên sau khi Ngu Thuấn lên làm thủ lĩnh thay Đường Nghiêu vẫn tin tưởng cử Vũ là con trai Cổn tiếp tục công việc của cha. Lần này Vũ rút kinh nghiệm nên thay cách “nút chai” của cha bằng cách “dẫn chảy chỗ trũng”. Thay vì trực tiếp đắp đê ngăn dòng chảy của sông, Vũ đã thực hiện một hệ thống kênh mương thủy lợi thuyên giảm nước lũ vào các cánh đồng. Bên cạnh đó, ông huy động nhân công nỗ lực nạo vét lòng sông. Dự án này được gọi trong lịch sử Trung Quốc là Đại Vũ trị thủy.
“Sử kí - Hạ bản kỉ” của Tư Mã Thiên (145 - 46 TCN) thời Hán có chép rằng, khi Vũ trị thủy đã “lao thân tiêu tư, 13 năm sống ở ngoài, qua cửa nhà không dám vào”. Chính vì vậy, Vũ đã xúc tiến được sự đoàn kết giữa các bộ lạc trong việc trị thủy.
Ngu Thuấn rất ấn tượng trước công việc của Vũ nên đã đưa ông lên ngôi thủ lĩnh. Vũ dựng đô ở An Ấp (Sơn Tây, Trung Quốc), mở ra thời nhà Hạ. Về sau, ông truyền ngôi lại cho con là Khải, mở ra thời kì ngôi vua được cha truyền con nối. Từ đây, Trung Quốc xóa bỏ chế độ sở hữu thị tộc để tiến lên chế độ sở hữu tư hữu. Vũ khi lên ngôi vua cũng đã bắt các địa phương hằng năm cống nạp mình. Nếu địa phương nào trễ cống nạp sẽ bị nghiêm trị. Sử sách Trung Quốc cũng ghi chép chuyện Vũ hai lần tập hợp quân đội các địa phương để thảo phạt Tam Miêu. Bởi vậy, các sử gia Trung Quốc xếp nhà Hạ là nhà nước phong kiến đầu tiên của Trung Quốc.
Việc trị thủy thành công đã cho phép nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Nhờ đầy đủ lương thực, dân số người Hán tăng nhanh. Từ đó, văn hóa Trung Hoa cổ đại phát triển dọc theo sông Hoàng Hà. Bởi vậy, người Hán đời sau thường tự xưng là “Hoa Hạ”.
Sông Ấn là con sông bắt nguồn của nền văn minh Ấn Độ. Tuy nhiên, văn minh sông Ấn sau đó bị lụi tàn và thay vào đó là nền văn minh sông Hằng. Sông Hằng hiện là dòng sông thiêng liêng nhất ở Ấn Độ, không chỉ là nơi cung cấp nước mà còn được coi là nơi cứu rỗi linh hồn cho hàng triệu con người. Lưu vực sông Hằng là khu vực đông dân nhất, sản xuất nông nghiệp lớn nhất và rộng lớn nhất ở Ấn Độ. Con sông này cung cấp nước tưới và một hệ thống kênh rạch chằng chịt với các kênh huyết mạch chính là Kênh thượng lưu và Kênh hạ lưu. Các loại lương thực và hoa màu trồng trọt và thu hoạch ở khu vực này có: Lúa, mía đường, đậu lăng, khoai tây và lúa mì.
Sông và lịch sử dân tộc ta
Ở nước ta, trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, các con sông lớn trên đất Việt thường gắn với một nền văn hóa, đó là: Văn minh sông Hồng, văn minh sông Mã, văn minh sông Cả, văn minh tiền sử lưu vực sông Đồng Nai... Theo thống kê, Việt Nam hiện có 2.372 con sông có chiều dài hơn 10km.
Cơ sở kinh tế của Nhà nước Văn Lang (Nhà nước đầu tiên) là nông nghiệp lúa nước. Người Việt cổ đã có được phương thức làm ruộng nước ở ven sông để tránh những ảnh hưởng xấu đến mùa màng. Theo các tài liệu thì “Văn” là người, nhóm người, tộc người, cộng đồng người, … Còn “Lang” là sông. Ghép lại, Văn Lang có nghĩa là cộng đồng người lập nghiệp bên lưu vực những con sông.
Sông Hương và Huế
Sông Hương là con sông thơ mộng chảy giữa lòng thành phố Huế, đúng như miêu tả của nhà thơ Thu Bồn: Con sông dùng dằng, con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.
Đây cũng là một trong “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp của mảnh đất Kinh đô Huế) do vua Thiệu Trị lựa chọn. Trong đó, sông Hương là địa điểm duy nhất có đến 2 cảnh, đó là “Hương Giang Hiểu Phiếm” (cảnh sông Hương) và “Trạch Nguyên Tao Lộc” (cảnh đầu nguồn sông Hương).
Hằng năm, vào mùa lụt, nước sông Hương dâng cao có thể gây ngập úng cho TP Huế và các vùng lân cận nhưng nhờ phù sa sau mỗi trận lụt, các miệt vườn như Nguyệt Biểu với đặc sản là quả Thanh Trà; Kim Long với măng cụt, các triền ven sông với bắp... sẽ tốt tươi hơn. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” đã viết: “Sông Hương khi về đồng bằng đã thay đổi tính cách, sông như đi chế ngự bản năng của người con gái để mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ trở thành phù sa của một vùng văn hoá xứ sở”.