Khát vọng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nghiên cứu - Trao đổi 20/09/2024 10:09
Thiết tha yêu chuộng hòa bình, cố gắng giải quyết mọi xung đột bằng con đường đàm phán hòa bình nhưng cũng kiên quyết chống các cuộc chiến tranh xâm lược để bảo vệ hòa bình một cách thực sự; sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước trên tinh thần cùng tồn tại hòa bình là những nội dung cơ bản trong tư tưởng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong bài viết chúc mừng Hội nghị Á-Phi được khai mạc vào ngày 18/4/1955 tại Bangdung (Indonesia), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân nước nào cũng yêu chuộng hòa bình, cũng chán ghét chiến tranh, cũng muốn sống tự do độc lập”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. |
Tháng 7/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam thăm hữu nghị Tiệp Khắc. Ngày 18/7/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm làng Lidice, cách Thủ đô Praha 16km, nơi bị phát xít Đức triệt hạ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Có 82 thiếu nhi của làng bị đưa vào trại tập trung ở Ba Lan và sau đó bị đầu độc bằng hơi ngạt. Tại nơi đây, Người nói: “Chúng ta quyết phấn đấu để cho trên thế giới không bao giờ có những cảnh thảm sát như ở Lidice nữa, để con cháu chúng ta không bao giờ phải nếm mùi khủng khiếp của chiến tranh, để con cháu chúng ta lớn lên sung sướng trong hòa bình”.
Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru nhận định: “Thế giới ngày nay đang trải qua một cuộc khủng hoảng... Cái cần bây giờ là tiếp cận hòa bình, hữu nghị và tình bạn. Tiến sĩ Hồ Chí Minh là biểu tượng cho sự tiếp cận đó” .
Ngày 5/9/1969, Uỷ ban toàn quốc Đảng Cộng sản Mỹ cũng nhận định: “Tên tuổi của đồng chí Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi gắn bó với những hành động cao cả nhất và những ước mơ cao quý nhất của nhân loại nhằm thực hiện một cộng đồng anh em thực sự của Nhân dân các nước được hưởng quyền bình đẳng và được thỏa mãn đầy đủ những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, một thế giới không có chiến tranh, không có sự tàn bạo, sự nghèo khổ và sự phân biệt đối xử… Tấm gương vĩ đại của đồng chí Hồ Chí Minh suốt đời đấu tranh quên mình để phục vụ Nhân dân Việt Nam, phục vụ những người lao động trên thế giới và toàn thể loài người bị áp bức sẽ mãi mãi cổ vũ trái tim và dìu dắt tư tưởng của các chiến sĩ hòa bình đấu tranh cho tự do và chủ nghĩa cộng sản”.
Tại Hội thảo quốc tế kỉ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990), Tiến sĩ Modagat Ahmet, Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) phụ trách khu vực văn hóa châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hi vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này” .
Romesh Chandra, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới (1977-1995) nói rằng: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình công lí, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu Nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.
Tính đến nay, đã có 35 tượng, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ở 20 nước thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Lào, Thái Lan, Pháp, Nga, Hungary, Cuba, Venezuela, Argentina, Mexico, Chile, Panama, Dominica, Madagascar...). Có nhiều đường phố, đại lộ (riêng Pháp có 7 đường phố, Italy có 21 đường phố), 16 khu tưởng niệm và công viên, 6 bia tưởng niệm, 6 trường học mang tên Người ở nước ngoài.
Hiện thế giới không chỉ nhớ đến Việt Nam là một quốc gia đi tiên phong trong việc chống chủ nghĩa thực dân đế quốc mà còn biết đến Việt Nam như là một nhân tố tích cực bảo vệ hòa bình thế giới. Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc (LHQ). Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kì 2008-2009, 2020-2021. Việt Nam cũng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng 7/2008, 10/2009, 1/2020, 4/2021. Việt Nam là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 (nhiệm kì 2022-2023) đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam còn là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kì 2014-2016 và 2023-2025...
Bên cạnh đó, Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập vào năm 2013 và sau đó nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam vào năm 2018. Thời gian qua (2014-2024), Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ tại phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam sau quá trình dài đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới.
Trong bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (4/8/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ: “Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với truyền thống tốt đẹp, khí phách và tinh hoa của dân tộc, không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; với bản lĩnh, kiên định lí tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; được Nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng là ước vọng của toàn dân tộc “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”...”