Tín ngưỡng dân gian tại vùng đất Hỏa Lựu - Vị Thanh
Nghiên cứu - Trao đổi 03/10/2024 11:11
Mấy trăm năm trước vùng đất này còn hoang sơ, khắc nghiệt, với “sương lam, chướng khí”, “dưới sông sấu lội, trên bờ cọp đua”; cùng với niềm tin của bản thân, những người khẩn hoang còn dựa vào thiên nhiên, sùng bái trời, đất, thánh thần mong được phù hộ trong việc khẩn hoang, làm ăn mua bán thuận hòa; gia đình bình an...
Công cuộc khẩn hoang hoàn tất khi đã định cư, đời sống tương đối ổn định, cư dân thường lập đình làng thờ “Thành hoàng bổn cảnh”, ghi nhớ công lao các bậc tiền hiền, hậu hiền có công mở đất, giữ đất, bảo vệ quê hương. Đình làng Hỏa Lựu ra đời trong bối cảnh đó, có lẽ do các thế hệ cư dân trước đây từng theo vị Anh hùng Nguyễn Trung Trực, khởi nghĩa đánh Tây ở Rạch Giá, nên người dân lập đình thờ Ông Nguyễn, sau này gọi là đình Nguyễn Trung Trực. Người dân vùng Rạch Giá xưa gọi “Ông Nguyễn” tỏ rõ sự cung kính, chứ không dám kêu đích danh Nguyễn Trung Trực.
Một số ý kiến cho rằng, đình làng Hỏa Lựu có từ 3 - 4 đời trước, khoảng cuối thế kỉ XIX Nhưng trong sách “Lịch sử Đảng bộ xã Hỏa Lựu 1954 - 1975” ghi nhận: “Người Kinh lập ra đình thần Nguyễn Trung Trực tại chợ Hỏa Lựu vào năm 1930”. Hiện nay, sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đình tọa lạc cuối chợ phường 7 (Hỏa Lựu cũ), có nhà chánh điện, sân đình, cổng rào.
Hằng năm, vào ngày 12/10 âm lịch, cư dân trong vùng tổ chức cúng kì yên Thượng Điền; giữa năm, cúng giỗ Ông Nguyễn vào ngày 18/8 âm lịch; cuối năm, ngày 12/10 âm lịch thì cúng kì yên Hạ Điền. Đình làng Nguyễn Trung Trực được xem như một di tích, minh chứng cho thời khẩn hoang của lớp người Việt đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp tại Hỏa Lựu, trong vùng Vị Thanh xưa và nay.
Hiện nay, Ban quản trị đình vẫn còn lưu giữ một sắc thần (bản sao), nhưng không rõ đời vua nào sắc phong. Nhìn chung, việc tiến hành lễ hội còn ở mức bình thường, chưa được quy mô rộng khắp. Các lễ thức khá giản đơn theo thông lệ các đình Nam Bộ, kể cả ngày lễ cúng giỗ Ông Nguyễn.
Kiến trúc đình chưa được nâng cấp, tính mĩ thuật còn hạn chế. Về nội dung hoạt động thời xưa, ngoài việc cúng tế, thờ “Thành hoàng bổn cảnh” và “Ông Nguyễn”, chưa thấy tài liệu ghi nhận hay nhân chứng xác nhận về các chức năng khác của đình, như chỗ làm việc của hương chức làng, nơi sinh hoạt cộng đồng.
Trước lúc ra đời của đình Nguyễn Trung Trực, có lẽ các lớp cư dân, khẩn hoang vùng Hỏa Lựu - Vị Thanh đã lập các miếu, am. Tiêu biểu như miếu Bà Chúa xứ, hình thức kiến trúc nhỏ hơn đình, cất ở ngã ba, ngã tư trong chòm xóm; chủ yếu thờ thần nữ, người cai quản về tâm linh trên địa bàn. Trên địa bàn TP Vị Thanh có 9 ngôi miễu thờ thần, trong đó có 1 miếu Bà Chúa xứ, tại bờ kênh Mới, xã Tân Tiến khá khang trang, lập từ lâu đời.
Miếu Thổ thần (Thổ địa), thời xưa hầu như đất nhà nào cũng có, nhỏ hơn miếu bà, dân gian thường cất sơ sài (cây lá), vừa làm ranh đất, vừa để thờ Thần đất. Ngày nay, vẫn còn khá nhiều miếu thờ Thổ thần đặt rải rác trong khu xóm, trên đất vườn. Các nghi thức cúng ở các miếu Bà Chúa xứ, miếu Thổ thần khá giản đơn, không tụ tập đông người, thỉnh thoảng có múa bóng nổi.
Bàn thờ Ông Thiên (thờ Trời), đáng chú ý từ thời xưa, người khẩn hoang ở Hỏa Lựu - Vị Thanh đã có tín ngưỡng thờ Ông Thiên (Trời). Mỗi nhà đều lập một bàn thờ trước sân nhà, theo kiểu đặt trang thờ nhỏ, tựa lên một thân cây cắt ngang. Về sau, nhiều gia đình khá giả làm trụ bằng gạch thẻ, trang thờ bằng tấm gạch tàu.
Miếu Cô Hồn, miễu nhỏ, hình thức tương tự như miếu Thổ thần, chủ yếu dân gian lập ra để thờ các oan hồn, uổng tử (chết tai nạn, oan ức). Miếu thường đặt nơi ở ngã ba, ngã tư sông. Ngày nay, đặt theo lộ xe. Ngoài ra, còn có chùa Ông của người Hoa. Gọi là “chùa”, nhưng không phải là thiết chế tôn giáo mà ở dạng “tín ngưỡng dân gian”. Bởi đây là một dạng “Hội quán”, nơi sinh hoạt cộng đồng của người Hoa thời khẩn hoang lập nghiệp.
Bên cạnh việc thờ tự người có công đưa di dân người Hoa đi lập nghiệp, “chùa” còn là nơi nhóm họp, tương trợ giúp nhau trong cộng đồng. Giống như nhiều nơi trong vùng Nam Bộ, người Hoa khi định cư, lập nghiệp thường cất chùa Ông Bổn, để thờ một vị quan thời nhà Minh (Trung Hoa), người có công đưa di dân từ lục địa, đi lập nghiệp ở các nước lân cận.
Theo ý nghĩa đó, chùa Ông Bổn ở chợ Hỏa Lựu được hoàn thành khi một bộ phận bà con người Hoa từ Rạch Giá, Chợ Lớn (Sài Gòn) đến khai phá đã trồng rẫy, buôn bán, làm ăn. Các vị cao niên cho biết, chùa Ông Bổn do một địa chủ người Triều Châu là ông Hán Khiêm bỏ tiền xây cất, nhằm ghi nhớ công đức của các vị thần thánh cùng các vị giúp cộng đồng người Hoa làm ăn sung túc, giàu có.
Trong chánh điện, chùa thờ Ông Bổn, thờ Quan thánh đế (Quan Công) và Thần Tài. Trước cửa chùa có thờ Ông Thiên (Trời). Hằng năm, chùa tổ chức cúng lớn vào các dịp Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng), ngày vía Ông Bổn, ngày vía Quan thánh đế. Trên địa bàn TP Vị Thanh hiện nay, có nhiều bà con người Hoa sinh sống ở các phường 1, phường 3, phường 5, phường 7, xã Vị Tân và xã Hỏa Lựu vẫn thường về chùa cúng bái.
Ngoài chùa Ông Bổn, TP Vị Thanh còn có chùa Quan đế miếu ở phường 5. Đặc biệt, địa bàn thành phố còn có phủ thờ Diệu Tôn Từ - nghĩa địa người Hoa ở phường 7. Đối với người Khmer, tín ngưỡng dân gian thường gắn với ngôi chùa Phật giáo Nam tông.