Ngôi nhà gỗ mít của người thợ già
Văn hóa - Thể thao 19/03/2024 10:17
Tiếng gọi của nghề
Nằm khuất bên trong Tỉnh lộ 618, ở xóm nhỏ Chợ Chùa, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có một ngôi nhà ngói 3 gian cấu trúc theo lối xưa. Bên ngoài thoáng nhìn không có gì đặc biệt so với bao ngôi nhà khác ở vùng nông thôn ngoài 3 gian cửa chính làm bằng gỗ mít còn mới. Song khi bước vào bên trong ngôi nhà mới ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của nó, bởi toàn bộ không gian bên trong ngôi nhà bao trùm một màu gỗ.
Cụ Nguyễn Thanh Minh, 81 tuổi, chủ nhân của ngôi nhà này cho biết, năm lên 21 tuổi, cụ lấy vợ và định cư nơi đây. Vốn là thợ mộc nghèo nhưng khéo tay nhất trong vùng, từ thời trai trẻ đã từng tham gia xây dựng các ngôi nhà ở địa phương. Trong những năm tháng làm nghề có cơ hội đi đây đi đó, được ngắm nhìn những ngôi nhà khang trang đẹp mắt với những đường nét hoa văn tinh xảo, khéo léo trên những thân gỗ do chính tay cụ và đồng nghiệp tạo nên. Những lúc đó ông ao ước sau này mình cũng có được một ngôi nhà như thế.
Câu đối bằng khảm xà cừ tự tay ông đi tìm vật liệu và đính khảm. |
Ước mơ đó được ấp ủ và theo cụ suốt gần cả cuộc đời. Nung nấu và khát vọng về một ngôi nhà như trong ý tưởng cứ thôi thúc và chảy mãi trong cụ, rồi với kinh nghiệm và cái nhìn của người thợ mộc, ông đã khai thác cây mít trong vườn nhà và mua lại của bà con quanh xóm, góp nhặt để dành theo năm tháng. Mãi đến đầu năm 2019, lúc này đã ở tuổi 76, cụ bắt đầu “khởi nghiệp” chính thức thiết kế và thi công các hạng mục bên trong của một ngôi nhà về phần gỗ. Cụ bắt đầu đục đẽo, bào nhẵn, cưa xẻ, búng mực, chạm khắc từ dàn cột đến xiên, trính, đế trụ, rui mè,... Chỉ một mình mày mò, cần mẫn làm việc, hết ngày này sang ngày khác từ năm này sang năm khác. Các con cụ bao lần can ngăn không cho làm, sợ cụ vất vả, song cụ cứ mải mê như người say với công việc mình yêu thích.
Bên mái cổng chào bằng gỗ mít đang làm dang dở, cụ Minh chia sẻ: “Để lại cho con cháu nhiều tiền, nhiều bạc rồi cũng hết, tôi muốn để lại cho đời sau một cái gì đó mà con cháu có thể nhớ đến ông bà được bền lâu hơn nên tôi quyết tâm làm nên căn nhà này”.
Bằng sự chắt chiu, đam mê nghề nghiệp lẫn sự cần cù, sáng tạo và khát vọng về một ngôi nhà theo hướng cổ xưa, căn nhà cũ xây từ năm 1975 được cụ sử dụng lại phần tường đến đầu năm 2021, ngôi nhà ước vọng của cụ chính thức hoàn thành dưới sự trợ giúp của con cháu. Được biết, ngoài sự đam mê và cần cù trong lao động, cụ Minh đạt danh hiệu “Tuổi cao - Gương sáng” nhiều năm liền của xã Tam Quang.
Độc đáo của ngôi nhà
Thật thú vị bởi tất cả nội thất bên trong của ngôi nhà từ 3 hàng cột gồm 12 cây gỗ tròn to nhẵn bóng đến bộ sườn nhà, kèo, rui mè, xiên trính; từ 3 gian cửa chính đến bộ bàn chữ H và 8 chiếc ghế tựa, kể cả hai chiếc phản nằm mỗi chiếc gồm 3 tấm có chiều dài 2,5, rộng 60cm, dày 10cm đến các tấm vách ngăn đều bằng gỗ mít. Nhìn những bao lam gỗ được chạm lộng lẫy, tinh xảo trong từng đường nét, nhất là bức hoành phi và hai tấm tranh khắc họa trúc, cúc, ma, lan và bức kia chạm tùng, điểu, lộc, nhân khiến người xem thán phục. Thêm một điều thán phục nữa đối với cụ là chiếc tủ thờ và hai câu đối được khảm xà cừ óng ánh màu ngọc bích càng làm tôn thêm vẻ cổ kính cho ngôi nhà. Vẻ đẹp của chiếc tủ và 2 câu đối như sự ghi nhận công sức của ông trong những ngày mãi miết rong tìm loài ốc xà cừ ngoài bãi biển gần nhà để về khảm.
Bên trong ngôi nhà của Cụ Minh. |
Cái độc đáo nữa là tất cả nội thất bên trong căn nhà đều do đôi bàn tay của cụ tạo nên. “Học trò của tôi hiện nay trên 30 người, ai cũng muốn phụ giúp, song tôi muốn tự tay mình làm mới thỏa chí đam mê”- cụ nói. Nhà xây dựng theo phong cách nhà truyền thống miền Trung mang hơi hướng hoài cổ. Từ hàng cột mít cho đến cách bài trí nội thất đều được gia chủ sắp xếp theo luật đối xứng âm dương rất tinh tế. Những hình tượng chạm khắc trên các bao lam và vách gỗ đã góp phần cho ngôi nhà vẻ đẹp đầy tính nghệ thuật, mỗi đường chạm khắc, những đường cong uốn lượn của hàng xiên đều mang hơi thở cũng như tâm hồn của người thợ mộc tài hoa.
Ngôi nhà của cụ Nguyễn Thanh Minh không phải là ngôi nhà cổ nhưng nó là một tác phẩm vừa mang giá trị nghệ thuật phảng phất văn hóa nhà ở cổ truyền, vừa phản ánh đậm nét sự cần cù, chịu thương chịu khó lẫn niềm đam mê và sáng tạo của chủ nhà, một người cao tuổi. Nó như hiện thân của những mái nhà cổ truyền thống của vùng quê Việt Nam.
Ai muốn tìm hiểu sự độc đáo về ngôi nhà hoàn toàn bẵng gỗ mít do chính đôi bàn tay của gia chủ tạo nên hãy một lần ghé thăm Chợ Chùa, xã Tam Quang để có cơ hội biết thêm về nghệ thuật làm nhà từ gỗ của người thợ mộc già tài hoa, khéo léo và đầy nghị lực ấy.