Cần Giờ sẽ có siêu cảng biển và thành phố giữa rừng
Văn hóa - Thể thao 01/05/2024 10:43
1. Cần Giờ còn có tên là Rừng Sác. Sác là tên chung để chỉ một nhóm loại cây chỉ mọc ở những bờ biển phù sa bồi. Nhưng ở miền Đông Nam Bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long, khi nói đến rừng sác là người ta nghĩ ngay đến Cần Giờ, như một địa danh.
Cần Giờ là một phần đồng bồi Đồng Nai mà các nhà địa chất đặt tên là Rừng Sác Gia Định, từng rộng đến 170.000ha, chiếm một phần ba rừng ngập mặn của cả nước. Cần Giờ là một quần đảo với hơn 60 hòn đảo bị chia cắt bởi sông rạch chằng chịt và ba cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Thị Vải, tàu có trọng tải 50.000 tấn dễ dàng vào ra.
Nói đến Cần Giờ là nói đến hệ sinh thái rừng ngập mặn, trên là tán cây ken dày, dưới là sự sống phong phú của các loài động vật, cả động vật không ở dưới nước. Trước năm 1954, thảm thực vật hơn 50.000ha của Cần Giờ gần như nguyên vẹn, rất nhiều cây đước cao 25 -30m, đường kính 40 - 50cm, nhưng dần dần bị chặt phá để hầm than, làm củi, làm nhà, nhất là sau khi phải chịu đựng 2 triệu tấn bom đạn, 4 triệu lít chất độc hóa học của quân Mỹ, chỉ còn lại cây bụi. Rừng ngập mặn Cần Giờ trước đây hầu như hội đủ các loài chim (130 loài) và thú của miền Đông Nam Bộ, từ nai, mễn, chồn, lợn, trăn, rắn, khỉ đến cọp, báo, gấu. Vài chục năm trước, cá sấu vẫn còn là mối đe dọa đối với cư dân sông nước Cần Giờ. Năm 1978, tôi ngủ đêm trong lán một nông trường chuyên trồng đước ở Cần Giờ, khuya cá sấu vào bắt chó dưới sạp tre. Do nằm trong vùng nóng ẩm gió mùa với lượng mưa trung bình hằng năm trên dưới 1.100mm, chế độ bán nhật triều, và nhất là nằm trong vùng cửa ngõ các con sông lớn đã tạo ra đới phù sa phong phú cộng với thảm thực vật phân hủy tại chỗ mỗi năm khoảng 10.000 - 14.000kg/ha, khiến cho thủy sản tự nhiên ở Cần Giờ đạt mức cao nhất trong các rừng ngập mặn của Việt Nam với khu hệ động vật thủy sinh không xương sống trên 700 loài, khu hệ cá trên 130 loài, lưỡng thê 9 loài.
Có một điều thú vị nữa, nhân nói về quá khứ, là tại sao Cần Giờ có lúc mang tên Duyên Hải. Cái tên Duyên Hải được dùng từ ngày 5/7/1968, do thời chiến tranh, chính quyền cách mạng sáp nhập Cần Giờ vào tỉnh Biên Hòa để tiện việc bố trí lực lượng đánh giặc. Hòa bình rồi, Duyên Hải vẫn là một huyện của Biên Hòa, đến tháng 3/1978, Chính phủ quyết định trả phần đất mang tên Cần Giờ trước đây về TP Hồ Chí Minh, vẫn mang tên Duyên Hải. Nhưng cái tên Duyên Hải - ven biển - nghe “chung chung” quá, nên theo nguyện vọng của cán bộ và Nhân dân từng gắn bó với mảnh đất này, ngày 18/12/1991, Duyên Hải được trở lại tên có từ mấy trăm năm trước, là Cần Giờ.
2. Cần Giờ có hai đổi thay quan trọng nhất từ ngày đất nước thống nhất đến nay.
Từ năm 1978, từng năm một, rừng Cần Giờ đã xanh tốt trở lại với gần 40.000ha, trong đó có 220 loài thực vật, chủ yếu là cây đước, kế đến là mắm, bần, chà là, sú, vẹt. Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết hầu hết rừng đước Cần Giờ hôm nay được lấy giống từ rừng đước Cà Mau. Những trái đước dài, thon, nhọn theo đường biển từ Đất Mũi về Sài Gòn, được người dân Cần Giờ, công nhân nông trường là người ở trung tâm thành phố và thanh niên xung phong cắm xuống sình lầy lẫn lộn mảnh bom pháo, bật mầm lên xanh, phủ tán hơn một nửa diện tích cả một huyện rộng bằng đảo quốc Singapore, được nhiều chuyên gia môi trường nước ngoài đánh giá là khu rừng được khôi phục, chăm sóc, bảo vệ thuộc loại tốt nhất ở Việt Nam và thế giới, là địa điểm lí tưởng phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái. Vì thế, ngày 21/1/2000, UNESCO đã công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam.
Cần Giờ có hai khu du lịch sinh thái được đánh giá là phát triển bền vững nhất nước, đó là Lâm viên 2.000ha (thường gọi là Đảo Khỉ) và Vàm Sát hơn 1.800ha. Hai khu du lịch này có cảnh quan điển hình của rừng ngập mặn với vườn chim, vườn dơi, vườn thú bản địa giữa mênh mang sông rạch.
Khôi phục được rừng ngập mặn Cần Giờ còn có ý nghĩa đặc biệt nữa, đó là phục dựng nơi trú đóng của lực lượng kháng chiến trong 30 năm giữ nước. Trung đoàn 300 trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, rồi Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác trong cuộc kháng chiến lần thứ hai đã bám trụ nơi đây, vừa đánh giặc tại chỗ, vừa thọc sâu vào Sài Gòn đánh tàu chiến, đánh kho xăng của đối phương. Thời giặc dã ấy, dân số Cần Giờ chưa bao giờ vượt quá 5.000 người mà đã có 600 liệt sĩ, 25 Bà mẹ Việt Nam anh hùng!
Cách Đảo Khỉ mươi phút chạy xuồng cao tốc, căn cứ Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác được phục dựng 28 năm trước dưới tầng lá một cụm rừng đước cao mấy chục mét. Để án ngữ đường thủy trên sông Lòng Tàu, phá hủy kho tàng, bến bãi của địch và bảo vệ bàn đạp cho lực lượng tiếp tế của ta, ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng quyết định thành lập Đặc khu Quân sự Rừng Sác (mật danh T10, sau đổi tên thành Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác cho đến ngày giải phóng miền Nam). Nếu địa đạo Củ Chi là “căn cứ chìm” thì Đặc khu Quân sự Rừng Sác là “căn cứ nổi” - từ lán trại đến hầm hào đều phải nổi trên mặt nước. Bia tưởng niệm trong di tích căn cứ ghi: 860 anh hùng liệt sĩ Rừng Sác đã ra đi/ Lòng Tàu, Tuy Hạ, Nhà Bè đó/ Khói lửa ngút trời sử sách ghi, cho thấy sự hi sinh lớn đến mức nào của lính đặc công trên đất Cần Giờ!
Thứ hai là bắt đầu từ tháng 4/1985, đường Rừng Sác được khởi công xây dựng trên nền đất sình lầy, sông rạch chằng chịt, chỉ có hai làn xe, qua bảy cây cầu và hai phà. Tháng 5/2002, UBND TP Hồ Chí Minh cho nâng cấp đường Rừng Sác lên sáu làn xe, dài 36km, không còn phà, là tuyến đường huyết mạch nối trung tâm thành phố với Khu Du lịch 30 tháng Tư, cách thị trấn huyện lị Cần Thạnh không xa.
3. Cần Giờ là huyện duy nhất của TP Hồ Chí Minh giáp biển với 23km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, tiếp cận trực tiếp với vịnh Cần Giờ 42.000km2 nên TP Hồ Chí Minh định hướng đột phá là thành phố có kinh tế cảng biển và chuỗi đô thị biển du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí. Như vậy Cần Giờ đang dần trờ thành khu đô thị sinh thái cộng sinh với điều kiện tự nhiên để bảo tồn rừng ngập mặn và khu dự trữ sinh quyển, đồng thời tạo liên kết vùng, từng bước liên kết khu vực và quốc tế, tất nhiên phải lưu ý đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu do địa hình Cần Giờ thấp hơn mực nước thủy triều, lại nhiều cửa sông.
Để thực hiện định hướng này, Cần Giờ đã được đầu tư xây dựng cầu Vàm Sát 2 dài 1.080m nhằm phát triển khu vực phía tây huyện, trong đó có Khu Du lịch Vàm Sác. Một cây cầu khác, quan trọng hơn là cầu dây văng Cần Giờ một trụ tháp hình tượng cây đước vượt sông Soài Rạp thay thế phà Bình Khánh với chiều dài 2.764m, mặt cắt 21,75m, bốn làn xe, tĩnh không thông thuyền 55m, chi phí ước tính 5.300 tỉ đồng sẽ khởi công nay mai.
Quan trọng nữa, từ nay đến năm 2030, Cần Giờ phải có cây cầu trên cao, bởi không thể mở rộng đường Rừng Sác vì nếu thực hiện thì sẽ mất hàng ngàn héc-ta rừng ngập mặn, nối từ cầu Cần Giờ đến Cần Thạnh. Sau năm 2030, TP Hồ Chí Minh làm đường kết nối từ vị trí xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với đường Rừng Sác, đường trên cao và xây dựng tuyến metro dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè.
Trong các bản thiết kế trước đây, một số chuyên gia quy hoạch đã đề xuất xây cầu vượt biển hoặc tuyến đường ngầm nối Cần Giờ - Vũng Tàu dài khoảng 15km. Trong khi chờ có cây cầu vượt biển trong mơ ấy, đầu tháng 1/2021, bến phà Cần Giờ - Vũng Tàu đã được đưa vào hoạt động với những tàu cao tốc hiện đại, thời gian nối hai bờ biển chỉ 30 phút. Và trong quý II/2024, tuyến phà 12km từ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ đi thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và ngược lại với kinh phí đầu tư ước tính khoảng 114 tỉ đồng theo hình thức xã hội hóa, bắt đầu hoạt động.
Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã trình UBND thành phố kết quả lập đề án nghiên cứu xây dựng siêu Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (sau đây gọi tắt là Siêu cảng Cần Giờ) tại khu vực cù lao Phú Lợi ở cửa sông Cái Mép. Khu vực này có 93ha rừng phòng hộ, nằm trong vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển nên việc xây dựng cảng không ảnh hưởng đến vùng lõi. Vừa qua, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, đối tác nước ngoài và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã tổ chức các phiên làm việc để chuẩn bị nguồn lực, phương án, lộ trình, tiến độ để sẵn sàng khởi công xây dựng Siêu cảng Cần Giờ vào cuối năm 2024, đầu năm 2025, nếu được phép từ Quốc hội và Chính phủ.
Với quy mô khổng lồ và công suất dự kiến lên tới 15 triệu TEU/năm, Siêu cảng Cần Giờ có diện tích ước tính khoảng 570ha, chiều dài 7,2km với mức đầu tư dự kiến 5,4 tỉ USD bằng vốn của nhà đầu tư, vốn ngân sách, hợp tác công tư (PPP), được xây dựng, khai thác với công nghệ hiện đại nhất. Nằm trên tuyến hàng hải quan trọng, Siêu cảng Cần Giờ sẽ trở thành cửa ngõ vươn tầm toàn cầu, có khả năng đón tàu container lên tới 200.000 DWT, xử lí 30-40% container đi qua khu vực, có khả năng thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực ở Singapore, Malaysia và các cảng quốc tế, từ đó thúc đẩy phát triển vùng kinh tế logistics - công nghiệp rộng hàng nghìn héc-ta, quy mô tương đương các vùng trọng điểm logistics của Singapore như Tuas hay Brani Terminal.
Theo tính toán của các chuyên gia hàng hải, việc xây dựng cảng được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 khai thác từ năm 2027, và hoàn thiện vào năm 2045 với 7 bến chính. Cảng Cần Giờ dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 lao động, đóng góp trực tiếp cho ngân sách khoảng 34.000 - 40.000 tỉ đồng/năm khi xây dựng hoàn chỉnh.
Một tin vui có thể tiếp sức thêm cho Siêu cảng Cần Giờ là Thái Lan có thể sớm khởi động kênh đào Kra nối Ấn Độ Dương với vịnh Thái Lan sẽ giúp các chuyến tàu khởi hành từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương và ngược lộ trình rút ngắn được 1.200km, giảm chi phí và thời gian vận chuyển. Theo đó số lượng tàu thuyền ra vào kênh Kra sẽ đi ngang qua vùng duyên hải Việt Nam là động lực to lớn để Việt Nam phát triển những hải cảng ở phía Nam, nhất là Siêu cảng Cần Giờ.
Trên nền móng một vùng dự trữ sinh quyển thế giới, TP Hồ Chí Minh định hướng phát triển Cần Giờ gắn với bảo vệ, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, gắn với năng lượng xanh, giao thông xanh, sản xuất, tiêu dùng xanh. Để có nguồn năng lượng xanh, TP Hồ Chí Minh đang tính đến việc xây dựng nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ diện tích khoảng 325ha, tổng công suất 6.000MW, chia thành 4 giai đoạn.
Năm 2018, khu đô thị lấn biển Cần Giờ đã được phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000, với quy mô 2.870ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng, sẽ trở thành thành phố biển tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường, là thành phố trong rừng, rừng trong thành phố, trở thành khu du lịch, đô thị nghỉ dưỡng, tổ chức sự kiện tầm cỡ quốc tế.
Hiện nay, các nhà đầu tư đang tiến hành các thủ tục điều chỉnh cục bộ để năm 2025 khởi công xây dựng khu đô thị này