Chiến sĩ Điện Biên ở thành Vinh và những câu chuyện khó quên!
Văn hóa - Thể thao 25/04/2024 09:48
Còn nhớ, 40 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đoàn đại biểu của Chính phủ Cộng hòa Pháp sang thăm Việt Nam, có ông Uy-li-am, Chủ tịch Cựu chiến binh Pháp đã từng tham chiến ở mặt trận Điện Biên Phủ và bị bắt làm tù binh vào chiều 7/5/1954. Đến thăm Việt Nam lần đó, ông Uy-li-am phải tìm gặp cho bằng được người lính đã cứu mạng ông, đối xử rất nhân đạo với ông vào buổi chiều lịch sử ấy, đồng thời lên thăm chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.
Với ý định đó nên trong chuyến đi này, ông đưa cả người vợ đã từng rơi nước mắt khi đón ông từ Việt Nam về. Nhận được đề nghị của vợ chồng Uy-li-am, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có công văn mời ông Trần Văn Bảo ra Hà Nội gấp với lí do trên. Vừa gặp Trần Văn Bảo, vợ ông Uy-li-am cảm động không nói nên lời, bà quỳ xuống trước mặt ân nhân của chồng và nói lời cảm ơn. Không chỉ người vợ khóc mà Uy-li-am cũng không cầm được nước mắt nói: “Sự khoan hồng, lòng nhân đạo của những người lính năm xưa đã bắc nhịp cầu hữu nghị Pháp - Việt hôm nay…”.
Đầu năm 1954, Uy-li-am khi đó đang là sinh viên đại học năm thứ hai bị bắt đi nghĩa vụ đưa sang chiến trường Đông Dương. Ngày 18/1/1954, đến Nghĩa Lộ, Uy-li-am được phổ biến là đi đánh Việt Minh ở Điện Biên. Ngày 12/3, nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, chiến đấu trong đội hình của một trung đội tăng cường chốt ở Mường Thanh. Trung đội Uy-li-am bị bắt tỉa chết gần hết. Sau đó, Uy-li-am được bổ sung vào một trung đội khác người Algeri, Tunisi, Maroc. Nhưng đêm 6/5, trung đội này cũng gần như bị xóa sổ. Số còn lại bỏ chạy lên núi tìm cách vượt sang Lào. Uy-li-am cũng ở trong tình trạng đó. Khoảng xế chiều ngày 7/5, Chính trị viên đại đội Trần Văn Bảo và Chi ủy viên Nguyễn Hoàn, cùng một đồng chí tên Quang nghe tiếng kêu to: “Bọn Pháp, bọn Pháp”. Ngay lập tức Trần Văn Bảo bắn chỉ thiên một loạt đạn vừa để uy hiếp địch, vừa để báo tin cho đồng đội. Bắn xong Trần Văn Bảo chạy đến thì gặp cây gỗ to chắn ngang đường, phía dưới là suối sâu và cây cối rậm rạp. Ở đó đang có một thằng Tây mũi lõ, to lớn, mặc quần dài, rách tơi tả, mang một ba lô lép kẹp, nằm rên khóc dưới một gốc cây cổ thụ. Trần Văn Bảo bắn chỉ thiên, còn mấy chiến sĩ thì bắn cày xới xung quanh nó. Ông ngăn các chiến sĩ không được bắn chết và tiến tới gần hô to Hautlemain (đầu hàng) bằng tiếng Pháp và ra dấu cho nó hãy yên tâm. Uy-li-am được đưa về chỗ tập kết. Trước khi đi, Uy-li-am nhìn Trần Văn Bảo với đôi mắt biết ơn… 40 năm, Uy-Liam vẫn không bao giờ quên giây phút đó.
Khi thoát chết, trở về nước, Uy-li-am kể lại câu chuyện trên cho vợ. Từ đó hai vợ chồng Uy-li-am cứ ước ao sang Việt Nam để tạ ơn ân nhân của mình.
Câu chuyện trên được ông Trần Văn Bảo, trú ở xóm 24, xã Nghi Phú, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, kể lại và được in trong cuốn: “Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh”, xuất bản năm 2006.
Chiều 21/4/2024, tôi đến khối Trung Nghĩa, phường Đông Vĩnh, TP Vinh, tìm hỏi nhà ông Nguyễn Xuân Quy, nguyên Đại đội trưởng, thuộc Trung đoàn 675, Đại đoàn Công pháo 351. Ông Nguyễn Xuân Quy đã mất năm 2018 nhưng câu chuyện dùng hỏa tiễn đánh địch ở Điện Biên Phủ, mà ông là một trong những chứng nhân chính vẫn còn đó.
Khi mặt trận Điện Biên Phủ bước vào hồi quyết định, đơn vị ông Quy được Đại đoàn giao nhiệm vụ tiếp nhận 24 dàn hỏa tiễn từ Triều Tiên, Trung Quốc chuyển về. Sau 10 ngày học tập, huấn luyện làm quen với loại vũ khí mới, đêm mùng 4/5/1954, đơn vị ông cùng Đại đội 2, tiểu đoàn 224, được lệnh hành quân vận chuyển xe pháo vào trận địa. Suốt 2 ngày 5 và 6/5/1954, Đại đội ông cùng Đại đội 2, bố trí trận địa và tiến hành đo đạc trên bản đồ với thực địa cả cự li tầm bắn từ vị trí dàn phóng đến các đồn địch. Đúng 20h30 ngày 6/5/1954, sau tiếng nổ của gần 1000kg bộc phá ở đồi A1 làm hiệu lệnh nổ súng cho đợt tổng công kích đợt 3, lập tức 12 làn hỏa tiễn 122 li phóng đạn dữ dội vào các đồn bốt giặc. Tất cả các đồn bốt gần như bị san phẳng. Bọn địch bị thương vong rất lớn. Chiều 7/5/1954, từng đoàn, từng đoàn lính Pháp tay cầm cờ trắng, dù trắng lũ lượt ra hàng. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng.
Năm 2004, nhân kỉ niệm 50 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Xuân Quy và vợ là bà Lê Thị Xuân cùng đoàn “Chiến sĩ Điện Biên, Vinh - Nghệ An” lên thăm chiến trường xưa. Xúc cảm trào dâng, người CCB nhả sợi tơ lòng: “… Đoàn chiến sĩ Điện Biên” Vinh, Nghệ An/ Vượt núi băng ngàn, về đây thăm chiến trường cũ/ Ôi! Điện Biên biết bao điều ấp ủ/ Năm chục năm qua tới mãi bây giờ/ Thuở ấy chúng tôi vừa mười tám đôi mươi/ Đầy sức trẻ với tuổi đời xông xáo/ Đánh giặc ngày đêm gian lao chẳng quản/ Mà nay đầu tóc đã đổi màu/ Trở lại Điện Biên và thăm trận địa/ Đây rồi! Đồi A1, đồi C, Hồng Cúm/ Đồi Độc Lập, Bản Kéo, Him Lam/ Đồi D1, Mường Thanh, hầm Đờ Cát/ Khu Trung tâm, khu Bắc, khu Nam/ 56 ngày đêm quân ta diệt địch/ Bắt sống Đờ Cát và trên vạn giặc/ Giải phóng Điện Biên phất cờ chiến thắng/ Trở lại thăm lòng đầy phấn chấn/ Thỏa một đời đã cống hiến vì dân/ 50 năm mới có một lần/ Ôi Điện Biên, Điện Biên, ngàn lần thương nhớ”…n