Nguyễn Thành và “Qua miền Tây Bắc”
Văn hóa - Thể thao 30/04/2024 14:40
Có năng khiếu nghệ thuật, lại gặp được môi trường quân đội nên Nguyễn Thành hoạt động rất hăng say, ông trở thành chiến sĩ trong Đội Tuyên truyền văn hoá Đại đoàn Quân tiên phong (Sư đoàn 308 sau này). Trước ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, ông được điều động về Đội Quân nhạc chuẩn bị tham gia đoàn quân Tây Tiến. Từ mùa Xuân năm 1947, ông chính thức trở thành đội viên vũ trang tuyên truyền Tây Tiến liên quân Việt - Lào.
Lúc đầu ông chưa hiểu hết ý nghĩa của tên gọi: “Đội Vũ trang tuyên truyền Tây Tiến - Việt Lào”. Mãi đến khi lên gần biên giới, gặp một trung đội Pa Thét Lào có vũ khí đầy đủ, do đồng chí Thao Ma chỉ huy, rồi sáp nhập “Đội Vũ trang tuyên truyền Tây Tiến” của Việt Nam thành “Đội Vũ trang tuyên truyền Việt - Lào”, ông mới vỡ lẽ.
Trong Đội nhạc binh Đoàn Tây Tiến có nhiều người tài năng. Vài người biết thổi kèn, mấy người biết hát, có người chơi đàn guitar, hoặc kéo nhị... vì thế nên khi đi đến đâu là thanh thế của đơn vị rầm rộ đến đó. Những đêm đơn vị tổ chức lửa trại, Nhân dân trong vùng đến tham gia rất đông.
Hình ảnh đập vào mắt chàng lính trẻ là núi non Tây Bắc trùng điệp, vực sâu, rắn độc, thú dữ,... Từ bé đến lớn ở Hà Nội, chưa lần nào ông đi bộ quá 6 cây số, nay vào bộ đội phải hành quân mang vác nặng, bụng lúc nào cũng thấy đói, chưa kể sốt rét rụng hết tóc, nhưng ông quyết không bỏ cuộc, bám đội hình đơn vị.
Với Nguyễn Thành, rừng núi Tây Bắc tuy đáng sợ nhưng cũng quá đẹp, và lãng mạn nữa nên nhiều khi bên tai ông như có nhạc, rồi câu hát tự dưng phát ra từ trái tim: Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa/Suối sâu, đèo cao bao khó khắn vượt qua... Nhưng rồi ông bị lên cơn sốt rất cao, quân y đơn vị lại không có thuốc, đành phải tụt lại. Cùng một người nữa sống nhờ vào dân bản, từ chăm lo thuốc men, ăn uống rất tận tình, chu đáo, nên sau một tuần hai người lính đã đuổi theo đơn vị.
Không thể kể hết sự gian khổ, hi sinh của đoàn quân Tây Tiến những năm tháng ấy. Hành quân chiến đấu liên miên như cơn gió lốc cuốn ông và đồng đội. Vốn nhỏ người, không được khoẻ, lại chịu nhiều thiếu thốn trong ăn uống, sinh hoạt nên Nguyễn Thành thường bị những cơn sốt quật ngã. Sau mỗi ngày hành quân, sau khi dứt cơn sốt, những hợp âm núi rừng lại thôi thúc ông. Nhưng phải mấy năm sau, trước khi mở màn Chiến dịch Thu - Đông năm 1952, ông mới để tâm nhiều hơn tới tác phẩm.
Sinh thời, Nguyễn Thành kể rằng, ông suy nghĩ rất nhiều đến tính tư tưởng của tác phẩm. Sống, chiến đấu trên chiến trường Tây Bắc, ông mới hiểu, tất cả núi rừng, nương rẫy, muông thú, kể cả con người đều của Nhà Lang. Vì thế kiếp sống nộ lệ của đồng bào các dân tộc cứ bám theo hết thế hệ này tới thế hệ khác. Và bộ đội cách mạng lên Tây Bắc là để giải phóng đồng bào khỏi áp bức, bóc lột, bất công. Đó là lệnh của Cụ Hồ.
Hôm ấy đơn vị đang dừng chân trên đèo Khau Vát, trước khi đánh trận Nghĩa Lộ mở màn chiến dịch Tây Bắc Thu Đông 1952, trong đầu ông ca khúc đã cơ bản hoàn chỉnh. Nhưng sau khi kí âm tác phẩm vào tờ giấy, ông thấy chưa hay lắm, lại thêm cảm giác mệt mỏi vì hành quân suốt ngày đêm, ăn đói, nhịn khát nên vo viên vứt vào bếp. Song, hôm sau thấy nó không tới được đống lửa đang cháy. Sáng ra mấy anh em Phùng Đệ, Nguyễn Phúc, Trần Chất nhặt lên xem, hát lẩm nhẩm bảo hay quá. Thế rồi từ mấy anh em đó mà đội xung kích hát, như cơn gió lan truyền rất nhanh toàn đơn vị.
Lúc đầu ông đặt tên tác phẩm là “Tiến quân vào Tây Bắc”, bởi lúc ấy bộ đội ta hành quân rất khí thế, ai cũng muốn lập công. Sau đó ông sửa lại là “Vào Tây Bắc”. Nhưng khi đồng đội và các chiến sĩ đội văn nghệ xung kích hát, họ đề nghị tác giả sửa thành “Qua miền Tây Bắc”. Ông thấy cái tên của đứa con tinh thần như vậy là nói được nhiều điều nên đồng ý.
Ngày ấy nhạc cụ rất hiếm, đội văn nghệ xung kích chỉ có chiếc đàn ác-cóoc-đe-ông và vài cây măng đô lin. Ấy thế mà “Qua miền Tây Bắc” lại tìm đến trái tim chiến sĩ:... Bộ đội ta vâng lệnh Cha già/ Về đây giải phóng quê nhà/ Đất nước miền Tây Bắc đau thương từ bao lâu dưới ách loài giặc tàn ác/ Quân với dân một lòng, không phân biệt xuôi ngược/ Cùng đồng tâm tiêu diệt hết quân thù...
Đến tháng 8/2024 này, “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sĩ Nguyễn Thành tròn tuổi 72. Nhiều người còn nhớ, khi các Đại đoàn ta từ các chiến trường hành quân lên Tây Bắc để tham gia chiến dịch Trần Đình (Điện Biên Phủ) cùng với “Hành quân xa” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, thì “Qua miền Tây Bắc” cũng rất được bộ đội yêu thích, như món ăn tinh thần giúp người chiến sĩ hăng say hành quân giết giặc.
Nhạc sĩ Nguyễn Thành, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thành. Ông sinh tháng 1/1931, tại Hà Nội nhưng quê gốc ở làng Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông về học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nguyễn Thành làm Trưởng đoàn Văn công Trường Sơn 559.
Cuộc đời làm nghệ thuật của Nguyễn Thành sôi động và phong phú. Ông không chỉ có “Qua miền Tây Bắc” mà còn có “Cảm xúc Tháng Mười” (thơ Tạ Hữu Yên) cũng rất nổi tiếng... Nguyễn Thành còn là đồng tác giả (cùng với Huy Thục, Lương Ngọc Trác) sáng tác âm nhạc cho vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, tác phẩm được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc, nhạc cho phim, kịch nói, ca kịch...
.Hơn 70 năm, “Qua miền Tây Bắc” trở thành bài hát của Bộ đội Cụ Hồ. Dù biểu diễn dưới hình thức nào thì “Qua miền Tây Bắc” cũng lấy đi khá nhiều nước mắt của cả người thể hiện và người thưởng thức, nhất là người cao tuổi đã trải qua mấy cuộc trường chinh gian khổ mới giành được độc lập, hoà bình cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu