70 năm nghĩ về bộ phim “Một vài hình ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ”
Văn hóa - Thể thao 23/04/2024 10:28
Có thể nói, đằng sau “Một vài hình ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ” là tấm lòng của những con người từng vượt qua mọi gian khổ, khó nhọc, không sợ hi sinh để lưu lại cho các thế hệ sau những giây phút lịch sử không thể tái hiện. Trong hồi ức của mình, đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi tâm sự:“Để tạo nên bộ phim “Điện Biên Phủ” như các bạn đã xem, ngoài tôi ra còn có các nhà quay phim như: Ngọc Quỳnh, Quý Lục, Văn Sinh. Sau này có thêm các anh như: Hồng Nghi, Như Ái, Ngọc Thụ,… Bộ phim ra đời cách đây hơn nửa thế kỉ, đã được khán giả trong và ngoài nước xem và đánh giá, chắc tôi không phải nói nhiều về kết quả và giá trị của bộ phim, song suy nghĩ và ấn tượng thì không bao giờ phai mờ trong tôi về những năm tháng mà mỗi con người đã nếm trải mới thấy hết được và có những lúc không quên được rằng mình có thể vượt qua cái chết để về với vợ con, gia đình, tồn tại đến ngày hôm nay. Trong hoàn cảnh ấy, chính tình đồng đội, tình bạn chiến đấu đã nâng bước chúng tôi đi, vượt qua thử thách chưa từng có trong cuộc đời để làm tròn nhiệm vụ của người cầm máy quay, ghi lại những hình ảnh hào hùng nhất của lịch sử”.
Huy động được lực lượng lớn dân công thồ hàng bằng xe đạp phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Cũng qua hồi ức của ông, vào tháng 10/1953, đội quay phim của ông có 4 người. Phương tiện máy móc lúc đó chỉ có một máy quay phim 16 li, nhãn hiệu Paillard Bolex và 20 hộp phim, mỗi hộp 30m. Đội quay phim bước vào trận chiến như những chiến sĩ thực thụ. Được phân về một đại đội chiến đấu thuộc Đại đoàn chủ lực 308. Đội làm phim cùng đơn vị vượt sông Hồng lạnh giá rồi vượt đèo cao, vực sâu từ Yên Bái, Nghĩa Lộ, hướng về Điện Biên. Dọc đường hành quân, nhiều hình ảnh hào hùng và cảm động diễn ra nhưng đêm tối làm cho đội làm phim không thể ghi hình được. Có tình huống đội trưởng Nguyễn Tiến Lợi và đồng đội tiếc đến ứa nước mắt. Nhưng rồi đội làm phim cũng quay được cảnh bộ đội kéo pháo vào trận địa. Vâng đó là thước phim ghi lại những cảnh các chiến sĩ mặt tựa đồng đen, mồ hôi ướt đẫm, những đôi chân bám chặt vào đá sỏi, xê dịch từng bước nặng nề, họ đang đem hết sức lực trong một cố gắng phi thường để đưa những “con voi sắt” vào trận địa pháo bằng những đôi tay rắn chắc, rát bỏng. Trong tiếng máy bay, bom đạn săn lùng của kẻ thù là những nhịp thở của những chiến sĩ pháo binh. Chỉ có ống kính của người quay phim tài liệu mới ghi chép được những khoảnh khắc thần kì của người chiến sĩ Điện Biên như vậy. Đặc biệt, giây phút xúc động, hồi hộp nhất là thời khắc chuẩn bị cho cảnh quay pháo binh ta đánh trận phủ đầu vào tập đoàn cứ điểm của địch.
Đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi nhớ lại: “Sáng hôm đó, trời nắng đẹp, chúng tôi vui sướng nhưng không tránh được hồi hộp; vì đây là tiếng súng đầu tiên mở màn chiến dịch. Đôi tay tôi run lên. Đồng chí chỉ huy đứng cạnh tôi hỏi nhỏ: Sẵn sàng chưa? Gần như tất cả nín thở chờ mệnh lệnh. Pháo ta gầm lên… Quay xong cảnh pháo ta bắn vào đồn giặc, chúng tôi vui sướng cười ra nước mắt”. Sau này hòa âm bài hát “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân cũng đã tôn hình ảnh lên rất nhiều. Rồi đội làm phim theo một tổ bộc phá đánh đồi Him Lam. Bước vào trận đánh, người tổ trưởng nói với đồng đội: “Nếu trường hợp tớ không về nữa, cậu lấy bộ quần áo này mà mặc, còn chiếc bút máy tớ tặng cậu B. Mình chỉ nhờ các cậu chuyển giúp cuốn sổ tay này cho gia đình”. Rồi họ trao đổi về trận đánh rất tự nhiên “… Khi quả bộc phá đầu tiên nổ thì phải lợi dụng khói mù mà lao lên, càng nhanh, càng hiệu quả, càng đỡ thương vong”. Thế rồi, sau trận đánh, cả ba không về nữa. Máu của họ đã đổ xuống để đổi lấy chiến thắng của trận chiến khốc liệt đó. Để có được những thước phim mà người xem thấy rõ cảnh địch cùng xe tăng phản kích; cảnh máy địch thả dù, chiến sĩ ta lấy hàng do máy bay địch thả xuống ngay trước mũi chúng, đội làm phim đã phải trải qua những giây phút căng thẳng tột độ. Đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi tâm sự: “Máy trong tay tôi rung lên vì chấn động của bom đạn. Để bảo đảm cảnh quay không bị rung, hai đồng chí Ngọc Quỳnh và Quý Lục mỗi người một bên ghì chặt lấy hai chân tôi, tạo thành thế kiềng ba chân. Trong ống ngắm, tôi đã nhìn rõ những chiếc dù giống những cái nấm trắng kín dần khuôn hình. Tôi lia máy sang những chiếc dù trắng xóa bay là là sang cả trận địa ta… Vừa tắt máy, đã nghe tiếng anh em trong đội quay và bộ đội ta reo lên: “Đẹp quá! Đẹp quá!”. Tiếng reo chưa dứt thì đã nghe lệnh chỉ huy, đội quay rút lui ngay. Vừa chui vào hầm thì những quả moóc-chê của địch đã nổ tung chỗ chúng tôi vừa đứng. Một nhiếp ảnh quân đội rốn lại chụp thêm vài kiểu ảnh đã bị đất vùi lấp”.
Những ngày sau đó, đội quay phim tiếp tục bám theo các đơn vị đánh đồi A1, cánh đồng Mường Thanh… đội phim vừa tay quay, vừa tay súng; có lần vào “xế chiều, địch xua quân và xe tăng phản công. Chúng vừa đi vừa bắn dữ dội. Nắm chắc máy quay, chúng tôi chuẩn bị súng tự vệ sẵn sàng tác chiến… Xe tăng và lính Âu Phi tới gần, không chần chừ, tôi nhô người ra, bấm máy. Lẫn trong tiếng súng đạn, tiếng gầm rú của xe tăng, tiếng máy rè rè vẫn quay đều…”. Có thể nói, trong những giây phút mà cái sống, cái chết có thể đến với người quay phim bất cứ lúc nào, chỉ có tinh thần dũng cảm mới có thể làm cho họ vượt qua những thử thách để thu vào ống kính những điều kì diệu.
Phim quay xong phải cử người đem phim về “Đồi Cọ” (nơi làm việc của Điện ảnh Trung ương ở Phú Thọ) để tráng rồi trở lại trận địa báo cáo kết quả. Đã có tới 6 đến 7 lần đội viên Ngọc Quỳnh phải vượt qua những chặng đường bom đạn, xuyên qua mấy tỉnh để hoàn thành tốt công tác đó. Chiều 7/5/1954 hào hùng, những phút giây sung sướng và tự hào của cả dân tộc cũng chính là những phút giây sung sướng, tự hào và thiêng liêng của đội làm phim. Niềm vui sướng tự hào đó thể hiện trong trang hồi kí của đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi: “Tôi sung sướng biết bao khi được giơ máy ghi lại những nét mặt chiến sĩ trẻ măng, những anh Bộ đội Cụ Hồ, chỉ cách đây không lâu họ đang phải đối mặt với thần chết, bây giờ đã là người chiến thắng, đang ngồi trên những chiếc xe tăng chiến lợi phẩm với những khuôn mặt tươi rói, rạng rỡ dưới lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trước gió”.
Bộ phim đã được trình chiếu ở nhiều nước, nhiều châu lục. Dù bất cứ ở thời điểm nào, dù là khán giả của đất nước nào, tất cả đều hoàn toàn bị thuyết phục bởi chiến thắng vĩ đại mang nhiều chất huyền thoại- kể cả huyền thoại về đội quay phim.