Đi trảy nước non Cao Bằng...
Văn hóa - Thể thao 26/01/2020 10:53
Vùng đất lịch sử giàu tiềm năng
Năm 2019, Cao Bằng tổ chức thành công kỉ niệm 520 năm ngày thành lập tỉnh, 69 năm tỉnh được giải phóng và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều hoạt động ý nghĩa, để lại dấu ấn sâu sắc.
Sương sớm trên sông Bằng Giang - TP Cao Bằng |
Lần giở lại lịch sử thì địa danh Cao Bằng có từ lâu, sách "Dư địa chí" do Nguyễn Trãi biên soạn năm 1435 ghi "Cao Bằng xưa là ngoại địa của bộ Vũ Định”. Vùng đất này nhiều thăng trầm, từng là nơi cát cứ của các thủ lĩnh người dân tộc ít người như Nùng Trí Cao, hoặc triều nhà Mạc khi thất thế. ThờiLê sơ là 1 trong 3 phủ của thừa tuyên Thái Nguyên, năm 1499, vua Lê Hiến Tông cho tách ra lập thành trấn Cao Bằng trực thuộc triều đình. Đến thời đại Hồ Chí Minh, ngày 28/1/1941, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về mảnh đất Trùng Khánh và Cao Bằng trở thành chiếc nôi của cách mạng Việt Nam. Ngày 3/10/1950, Cao Bằng hoàn toàn giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Ngày 27/12/1975, Quốc hội Việt Nam hợp nhất Cao Bằng và Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng, đến 29/12/1978, lại tách ra thành 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.
Ngày nay Cao Bằng có đường biên giới dài 333,403km, tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Năm 2018, tỉnh có số dân 540.400 người, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 26,7 triệu đồng, xếp thứ 60 về số dân, thứ 62 về GRDP trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Cao Bằng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế cửa khẩu như: Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, cửa khẩu quốc gia Hùng Quốc, Sóc Giang và nhiều lối mở, cặp chợ biên giới, thuận lợi cho việc giao lưu thương mại, văn hóa, du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, tỉnh còn có 214 di tích lịch sử văn hoá với 92 di tích được xếp hạng, trong đó có 3 Di tích Quốc gia đặc biệt là: Pác Bó, Rừng Trần Hưng Đạo, Chiến thắng Biên giới năm 1950. Có 23 di tích cấp Quốc gia, 66 di tích cấp tỉnh với trên 130 điểm độc đáo là các danh thắng: Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), Vườn quốc gia (Nguyên Bình), Hồ Thang Hen (Trà Lĩnh), Hang Ngườm Pục (Thạch An)... tạo nên Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với nhiều sản vật đặc hữu (lê, thạch đen, hạt dẻ, gạo nếp, quýt, chè giảo cổ lam, miến dong...).
Cao Bằng phải cao bằng người ta…
Thăm Pác Bó, đi dọc theo suối Lê Nin dưới chân núi Các Mác, chúng tôi cứ ngẩn ngơ lặng nhìn nơi Bác từng câu cá, tập thể dục, làm việc với “bàn đá chông chênh”… Ngược lên khoảng trăm bậc đá là hang Cốc Bó, nơi Bác ở, trong đó có bếp củi và nhũ đá hình Các Mác. Còn cách hang chừng 1km đường núi là cột mốc 108, nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên khi trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước… Tất cả vẫn như còn in dấu chân Người với lời thơ “Non xa xa, nước xa xa…”. Và, chúng tôi chợt ấm lòng khi thấy bà con Tày - Nùng nơi đây tận dụng khá tốt lợi thế du lịch để bán các sản phẩm địa phương như rau âu, cải soong trồng ở ven suối.
Đến thăm thác Bản Giốc, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, nghe Trung úy Lương Ngọc Phong, cán bộ Trạm Biên phòng Bản Giốc giới thiệu về ranh giới phân chia thác giữa Việt Nam và Trung Quốc, mới thấy hết những nỗ lực của Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Thác có 2 phần thác chính và thác phụ, toàn bộ thác phụ thuộc về ta, còn thác chính thì chia đôi theo đường phân thủy của sông Quây Sơn. Từ chân thác xuống hết 300m là vụng nước rộng, thuyền bè chở khách du lịch 2 bên được phép đi lại tự do trên mặt nước, nhưng bên này không được lên bờ của bên kia. Cảnh thác rất đẹp và hùng vĩ, nhất là về mùa mưa lũ. Việc khai thác tiềm năng du lịch ở thác được cả 2 nước quan tâm. Phía bờ sông bên Trung Quốc có các con đường trên núi, cầu đu bay, bến thuyền… Còn bên ta thì ngoài bến thuyền, chợ bán đồ lưu niệm có khu resort và ngôi chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc mới được xây dựng năm 2014 trên núi Phia Nhằm…
Lên Cao Bằng, vào thời điểm cuối năm, nhiều nơi cây rừng đổ lá vàng rực, soi bóng trên mặt hồ xanh biếc như mùa Thu ở châu Âu. Cùng với những di tích lịch sử, thắng cảnh nổi tiếng, các phiên chợ vùng cao, làng nghề… nơi đây sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, người dân Cao Bằng vẫn còn nghèo, ông Nông Quốc Hùng, Chủ tịch huyện Nguyên Bình ngồi với tôi bên con sông Thể Dục cho biết, huyện chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đã chú trọng khai thác tiềm năng du lịch vùng vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, xây dựng các điểm bản văn hóa của người Dao Tiền và đưa cây quế từ huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái về trồng. Nếu thành công thì sẽ là hướng đi mới cho phát triển kinh tế đồi rừng nơi đây…
Tôi bỗng nhớ đầu Xuân năm 1961, trong lần trở lại thăm Cao Bằng, Bác Hồ căn dặn: “Cao Bằng chí ít cũng phải phấn đấu để cao bằng người ta” và dùng tiếng Tày để chúc Tết “Chúc đồng bào pi mư đạy lai” (nghĩa là: Chúc đồng bào năm mới nhiều tốt đẹp). Có lẽ đó cũng là lời chúc của những ai đến với Cao Bằng trong mùa Xuân này.