Mùa Xuân ấy, Bác trở về...
Sự kiện 01/01/2024 08:50
Đầu tháng 12/1940, Bác về một làng cách Tĩnh Tây 50 cây số. Đầu tháng 1/1941, Bác đi tiếp đến Nậm Quang (Tĩnh Tây), nơi chỉ còn vài bước chân nữa là qua biên giới Trung-Việt. Tại đây, Bác đã tổ chức lớp huấn luyện chính trị đầu tiên cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam. Trong một lần trao đổi với các học viên, Bác nói: “Hai con thú đã ở chung một chuồng, nhất định sẽ cắn xé nhau. Ta phải chuẩn bị tốt để đón lấy thời cơ”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hồi kí “Từ Pác Bó đến Tân Trào” nhớ lại: “Lễ tốt nghiệp tổ chức giữa một khu rừng vắng vẻ… Anh em chúng tôi đứng vây quanh Bác, biết rõ ông cụ mảnh khảnh mặc bộ quần áo Nùng giản dị này là người gắn liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trong gió lạnh như một ngọn lửa thiêng sưởi ấm hồn chúng tôi… Ngày Tết đến với chúng tôi tại biên giới (…). Gần làng có miếu thờ thần hoàng, Nhân dân ai cũng đến lễ bái. Bác cũng đi cùng bà con đến viếng đền. Anh em chia nhau đi ăn Tết các nơi trong làng (…). Đến nhà ai, Bác cũng đều mang theo một tờ giấy hồng điều tự tay Bác đã viết dòng chữ “Cung chúc tân niên”. Và tất nhiên, Bác không bao giờ quên các cháu nhỏ. Bác âu yếm và mừng tuổi các cháu nhỏ mỗi cháu một xu.
Bác Hồ đọc báo trong hang Pác Bó. |
Ngày 28/1/1941, Bác cùng với các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc rời đất Nậm Quang về nước. Đồng chí Lê Quảng Ba nhớ lại: “Tiết xuân trời đẹp. Chúng tôi ăn cơm sớm ở Nậm Quang, chào bà con rồi lên đường. Trong bộ quần áo chàm Nùng, Bác như gầy hơn. Bác vừa đi đường vừa kể chuyện…”. Đến mốc đá 108, Bác dừng lại cúi đọc những dòng chữ khắc sâu trên đá. Rồi Bác hướng tầm mắt nhìn vọng hồi lâu về giải đất Tổ quốc trùng điệp. Biên giới vào Xuân. Hoa rừng đua nhau nở, nhất là hoa bi coóc cà nở trắng rừng, mùi hương tỏa ngát trên vùng biên giới.
Đồng chí Lê Quảng Ba dự định đưa Bác về ở tạm ở nhà ông Máy Lì (cơ sở cách mạng). Gia đình cũng nhất mực mời Bác và mọi người ở lại. Bác thương gia đình ông Máy Lì nên dứt khoát “Thôi, sáu sán”! (tức ở rừng). Và ông Máy Lì dẫn Bác và mọi người đi về phía hang núi. Người ta gọi đó là hang Pác-Bó (Đầu nguồn). Bác bằng lòng ở tạm đây. Ông Máy Lì đem tới bốn tấm ván dài ngắn khấp khểnh, và một tấm cót rách. Mọi người lót cót cắt lá mạy téc rải đệm nằm cho đỡ lạnh. Hang lạnh, mọi người gom củi khô nhóm lửa. Đi đường vất vả và mệt, mọi người lăn ra ngủ. Riêng Bác, ngồi bên bếp lửa ấm, lấy sách ra đọc.
Đêm ấy trong hang “đầu nguồn”, ánh sáng nhỏ nhoi từ một mảnh đất hẹp ở Cao Bằng, sau này đã trở thành một ngọn lửa lớn, một cơn giông bão cách mạng, một dòng sông khởi nghĩa hùng vĩ len lỏi qua các chặng đường khúc khuỷu để đưa Tổ quốc Việt Nam đến biển lớn Độc lập-Tự do-Hạnh phúc. Tất cả những gì về đường lối, chính sách, chiến lược, sách lược, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh đã được Người đưa ra ngay tại đầu nguồn Pác-Bó không phải là để khảo nghiệm, mà là để thực hiện như là những bài học đã đúc kết, những kết quả đã thu hái được rồi. Ôi, mùa Xuân ấy, giữa bộn bề công việc, thế mà Bác vẫn tự tại, ung dung. Giữa trùng điệp núi rừng, bên cạnh con suối trong xanh, Bác vui vẻ nói với mọi người: “Dòng suối của ta đẹp quá, trong xanh như ngọc ấy, lại bắt nguồn từ đây, nên đặt tên là suối Lê-nin. Còn ngọn núi hùng dũng kia (Bác chỉ tay về phía sau bên trái) chúng ta gọi là núi Các Mác, các đồng chí thấy có được không?”. Ai cũng tán thưởng ý kiến của Bác.
Chiếc giường nơi Bác nghỉ trong hang Pác Bó. |
Về Pác Bó được ít lâu, Bác đã hoàn thành một chương trình có ý nghĩa lịch sử trọng đại: Chuẩn bị Hội nghị Trung ương lần thứ VIII. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm về công tác tổ chức thí điểm Việt Minh ở Cao Bằng, Trung ương sẽ quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh trong toàn quốc và chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Mặt trận Việt Minh được thành lập đoàn kết toàn dân, đoàn kết mọi người, “cả người đi lính cho Tây, làm việc cho Tây”, “giàu nghèo, sang tiện”. Như lời Bác đã viết trong thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Việc cứu nước là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm (…) Hỡi các chiến sĩ cách mạng, giờ giải phóng đã đến! Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của các bậc anh hùng đương sôi sục trong lòng các đồng chí …”. Những lời lẽ tâm huyết đó của Bác đã gây một tác động lớn trong đồng bào, và các đồng chí ta suốt từ Bắc chí Nam.
Cũng vào mùa Xuân đó ở mảnh đất đầu nguồn này, Bác luôn nhắc nhở mọi người: Cách mạng phải gian khổ, việc cách mạng là việc lâu dài, cách mạng nhất định sẽ thắng. Bác thường nói: “Muôn việc lấy Đảng làm gốc, Đảng là gia đình của người cộng sản”. Gần như thành lệ, mỗi khi nghe báo cáo phong trào, bao giờ Bác cũng hỏi: “Đã được bao nhiêu cán bộ, bao nhiêu phần tử trung kiên, đã chọn được bao nhiêu người tốt để tổ chức vào Đảng?”. Rồi cũng từ ý tưởng của mùa Xuân 1941, các đội du kích, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, các khu căn cứ địa cách mạng lần lượt ra đời; rồi tổ chức chính quyền, lập Ủy ban Nhân dân, phát hành tem Việt Minh, lập Tòa án, mở lớp học,…Tất cả việc làm ấy là hình ảnh của một Việt Nam mới, thu nhỏ, trước khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (Đinh Xuân Lâm).
Ôi, Pác Bó, một mùa Xuân - mùa Xuân đầu tiên sau 30 năm Người xa nước trở về, mùa Xuân của chứng nhân lịch sử: “Nay ta đã có Việt Minh/ Đủ tài lãnh đạo dân mình đấu tranh/ 45, sự nghiệp hoàn thành” (Lịch sử nước ta - diễn ca). Quả vậy, sau 4 năm kể từ mùa Xuân ấy, chúng ta đã làm nên một Cách mạng tháng Tám hào hùng; làm nên chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và kết thúc trọn vẹn bằng Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước…
Tất cả những dấu son lịch sử huy hoàng đó đều được bắt đầu từ cái mốc của mùa Xuân 1941 Bác về. Ôi, dù 83 năm đã trôi qua, nhưng sao mãi trong ta vẫn không bao giờ quên được phút giây ấy- phút giây thiêng liêng “Bác đã về đây, Tổ quốc ơi/ Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người/ Ba mươi năm ấy chân không nghỉ/ Mà đến bây giờ mới tới nơi/ .../ Ôi sáng Xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về, im lặng, con chim hót/ Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ...” (Theo chân Bác-Tố Hữu).